Chủ động các phương án đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong năm 2025, các hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường vẫn có khả năng có những biến động mạnh nên cần lưu ý đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng mùa mưa bão. Với tinh thần không chủ quan xem nhẹ, cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thiên tai, bão và áp thấp nhiệt đới khi có hướng đổ bộ vào đất liền, đặc biệt đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông, chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Xây dựng đã chủ động kế hoạch đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão năm nay.

Sửa chữa cầu phao Ninh Cường đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão năm nay.
Xác định công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, Sở Xây dựng tập trung cao độ công tác chỉ đạo với phương châm phòng là chính; phòng chống trước khi có thiên tai đến và xử lý nhanh hậu quả do thiên tai gây ra. Quán triệt và triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để đề ra các phương án PCTT-TKCN phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra, tránh tư tưởng chủ quan, thiếu trách nhiệm. Coi trọng công tác chuẩn bị 4 tại chỗ và triển khai công tác đảm bảo an toàn các công trình giao thông xong trước mùa mưa bão. Để chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống bất thường trong mùa mưa bão, đối với hệ thống đường bộ, đường thủy, Sở yêu cầu các đơn vị thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên chủ động kiểm tra, tổ chức bảo dưỡng thường xuyên theo kế hoạch hàng tháng, quý và năm 2025 đối với hệ thống đường bộ, đường thủy do đơn vị mình quản lý, kiểm tra các cầu yếu, các cầu có nguy cơ bị đâm, va do lượng phương tiện thủy nội địa tăng nhanh, hệ thống báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa để bổ sung kịp thời các biển báo hiệu, đèn tín hiệu, thiết bị chống đâm va; tăng cường công tác tuần đường, tổ chức kiểm tra luồng để xử lý các sự cố, các vụ vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường thủy phục vụ tốt nhiệm vụ PCTT-TKCN. Thực hiện nghiêm các kế hoạch PCTT-TKCN, phương án ứng phó sự cố thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai của ngành. Đối với các điểm vượt sông như phà Sa Cao - Thái Hạc trên tuyến đường tỉnh 489, phà Ninh Mỹ trên tuyến đường tỉnh 488C, phà Đại Nội trên tuyến Quốc lộ 21B, cầu phao Ninh Cường trên tuyến Quốc lộ 37B, phải có kế hoạch nạo vét âu giấu, nạo vét đầu bến; kiểm tra các biển báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa, hố thế, neo cáp, sửa chữa phao, phà, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy theo quy định, bổ sung phao cứu sinh, cáp, vật tư dự phòng. Tổ chức kiểm tra các bến khách ngang sông, kiên quyết đình chỉ hoạt động bến khi không đủ điều kiện an toàn như: Giấy phép hoạt động, đăng ký phương tiện, chứng chỉ người lái, trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh, bảo hiểm đối với phương tiện... Đồng thời Sở yêu cầu Phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chức năng của Sở có kế hoạch kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão đối với các bến vượt sông quan trọng.
Để chủ động ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, Sở đã xây dựng phương án đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão. Khi thiên tai xảy ra, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở, các đơn vị quản lý giao thông phải thường trực 24/24 giờ để theo dõi sát diễn biến tình hình; tập trung lực lượng, phương tiện, thiết lập hệ thống thông tin chỉ huy, theo dõi sát diễn biến của thiên tai để chủ động triển khai kịp thời các phương án PCTT. Đối với các cầu phao, bến phà trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên có trách nhiệm theo dõi cấp gió từ Đài khí tượng thủy văn Trung ương, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh triển khai ngay công tác neo giữ, cất giấu phao, phà vào trong âu dừng hoạt động khi mưa bão từ cấp 6, lũ có báo động từ cấp 2 trở lên. Khi thiên tai, bão lũ xảy ra, các phương tiện phao, phà tại các điểm vượt sông phải cất giấu không thể hoạt động được, các tuyến đường xác định dự phòng để phân luồng giao thông gồm các tuyến đường tỉnh 487, 488, 489C, 488C, 490C, 486B,… và các tuyến đường huyện đã được đầu tư đồng bộ trên địa bàn. Sở Xây dựng giao Ban Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông Nam Định và Phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị các huyện, thành phố có biện pháp kiểm tra và tổ chức công tác bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường dự phòng để phục vụ tốt, đáp ứng cho công tác phân luồng giao thông. Khi thiên tai xảy ra gây hư hỏng cầu đường, làm ách tắc giao thông, các đơn vị phải nhanh chóng phối hợp cùng Sở Xây dựng, Ban Chỉ huy PCTT cấp huyện xác định tình trạng hư hỏng và đề xuất phương án khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông theo quy định trong thời gian ngắn nhất; đồng thời báo cáo cấp trên để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cho mọi người biết và phòng tránh. Đơn vị quản lý đường bộ triển khai ngay các biện pháp giải tỏa ách tắc mặt đường, dọn dẹp cây xanh, khơi thông thoát nước nhằm đảm bảo giao thông ngay sau khi bão, lũ, thiên tai đổ bộ. Phương án phân luồng giao thông khi cầu phao, phà tại các bến vượt sông dừng hoạt động: Khi bến phà Đại Nội dừng hoạt động để di chuyển từ Trực Nội sang xã Trực Đại (Trực Ninh), Hải Hậu các phương tiện theo hướng Quốc lộ 21B, tỉnh lộ 488B hoặc 487 đến Quốc lộ 21 đi qua cầu Lạc Quần (vượt sông Ninh Cơ) sang các huyện Xuân Trường, Hải Hậu và ngược lại; khi cầu phao Ninh Cường dừng hoạt động các phương tiện từ huyện Nghĩa Hưng sang các huyện Trực Ninh, Hải Hậu theo hướng các tỉnh lộ 490C, 488B hoặc 487 đến Quốc lộ 21 đi qua cầu Lạc Quần (vượt sông Ninh Cơ) đến các huyện Xuân Trường, Hải Hậu hoặc đi theo hướng tỉnh lộ 490C đến cầu Thịnh Long sang Hải Hậu và ngược lại…
Trước tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường trái quy luật, công tác PCTT-TKCN cần được hết sức chú trọng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Ban PCTT-TKCN ngành Xây dựng yêu cầu các đơn vị chủ động sáng tạo, sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến của bão, lũ, thiên tai, chống tư tưởng chủ quan xem nhẹ. Thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể chi tiết và phối hợp các cấp, các ngành triển khai kế hoạch PCTT-TKCN năm 2025 theo phương án đã đề ra. Thực hiện tốt phương châm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, của nhân dân khi có thiên tai xảy ra, đảm bảo giữ gìn hệ thống giao thông của tỉnh luôn an toàn, giao thông thông suốt, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.