Chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho đàn gia súc do rét đậm, rét hại gây ra, cấp ủy, chính quyền, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn khô, sửa chữa chuồng trại, che bạt chắn gió để giữ ấm, tăng cường chất dinh dưỡng để chủ động phòng, chống đói, rét (PCĐR) cho đàn gia súc.
Trùng Khánh là một trong những huyện thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại trong mùa đông, khiến nhiều gia súc bị chết rét. Hiện tổng đàn gia súc toàn huyện trên 80.000 con, trong đó, có trên 24.000 con trâu, gần 8.000 con bò. Vụ đông xuân 2023 - 2024, do thời tiết diễn biến bất thường với nhiều đợt rét đậm, rét hại khiến hơn 200 con gia súc bị chết rét, chủ yếu là trâu, bò dưới 12 tháng tuổi.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh Hà Minh Hải cho biết: Rút kinh nghiệm từ những năm trước, với dự báo thời tiết vụ đông xuân 2024 - 2025 tiếp tục diễn biến phức tạp, huyện chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực PCĐR cho gia súc ngay từ đầu mùa để bảo vệ tài sản, sinh kế quan trọng của người dân địa phương. Tuyên truyền, vận động người dân chủ động gia cố chuồng trại, tích trữ rơm khô, trồng thêm cỏ voi, khai thác, chế biến, bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp như: thân, lá cây ngô, vỏ, bắp ngô khô, rơm, rạ, cỏ voi... để ủ chua, đảm bảo đủ nhu cầu thức ăn trong những ngày rét đậm, rét hại kéo dài. Chỉ đạo các xã hướng dẫn từng hộ sử dụng bạt che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò, không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12oC. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện chưa có trâu, bò bị chết đói, chết rét và dịch bệnh, đàn gia súc phát triển ổn định.
Ông Hà Văn Hoạt, xóm Lũng Tung, xã Xuân Nội (Trùng Khánh) chia sẻ: Với kinh nghiệm chăn nuôi bò nhiều năm, ngay từ đầu mùa đông, gia đình tôi đã gia cố chuồng trại, chuẩn bị bạt, tấm tôn để che chắn cho đàn bò. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò của gia đình, sau khi thu hoạch lúa mùa, gia đình tôi thu gom rơm và lên rừng cắt cỏ về làm thức ăn cho bò trong mùa đông; dự trữ thêm lõi ngô, củi để đốt sưởi ấm khi nhiệt độ xuống thấp. Đồng thời, gia đình tôi chủ động tiêm phòng bổ sung để phòng, chống dịch bệnh, tăng cường sức đề kháng cho đàn bò.
Đến hết tháng 1/2025, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh có 552.330 con; trong đó, 106.387 con trâu, 101.304 con bò, 344.639 con lợn. Trong thời gian qua, các địa phương xuất hiện rét đậm, rét hại kèm theo mưa, nhiệt độ giảm mạnh, đặc biệt ở các xã vùng cao nền nhiệt giảm sâu, nhất là về đêm dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn vật nuôi, giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm; tạo điều kiện phát sinh nhiều dịch bệnh trên đàn vật nuôi như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả lợn… Có 18 con trâu, bò bị chết do đói, rét.
![Người dân chủ động sử dụng bạt che chắn chuồng trại để giữ ấm, phòng, chống rét cho đàn vật nuôi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_619_51459110/95915cde6b9082cedb81.jpg)
Người dân chủ động sử dụng bạt che chắn chuồng trại để giữ ấm, phòng, chống rét cho đàn vật nuôi.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hoàng Văn Khánh, để thực hiện tốt công tác PCĐR cho đàn vật nuôi, Chi cục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp PCĐR cho vật nuôi. Phối hợp với UBND các huyện, Thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các phòng, ban chuyên môn phân công cán bộ trực tiếp đến cơ sở để hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm cho người chăn nuôi các biện pháp PCĐR cho đàn gia súc; chủ động tu sửa, che chắn chuồng trại, tăng cường vệ sinh phòng bệnh, xử lý tốt môi trường chăn nuôi. Tuyên truyền người dân không thả rông vật nuôi trong những ngày nhiệt độ dưới 12oC. Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để phục vụ công tác PCĐR, dịch bệnh cho vật nuôi, hỗ trợ vật tư, kinh phí cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.
Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác PCĐR, phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là tại các địa phương có nguy cơ xuất hiện bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở và trưởng các xóm, bản phối hợp với các tổ chức đoàn thể huy động nguồn lực tại chỗ, bám sát địa bàn trong công tác chỉ đạo PCĐR cho đàn vật nuôi.
Theo dự báo, thời tiết thời gian tới tiếp tục có những diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại kéo dài tiếp tục xảy ra. Người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết để chủ động thực hiện hiệu quả các biện pháp PCĐR cho đàn vật nuôi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thời tiết gây ra, góp phần duy trì ổn định, phát triển đàn vật nuôi tại các địa phương và tăng thu nhập cho người dân.