Chủ đầu tư, nhà thầu cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ 'đứng, ngồi không yên' vì vướng mặt bằng
Lo lắng về mặt bằng chưa thông sau gần 2 năm thi công, chủ đầu tư dự án đoạn cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (đoạn qua Quảng Bình) đã gửi văn bản khẩn đề nghị địa phương sớm bàn giao.
Gần 2 năm thi công, nhiều ngôi nhà vẫn án ngữ tuyến chính
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 3 dự án thành phần cao tốc đang triển khai, gồm: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ.
Đáng nói, sau 2 năm thi công, dự án Vạn Ninh - Cam Lộ (đoạn qua địa bàn huyện Lệ Thủy) vẫn còn vướng mặt bằng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Thông tin với PV, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư dự án Vạn Ninh - Cam Lộ) cho hay: Trên tuyến chính dự án cũng như tuyến đường hoàn trả Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận huyện Lệ Thủy còn vướng các hộ dân và trang trại năng lượng mặt trời, đường dây điện của người dân sau đồng hồ.
"Thời gian vừa qua, công tác thi công gặp vô vàn khó khăn do vướng mặt bằng, thời tiết mưa nhiều. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu phải thông tuyến đúng dịp 30/4/2025 nhưng nhiều vị trí còn chưa đắp nền khiến chúng tôi đứng ngồi không yên", vị này nói.
Ghi nhận trên công địa dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua huyện Lệ Thủy, máy móc, công nhân được các nhà thầu di chuyển đến các vị trí khác để thi công do không có công địa cộng với thời tiết xấu.
Ông Lưu Tuấn - cán bộ Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư dự án) cho biết, gần hết năm 2024, thời tiết trên địa bàn mưa nhiều. Tuy nhiên, nhiều vị trí trên tuyến vẫn còn vướng mặt bằng.
"Từ nay cho đến 30/4/2025 chỉ còn lại 5 tháng để các đơn vị triển khai thi công. Chúng tôi đang lo "lụt" tiến độ do các nguyên nhân khách quan khiến dự án không thể thông tuyến. Tại nhiều cuộc họp với địa phương, lãnh đạo Ban quản lý Hồ Chí Minh cùng chung tay với địa phương để sớm xử lý, song mặt bằng nhưng chưa tiến triển nhiều" ông Tuấn thông tin.
Gửi văn bản "khẩn" đề nghị địa phương sớm bàn giao mặt bằng
Sốt ruột trước công tác giải phóng mặt bằng chậm, lo ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án, Ban Quản lý Hồ Chí Minh đã gửi văn bản khẩn đến UBND tỉnh Quảng Bình.
Cụ thể, trên tuyến chính còn khoảng 180 mét dài chưa bàn giao mặt bằng chủ yếu là vướng nhà các hộ dân và trang trại điện mặt trời tại xã Trường Thủy; Cá biệt, một số hộ dân đã bàn giao mặt bằng cho địa phương nhưng không nhận tiền đền bù và không cam kết bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.
Các vị trí tuyến đường hoàn trả Hồ Chí Minh còn khoảng 100 mét dài vẫn chưa có mặt bằng sạch để thi công; tại phạm vi nút giao quốc lộ 9C địa phương đang công khai phương án đền bù...
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn 3 vị trí chưa di dời gồm: Đường dây Viettel tại Km693+425; Trạm thu phát sóng VNPT tại Km685+250 (đơn vị chủ quản chưa thực hiện tháo dỡ); Đường dây VNPT tại Km686+350, Km686+500 (do chưa thi công đường điện nên chưa treo được đường dây); ngoài ra, một số vị trí đường dây điện sau công tơ địa phương đã hoàn thành di chuyển nhưng người dân chưa tháo dỡ để yêu cầu đòi bồi thường.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án, thời gian hoàn thiện dự án chỉ còn khoảng 4 tháng, trong khi khối lượng đất đắp còn rất lớn (100.000 khối) vì vậy kiến nghị tỉnh Quảng Bình, huyện Lệ Thủy sớm xử lý dứt điểm để dự án hoàn thành theo cam kết với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT.
Thông tin với PV, lãnh đạo UBND huyện Lệ Thủy thừa nhận việc GPBM dự án cao tốc đoạn qua địa phương đang vướng mắc.
"Trong tháng 12 này, chúng tôi tập trung hoàn thiện công tác để bàn giao cho chủ đầu tư" lãnh đạo huyện Lệ Thủy cho biết.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua địa bàn Quảng Bình gồm 3 Dự án thành phần với tổng chiều dài 126,43km. Trong đó, đoạn Vũng Áng - Bùng có chiều dài khoảng 42,95km; đoạn Bùng - Vạn Ninh có chiều dài 49,93km và đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có chiều dài 33,55km. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 8 nút giao.