Chủ đầu tư các khu công nghiệp kinh doanh như thế nào

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đầu ngành như Viglacera, IDICO, SIP tăng trưởng lợi nhuận tích cực và báo lãi trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2024.

Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng tại Bà Rịa - Vũng Tàu của IDICO. Ảnh: IDC

Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng tại Bà Rịa - Vũng Tàu của IDICO. Ảnh: IDC

Trong quý 4/2024, doanh thu của Tổng Công ty IDICO – CTCP (HNX: IDC) đạt 1.955 tỷ đồng, giảm 12,68% so với quý 4/2023, lợi nhuận gộp từ đó giảm 22,6% về còn 636 tỷ đồng. Cùng với việc doanh thu tài chính giảm 40,45% về còn 53 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 29,8% về còn 438 tỷ đồng.

Dù “hụt hơi” trong quý 4, lũy kế cả năm 2024, doanh thu của IDICO vẫn tăng 22% so với năm 2023 lên 8.846,4 tỷ đồng. Riêng doanh thu của mảng khu công nghiệp trong năm tăng 21% so với cùng kỳ, đạt gần 4.000 tỷ đồng, tương đương 45% tổng doanh thu. Doanh thu kinh doanh điện cũng tăng 15% lên 3.373 tỷ đồng.

Cùng với việc biên lợi nhuận gộp cải thiện, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng mạnh 45% so với cùng kỳ, đạt 2.393 tỷ đồng và là mức lợi nhuận năm cao kỷ lục của doanh nghiệp. Lợi nhuận trước thuế của IDICO tăng 45,5% lên 2.993 tỷ đồng, vượt 19,6% kế hoạch đề ra cho năm 2024.

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, HOSE: BCM) ghi nhận doanh thu thuần quý 4/2024 đạt 2.000 tỷ đồng, giảm 60,5% so với quý 4/2023; lợi nhuận sau thuế từ đó giảm 25% về còn 1.540 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do nguồn thu từ mảng kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư giảm mạnh 71% về còn hơn 1.334 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần của Becamex IDC đạt 5.195 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2023. Dù vậy, với khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng 145% lên 1.955 tỷ đồng, lãi sau thuế của doanh nghiệp này vẫn tăng 1% so với năm 2023 lên 2.310 tỷ đồng.

Trong quý 4/2024, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (HOSE: SIP) đạt gần 2.064 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 376 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 10% so với quý 4/2023. Công ty cho biết lợi nhuận tăng do nhận cổ tức được chia và lãi bán các khoản đầu tư.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của SIP đạt 7.804 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.278 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 27% so với kết quả năm 2023, tương ứng vượt 44,8% kế hoạch doanh thu và 61,16% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2024.

Trong đó, nguồn thu chính vẫn đến từ mảng cung cấp dịch vụ tiện ích điện, nước khu công nghiệp với hơn 6.547 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSE: VGC) ghi nhận doanh thu bán hàng quý 4/2023 đạt 3.728 tỷ đồng, tăng 23,4% so với kết quả quý 4/2023. Doanh thu tăng mạnh, tuy nhiên giá vốn hàng bán được giữ nguyên dưới ngưỡng 2.500 tỷ đồng, giúp lợi nhuận gộp trong quý cuối năm của VGC tăng hơn 121% lên 1.249,5 tỷ đồng. Trừ đi thuế phí, Viglacera báo lãi trước thuế đạt 726 tỷ đồng, cao gấp 55 lần so với quý 4/2023.

Kết quả tích cực của quý 4 đóng góp lớn vào tình hình kinh doanh cả năm. Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần của Viglacera đạt 11.913 tỷ đồng, giảm gần 10% so với kết quả cả năm 2023. Tuy nhiên với giá vốn giảm gần 13,2%, lợi nhuận gộp của công ty chỉ gảm xấp xỉ 5 tỷ đồng về còn 3.514 tỷ đồng.

Kết quả, Viglacera báo lãi trước thuế đạt 1.602,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,5 tỷ đồng so với năm 2023, bỏ xa kế hoạch lãi trước thuế 1.110 tỷ đồng đề ra cho năm 2024 (vượt kế hoạch 44,4%). Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 2,4% lên 1.190 tỷ đồng.

Bóc tách cơ cấu doanh thu, doanh thu bán sản phẩm kính, gương đạt 1.719 tỷ đồng, giảm 14,3%. Tuy nhiên hoạt động này năm lại có lãi gộp trong năm 2024, đạt 131 tỷ đồng, tích cực hơn nhiều khoản lỗ 84 tỷ đồng của năm 2023.

Ở mảng cung cấp dịch vụ, doanh thu cho thuế đất đã phát triển cơ sở hạ tầng giảm 26,8% về còn 3.302 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận gộp được duy trì ở mức 2.051 tỷ đồng, so với 2.162 tỷ đồng của năm trước.

Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi - UPCOM: SNZ) báo lợi nhuận quý 4/2024 đạt gần 423 tỷ đồng, hầu như không đổi so với quý 4/2023. Lũy kế năm 2024, doanh thu và lãi sau thuế của doanh nghiệp này lần lượt đạt 5.889 tỷ và 1.621 tỷ đồng, tăng 8% và 16% so với năm 2023, tương ứng hoàn thành 92,5% kế hoạch doanh thu và vượt 18% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Trong số những ông lớn bất động sản công nghiệp từng báo lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2023, kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Phát triên Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC) suy giảm đáng kể trong năm 2024.

Trong năm 2024, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.776 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 459,9 tỷ đồng, lần lượt giảm 50,6% và 79,5% so với năm 2023, đạt tương ứng 31% kế hoạch doanh thu và 11,5 kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo tờ trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2025, dự kiến tổ chức ngày 6/3, lãnh đạo Kinh Bắc cho biết nguyên nhân kết quả kinh doanh năm 2024 suy giảm, phần lớn tới từ việc hầu hết các dự án được kỳ vọng đưa vào kinh doanh và ghi nhận doanh thu như KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tràng Duệ 3, KĐT Tràng Cát, KĐT Phúc Ninh,… đều chưa được tháo gỡ các thủ tục pháp lý kịp thời.

Tại đại hội bất thường tới đây, HĐQT Kinh Bắc trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu hợp nhất dự kiến ở mức 10.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 3.200 tỷ đồng, lần lượt cao gấp 3,6 lần và 6,96 lần so với kết quả năm 2024.

Duy trì đà tăng trưởng năm 2025

Theo dữ liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip… đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Vào tháng 12/2024, thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ và NVIDIA – tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới, đã được ký kết, mở ra cơ hội thu hút thêm đầu tư và nâng cao năng lực công nghệ trong lĩnh vực sản xuất chip và thiết bị bán dẫn.

Đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong tháng đầu năm 2025, khi tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2024; vốn thực hiện trên 1,5 tỷ USD, tăng 2%.

Trong báo cáo chiến lược năm 2025, đơn vị phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Minh (BMSC) đánh giá nguồn vốn FDI gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu đất khu công nghiệp tại Việt Nam.

Theo BMSC, trong năm 2024, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tại các tỉnh, thành trên cả nước tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ dòng vốn FDI tăng trưởng tốt với tỷ lệ lấp đầy tại phía Bắc đạt 68% và phía Nam 82%.

BMSC cho rằng, các thay đổi pháp lý tích cực dự kiến sẽ giúp thu hút thêm FDI. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ Đầu tư dự kiến sẽ sớm được hoàn thiện và giảm bớt tác động của Thuế Tối thiểu Toàn cầu đối với nhà đầu tư nước ngoài; và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/01/2025 có thể làm đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đồng bộ hóa quy trình phê duyệt cho các dự án khu công nghiệp mới.

Đồng quan điểm với BMSC, trong báo cáo phân tích ngành bất động sản khu công nghiệp được công bố đầu năm 2025, đơn vị phân tích của CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định làn sóng FDI tích cực sẽ tiếp tục diễn ra.

Theo ABS, Việt Nam có lợi thế lơn khi nằm ở vị trí chiến lược, giữa Trung Quốc và Sinapore, tiếp giáp với Biển Đông – một trong những tuyến đường thương mại quan trọng của thế giới.

Trong những năm gần đây, Chính phủ tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và đây sẽ tiếp tục là định hướng chủ đạo trong giai đoạn 2025 – 2030 với nhiều dự án quan trọng, giúp tăng tính kết nối giữa các vùng, giảm bớt chi phí logistics. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tỷ lệ đầu tư cơ sở hạ tầng trên GDP của Việt Nam trong những năm gần đây nằm trong nhóm cao nhất ở châu Á, đạt mức trung bình là 5,7%.

Một loạt dự án quan trọng đã và đang được chuẩn bị triển khai như: hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam (với mục tiêu của Thủ tướng là hoàn thành 3.000 km cuối năm 2025); Sân bay Long Thành (GĐ1) dự kiến hoàn thành trong năm 2026; Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ và Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ gần cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động trung chuyển quốc tế…

Dù dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 2-3% trong giai đoạn 2025 – 2027, ABS nhận định bất động sản công nghiệp sẽ phải đối mặt một vài rủi ro tiềm tàng trong năm 2025.

Một trong những yếu tố được ABS đề cập là sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực. Hai quốc gia có sự cạnh tranh lớn về thu hút FDI hiện nay với Việt Nam là Indonesia và Ấn Độ khi đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài như ưu đãi về thuế quan, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng cùng với việc chi phí nhân công ở mức trung bình.

Minh Phong

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chu-da-u-tu-cac-khu-cong-nghiep-kinh-doanh-nhu-the-na-o-38331.html
Zalo