Chốt chặn hàng giả

Hàng loạt vụ án nghiêm trọng liên quan đến sản xuất, buôn bán lưu thông hàng giả đã và đang được phanh phui khiến dư luận nhức nhối.

Những vụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm và thực phẩm chức năng giả... quy mô lên tới gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả, hơn 900 nhãn hiệu gồm hàng trăm tấn thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả...

Từ người dân tới nghị trường Quốc hội, câu hỏi đang ráo riết được đặt ra: Vậy “chốt chặn” hàng giả là ai, ở đâu? Đương nhiên chốt chặn chính là các bộ, ngành, cơ quan được giao trách nhiệm quản lý, cấp phép, kiểm định, kiểm soát xuất nhập khẩu, lưu thông... đối với hàng hóa và nguyên liệu sản xuất.

Tuy nhiên, sau mỗi vụ việc xảy ra, lại thấy tình trạng lúng túng nhìn nhau, thậm chí “đá bóng trách nhiệm” sang chân nhau của các tổ chức, đơn vị, địa phương. Câu hỏi nữa được đặt ra: Liệu có quá khó để họ (những người có chức trách ấy) biết được đó là hàng giả không? Chắc chắn với kiến thức chuyên sâu lẫn sự dày dạn thực tế, những chuyên gia ấy không khó để biết đâu là hàng giả, dễ gì qua mắt được!

Tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu đã chỉ rõ. Rằng với bất cứ lĩnh vực quản lý nào, bao gồm an toàn thực phẩm, chỉ cần các cơ quan quản lý vô tư, khách quan, thường xuyên kiểm tra và xử lý quyết liệt khi phát hiện sai phạm, thì hàng giả, hàng kém chất lượng “ắt không còn đất sống”. Ngược lại, nếu có sự bao che, tiếp tay, thì rất khó để ngăn chặn.

Nhưng vì sao nhiều người có trách nhiệm vẫn ký duyệt, cấp phép cho hàng giả tồn tại? Rõ ràng là do tiêu cực, vì mục đích tiền bạc, lợi ích cá nhân. Đã biết là giả, kém chất lượng mà vẫn ký cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, thì những chữ ký ấy có là đồ giả luôn không? Giả của giả, giả chồng giả. Đầu tiên là hàng giả, rồi thẩm định, hậu kiểm giả, đến quảng cáo giả. Lừa dối, giả dối một cách đa tầng đa cấp độ, một cách có hệ thống.

Như trong vụ cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cùng một số cán bộ thuộc cấp vừa bị bắt, với cáo buộc đã nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp để bỏ qua các lỗi vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt và giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho hàng trăm nhãn hiệu thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... trên toàn quốc, từ ngày 15/5 đến 15/6. Trong đó làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, cấp phép, kiểm định, kiểm soát xuất nhập khẩu, lưu thông... và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực...

Tất nhiên cuộc chiến chống và đẩy lùi hàng giả không chỉ dừng lại ở một tháng hay một khoảng thời gian nhất định. Mà thường xuyên, liên tục, ngày càng tăng cường quyết liệt và hiệu quả hơn. Trong đó không chỉ soi vào hành vi vi phạm của doanh nghiệp, mà quan trọng hơn cả là chấn chỉnh, sắp xếp lại trình độ, phẩm chất cũng như những lỗ hổng trong cơ chế phối hợp của các loại “chốt chặn”. Để như chỉ đạo của Thủ tướng, đó là cần đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội, các sơ hở, bất cập trong quy phạm pháp luật hoặc cơ chế quản lý của các bộ, ngành chức năng...

Theo Trí Quân (TPO)

Dòng sự kiện: Thuốc giả, sữa giả

18/05

Diễn biến mới vụ dược sĩ làm 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả bán cả vào bệnh viện

18/05

Bộ Y tế yêu cầu truy quét sữa giả, thực phẩm giả trên toàn quốc

18/05

Vụ triệt phá 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả: Bộ Y tế vào cuộc

Xem thêm

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chot-chan-hang-gia-post323654.html
Zalo