Chống rét cho cây trồng, vật nuôi, đảm bảo nguồn cung phục vụ Tết

Từ ngày 15/1, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đón đợt không khí lạnh tăng cường, trời tiếp tục rét đậm... Nhằm đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi, các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế thiệt hại và đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết.

Người dân Sa Pa sơ tán hàng vạn chậu hoa địa lan Trần Mộng có giá trị kinh tế cao xuống xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai tránh rét hại. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Người dân Sa Pa sơ tán hàng vạn chậu hoa địa lan Trần Mộng có giá trị kinh tế cao xuống xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai tránh rét hại. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Ông Nguyễn Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh Lai Châu hiện có hơn 370.000 con gia súc; trong đó đàn trâu, bò khoảng 120.000 con. Ngoài ra có hơn 250 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có gần 46.000 hộ chăn nuôi đại gia súc, nhưng tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại mới đạt khoảng 74%. Để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã triển khai đồng bộ, hiệu quả phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc trong mùa đông. UBND các huyện, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong phòng, chống đói rét, dự trữ thức ăn cho vật nuôi. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn cử cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là các xã vùng cao. Đồng thời, tập trung vào việc cập nhật tình hình thời tiết, đưa thông tin thời tiết đến người dân sớm nhất, hướng dẫn nhân dân thực hiện việc đưa đàn gia súc đang chăn thả tự nhiên về quản lý nuôi nhốt; tập trung cho việc gia cố chuồng trại và đảm bảo thức ăn trong những ngày giá rét.

Nghệ An là tỉnh có đàn gia súc gia cầm lớn với tổng đàn trâu, bò 795.593 con, đàn lợn 1.012.360 con, đàn gia cầm 36.252.000 con, đàn dê 283.742 con, đàn hươu 13.681 con… Để chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã có công văn 5243/SNN-CNTY ngày 26/11/2024 về việc chủ động phòng chống đói rét trên đàn vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc phòng, chống đói rét, chú trọng các khu vực vùng núi, núi cao, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét.

Tỉnh Nghệ An thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại để tăng cường tuyên truyền cho chính quyền địa phương, người dân, nhất là nông dân vùng cao biết, chủ động ứng phó. Đồng thời, sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để triển khai kịp thời phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi… Lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách... để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã trồng cấy được trên 5.470 ha diện tích cây trồng vụ Đông Xuân. Các địa phương đã tăng cường các biện pháp chăm sóc để cây trồng sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết rét hại và sương muối.

Trong những ngày qua, cùng với băng giá, sương muối cường độ mạnh diễn ra liên tục tại Lào Cai gây nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là với cây trồng vụ Đông Xuân và cây hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Nông dân Lào Cai đang tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống rét và sương muối giúp cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh nhằm giảm thiểu thiệt hại do rét hại gây ra, để đảm bảo nguồn cung phục vụ Tết.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tới người dân về diễn biến của thời tiết, khí hậu để chủ động phòng, chống rét cho cây trồng.

Theo đó, đối với rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch dứt điểm; tưới nước đủ cho cây trồng trong những ngày rét đậm, rét hại, sương muối; tuyệt đối không gieo hạt vào những ngày nhiệt độ dưới 13 độ C. Cơ quan chức năng khuyến khích sử dụng nilon phủ luống, rơm rạ tủ gốc; làm vòm che, nhà màng, nhà lưới cho sản xuất rau. Đồng thời, tăng cường các biện pháp chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối để cây phát triển khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét cho cây trồng.

Các địa phương chủ động phương án gieo trồng, chuẩn bị nguồn giống dự trữ, điều chỉnh mùa vụ, tăng vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chuyển đổi cây trồng thích ứng với tình hình thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét hại, sương muối gây ra.

Nông dân xã Cốc San, thành phố Lào Cai, tích cực bám đồng chăm sóc, theo dõi cây trồng vụ Đông nhằm giảm thiểu tác hại của sương muối. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Nông dân xã Cốc San, thành phố Lào Cai, tích cực bám đồng chăm sóc, theo dõi cây trồng vụ Đông nhằm giảm thiểu tác hại của sương muối. Ảnh: Hương Thu/TTXVN

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ tăng cường phòng chống đói, rét cho vật nuôi, bằng các biện như: thực hiện nghiêm túc Công điện số 1404/CĐ-TTg ngày 24/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài; Quyết định số 458/QĐ-CN-MTCN ngày 8/12/2022 của Cục Chăn nuôi về Hướng dẫn phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai tích cực các biện pháp trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.

Cụ thể, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát; nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non; không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống ≤12 độ C).

Đồng thời áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi…) sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi.

Các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra; khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời; chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vaccine cho đợt tiêm phòng gia súc trong vụ Đông Xuân.

Chủ động ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi về thức ăn tinh, vật liệu che chắn chuồng trại chống gió lạnh, nhất là đối với hộ nghèo, hộ chính sách.

Thường xuyên báo cáo tình hình về Bộ (Cục Chăn nuôi, số 16 Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội) để tổng hợp và phối hợp chỉ đạo thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương cử ngay các đoàn công tác đến các huyện, xã kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc bằng các nguồn lực và nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương.

Như vậy, để giảm thiểu thiệt hại do đói rét, dịch bệnh gây nên, người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn phòng, chống đói rét cho vật nuôi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; văn bản chỉ đạo của chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp để thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, giúp đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển, tăng sức đề kháng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Ngọc Trần (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/chong-ret-cho-cay-trong-vat-nuoi-dam-bao-nguon-cung-phuc-vu-tet-20250115161620869.htm
Zalo