Chống rác thải nhựa - sớm lo để không... khó liệu!

Câu chuyện về rác thải nói chung, rác thải nhựa (RTN) nói riêng không phải là mới và cụm từ 'chống RTN' đã trở nên khá quen thuộc, phổ biến bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, RTN vẫn là vấn đề rất đáng quan tâm và còn nhiều công việc phải làm, trong đó làm sao để thực sự 'chuyển' về nhận thức, 'động' về hành động, 'quyết liệt' về phương châm chỉ đạo, đưa chống RTN thành ý thức tự giác, việc làm thường ngày... là trách nhiệm không chỉ của ngành chức năng, nhà quản lý mà còn là sự chung tay của mỗi người dân, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội với tinh thần luôn sớm lo để không... khó liệu, không để thói quen nhỏ - hậu quả lớn!

Đoàn viên thanh niên bàn giao công trình “Khu dân cư hạn chế rác thải nhựa” tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, hưởng ứng Phong trào chống RTN.

Đoàn viên thanh niên bàn giao công trình “Khu dân cư hạn chế rác thải nhựa” tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, hưởng ứng Phong trào chống RTN.

Những con số đáng suy ngẫm

Thông tin từ báo chí cho thấy, theo ước tính của các chuyên gia, hàng năm có khoảng 251 triệu tấn RTN được tạo ra trên toàn cầu, trong đó có hơn 52 triệu tấn “không được quản lý” và thải trực tiếp ra môi trường. Trung bình mỗi năm, thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa, 13 triệu thùng dầu để sản xuất nhựa, 1 triệu chai nhựa được mua mỗi phút, 100.000 động vật biển bị chết vì RTN/năm. Khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới, dự báo khoảng 1.124 triệu tấn nhựa vào năm 2050... Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đánh giá, ô nhiễm nhựa đang là vấn đề cấp bách, đe dọa nghiêm trọng tới môi trường, sức khỏe con người, đặc biệt là cộng đồng sinh sống ở khu vực đô thị và ven biển.

Với Việt Nam, theo Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), mỗi ngày cả nước thải ra môi trường khoảng 67.877 tấn chất thải rắn sinh hoạt (lượng rác tại khu vực đô thị hơn 38.143 tấn/ngày, khu vực nông thôn trên 29.734 tấn/ngày... trong đó lượng RTN chiếm tỷ lệ không nhỏ). Chỉ riêng tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, hàng ngày có khoảng hàng chục nghìn tấn rác thải, trong đó có gần 2.000 tấn RTN; trung bình mỗi ngày, Hà Nội phát sinh 7.000 - 7.500 tấn rác thải, trong đó có 8-12% là RTN, giấy... Điều dễ nhận thấy là, do thời gian phân hủy rất lâu, thậm chí rất khó phân hủy nên hiểm họa của RTN đối với môi trường rất lớn, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu, kịp thời.

Các siêu thị trên địa bàn tỉnh sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, dễ phân hủy để buộc, đóng gói mặt hàng rau, củ, hạn chế sử dụng túi nylon.

Các siêu thị trên địa bàn tỉnh sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, dễ phân hủy để buộc, đóng gói mặt hàng rau, củ, hạn chế sử dụng túi nylon.

Nguyên nhân gia tăng RTN có nhiều nhưng chủ yếu bắt nguồn từ chính hành vi của con người. Không kể đến nhu cầu sản xuất công nghiệp và các lĩnh vực khác, các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp cần nhiều sản phẩm nhựa cho quá trình sản xuất, kinh doanh của mình, chính thói quen tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày của người dân đã là một trong những “tác nhân” làm phát sinh lượng RTN. Ngày nay, dù ở thành thị hay nông thôn, không khó để bắt gặp hình ảnh RTN như túi nylon, ly nhựa, chai nhựa, hộp nhựa... xả ra môi trường. Quan trọng hơn, chính nhận thức không đầy đủ, thấu đáo, hành động không quyết liệt, kịp thời, không có những giải pháp căn cơ, sự cộng đồng trách nhiệm của xã hội... đã cản trở “cuộc chiến” chống RTN.

Chung tay hành động

Hiện nay, RTN không còn là chuyện riêng của mỗi quốc gia mà là mối quan tâm chung của toàn cầu, chống RTN đã trở thành nhu cầu, nhiệm vụ cấp thiết. Đơn cử như với một số nước láng giềng trong khu vực, ô nhiễm RTN đã trở thành chủ đề quan tâm của nước Chủ tịch ASEAN (Malaysia) vào năm 2025, đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các nước thành viên ASEAN, bản thân nước chủ nhà Malaysia đang nỗ lực hết mình để tìm ra giải pháp toàn diện. Chính phủ Indonesia cũng đã thực hiện một số chính sách nhằm giải quyết vấn đề RTN trên đại dương, trong đó có Chương trình “Sứ mệnh Indonesia 2024” và lạc quan với mục tiêu giảm 70% RTN trên đại dương vào năm 2025. Các quốc gia khác trên thế giới cũng đã và đang có nhiều động thái tích cực cho “cuộc chiến” chống RTN.

Hội viên phụ nữ huyện Thanh Thủy tích cực tham gia Mô hình “Giảm thiểu RTN tại nơi công cộng”.

Hội viên phụ nữ huyện Thanh Thủy tích cực tham gia Mô hình “Giảm thiểu RTN tại nơi công cộng”.

Ở nước ta, sớm nhận rõ nguy cơ, tác hại và tăng cường công tác phòng, chống RTN, Chính phủ đã có Quyết định về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030; Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý, giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống RTN giai đoạn 2021-2025”... với những chỉ đạo vĩ mô, tích hợp tổng hòa các giải pháp đồng bộ. Bộ TN&MT cũng đã kêu gọi chung tay làm sạch môi trường, chống RTN; các bộ, ngành, địa phương có nhiều hành động cụ thể, tích cực, nỗ lực bảo vệ môi trường, chống RTN, lan tỏa thông điệp chung tay hành động, từ bỏ thói quen nhỏ - hậu quả lớn, mang lại hiệu quả thiết thực.

Với Phú Thọ, theo thống kê bước đầu, giai đoạn 2021-2025, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 265.757 tấn/năm, lượng thu gom dự kiến đạt 191.130 tấn/năm, trong đó có RTN. Nhằm tích cực, chủ động trong công tác chống RTN, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào chống RTN trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát động phong trào chống RTN với sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân. Song hành với đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức; huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, phát huy vai trò của các đoàn thể, nhất là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên... nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được triển khai hiệu quả; các doanh nghiệp cũng đã đồng hành, chung tay, có nhiều giải pháp giảm thiểu RTN một cách hữu hiệu.

Nhìn chung, phong trào chống RTN trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, khẩu hiệu “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” đi vào cuộc sống. Công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa được tăng cường. Việc thành lập mới, duy trì các tổ, đội thu gom rác thải vượt chỉ tiêu đề ra; các trang, thiết bị, phương tiện chuyên dụng; các biện pháp xử lý, đầu tư cải tạo, khắc phục ô nhiễm, hoàn thiện hạ tầng... được quan tâm.

Theo Điều 25, khoản 1, mục d, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000 đồng đối với hành vi thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển...

Tiến Dũng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chong-rac-thai-nhua-som-lo-de-khong-kho-lieu-220700.htm
Zalo