Chống lãng phí và chuyển động từ những công trình 'đắp chiếu'
Sau những chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, nhiều công trình vốn 'câu giờ' tại các địa phương đã bắt đầu chuyển động và 'thức dậy'.
Chuyển động từ những công trình “đắp chiếu” nhiều năm
Chống lãng phí phải trở thành công việc cần làm ngay từ Trung ương đến địa phương và việc lan tỏa được tinh thần này đã bắt đầu chuyển biến tại nhiều địa phương, ngay chính tại các công trình vốn lâu nay “câu giờ”, “đắp chiếu”.
Tại Hà Nội, công viên Phùng Khoang vốn là dự án nổi tiếng về chậm tiến độ đã được khẩn trương thi công và tạm bàn giao trước Tết Âm lịch để kịp trở thành địa điểm bắn pháo hoa chào năm mới. Việc hoàn tất thi công được trông đợi sẽ sớm bước vào những khâu sau cùng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, tuyến metro số 1, cũng là một công trình “câu giờ” nổi tiếng khác cũng đã kịp khởi động phục vụ người dân nơi đây trong những ngày cuối cùng của năm 2024.
Đây chỉ là hai trong số nhiều công trình chậm tiến độ khiến vốn xây dựng bị đội lên, gây ra những sự lãng phí không hề nhỏ trong khi chính người dân sở tại không được thụ hưởng những lợi ích từ các công trình này.
Những sự lãng phí như thế lâu nay được hóa thân trong vô số các công văn, bản báo cáo giải trình để rồi điềm nhiên "trơ gan cùng tuế nguyệt", điềm nhiên tồn tại mà không có một lời giải đáp thỏa đáng hay sự dứt khoát về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức hay cá nhân nào. Tệ hơn nữa là sự lãng phí đi cùng các nguồn lực nằm bất động cùng các công trình còn được đập ngay vào mắt người dân, khiến không thể không đặt ra câu hỏi phải chăng sống cùng, sống chung với lãng phí là chuyện thường ngày!?
Đến độ trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phải bức xúc nhắc đến hai công trình cơ sở 2 của của hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại tỉnh Hà Nam như một “điển hình” cho sự lãng phí các nguồn lực công. Theo Tổng Bí thư, nếu như hai công trình này do tư nhân đầu tư thì chắc chắn đã đi vào hoạt động từ lâu.
Lan tỏa tinh thần đường dây 500kV để "thức dậy" những công trình “đắp chiếu”
Công trình đường dây 500kV mạch 3 được thi công và hoàn thành trọn vẹn trong năm 2024 là điều mà ít người nghĩ đến nếu như đặt trong bối cảnh thực tế lâu nay của nhiều công trình trọng điểm của quốc gia, của địa phương.
Nhưng điều không thể đã trở thành có thể khi có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Trung ương và địa phương, sự chung tay trong hành động vì lợi ích của đất nước, của cơ sở. Ở đây, tinh thần chỉ bàn làm không bàn lùi đã thắng được những sức ỳ trong tư duy, thói quen cố hữu trong hành động để mang lại một phong cách điều hành, xử lý, tháo gỡ cho được những điểm nghẽn để có thể không có dư địa cho lãng phí tồn tại.
Điểm đáng mừng là sau hiệu lệnh của Tổng Bí thư Tô Lâm từ bài viết “Chống lãng phí”, tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều địa phương khác, những công trình vốn đã chậm tiến độ do vô số nguyên nhân đã bắt đầu thức dậy, hứa hẹn một cuộc sống mới có ích cho nền kinh tế, cho cộng đồng, cho người dân.
Logic ở đây là một công trình lớn, phức tạp như đường dây 500kV đã có thể hoàn thành trong một thời gian có thể nói là kỷ lục thì không có lý gì, những công trình khác lại chấp nhận sự kéo dài trong thời gian thi công cũng như chậm phát huy tác dụng chỉ bởi những thủ tục, cơ chế sinh ra trong quá trình điều hành, quản lý.
Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều công trình có số vốn đầu tư lớn, thậm chí lên đến nhiều nghìn tỷ đồng vốn từng ngủ yên đã sống lại và phát huy đúng, rõ, tích cực vai trò cho phát triển kinh tế xã hội nhờ vào việc tập trung và quyết liệt tháo gỡ các cơ chế. Một trong những công trình như thế là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, một cái tên trong một thời gian dài gợi liên tưởng về sự trì trệ, bế tắc, khó trăm nỗi, mà khó nhất là những vấn đề liên quan đến pháp lý.
Bằng nỗ lực và quyết tâm đến mức cao nhất, tiến độ hoàn thành các hạng mục của nhà máy sau cùng cũng vượt qua “núi” các khó khăn về vốn, về cơ chế để bằng tinh thần một quyết tâm, một hy vọng đưa dòng điện từ nhà máy hòa lưới điện quốc gia.
Ngẫm từ cuộc sống mới của những công trình như thế bỗng gợi lên một điều rằng, hóa ra, giữa việc chống lãng phí các công trình xây dựng nói riêng, các nguồn lực nói chung và gỡ điểm nghẽn thể chế - điểm nghẽn của các điểm nghẽn, chưa bao giờ có quan hệ mật thiết như bây giờ. Đó có thể coi như một mệnh lệnh của cuộc sống, của phát triển. Mọi sự bắt tay hành động quyết liệt chống lãng phí ngay từ lúc này là hoàn toàn cần thiết và không thể nào khác được.