Chống lãng phí đất đai từ quản lí

Thực trạng lãng phí về đất đai dễ dàng nhận thấy trong xã hội mà nguyên nhân do việc quản lí đất đai.

Mặc dù lãng phí về nguồn lực đất đai chưa được hạch toán và thống kê đầy đủ, nhưng bằng quan sát bình thường, mọi người đều cảm nhận được những tác hại của loại lãng phí này.

Một là, lãng phí từ qui hoạch. Lãng phí này thể hiện rõ nhất trên các dự án qui hoạch treo. Sự lãng phí này không chỉ treo một mảnh vườn mà là treo hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn ha đất trong cả một thời gian dài.

Hai là, lãng phí do khiếu kiện về đất đai bùng phát trong xã hội. Loại khiếu kiện này đã chiếm tới trên dưới 70% tổng số vụ khiếu kiện hàng năm, và kéo dài không dứt từ nhiều chục năm qua. Trong lãng phí này, có loại người dân kiện người dân, người dân khiếu kiện cơ quan quản lý nhà nước làm đình trệ việc sử dụng các loại đất đai trong thời gian khiếu kiện.

Bộ máy quản lý đất đai cần thực hiện cuộc cách mạng để hoạt động có hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Ảnh: Hoàng Hà

Bộ máy quản lý đất đai cần thực hiện cuộc cách mạng để hoạt động có hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Ảnh: Hoàng Hà

Ba là, lãng phí do tham nhũng về đất đai. Tham nhũng này đã xuất hiện từ đơn giản đến tinh vi giữa những người có quyền quản lý đất đai với những người kinh doanh đất đai. Không lĩnh vực nào mà người “có quyền” và người “có tiền” lại dễ dàng ăn ý với nhau để chuyển đất công thành đất tư, chuyển giá đất tăng lên, hạ xuống để có thể chiếm đoạt bạc tỷ từ Ngân sách nhà nước.

Bốn là, lãng phí do công trình đã được khởi công nhưng bị bỏ cho cỏ dại mọc bởi hàng trăm lý do “đổ lỗi”. Những công trình bị bỏ lại này có khi chỉ là một trạm bơm vài chục triệu đồng, nhưng có khi là công trình tiêu thoát nước cho cả một thành phố (như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) mà vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Những lãng phí này không chỉ xảy ra trong ngành thủy lợi mà khắp các ngành khác, từ nhà máy luyện kim đến nhà máy sản xuất phân bón, từ nhà văn hóa xã tới sân vận động cấp tỉnh, cấp quốc gia...

Năm là, lãng phí do các thủ tục của thị trường quyền sử dụng đất. Hàng loạt loại thủ tục hành chính liên quan quyền sử dụng đất, thủ tục thu hồi đất, bồi thường thu hồi đất... Gần 40 năm qua, bộ máy quản lý đất đai đã tiến hành cấp sổ hồng cho sở hữu nhà, cấp sổ đỏ cho đất có ngôi nhà tọa lạc trên đó.

Việc đó đã tạo ra một sự lãng phí lớn từ việc thực hiện phát hành sổ đỏ, sổ hồng, và bộ máy cho 4 cấp hành chính (bộ, tỉnh, huyện, xã) để thực hiện các thủ tục trên.

Trên đây là các loại lãng phí do bộ máy quản lý đất đai gây ra mà mọi người dân đều cảm nhận được.

Việt Nam đang phấn đấu trở thành một quốc gia có thu nhập cao. Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta chưa phát triển lên đó là lãng phí về đất đai trong suốt 40 năm qua. Thực tế, 5 triệu hộ kinh tế gia đình Việt Nam từ qui mô nhỏ bé ban đầu đến nay vẫn chưa có bước phát triển như kỳ vọng; và hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó phần lớn doanh nghiệp tư nhân chỉ có quy mô nhỏ và vừa.

Đất nước đang chuẩn bị mọi mặt để bước vào Kỷ nguyên vươn mình. Bộ máy quản lý đất đai cần thực hiện cuộc cách mạng để hoạt động có hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả để không còn tình trạng lãng phí đất đai tiếp diễn trong Kỷ nguyên mới.

Đinh Đức Sinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chong-lang-phi-dat-dai-tu-quan-li-2355309.html
Zalo