Chống lãng phí đất đai - Bài cuối: Gỡ điểm nghẽn
Sở yêu cầu cấp xã chấm dứt tình trạng các hợp tác xã nông nghiệp, thôn, xóm tại một số phường, xã quản lý và cho thuê đất nông nghiệp công ích trái quy định của pháp luật.
Có thể thấy đất nông nghiệp công ích ở Hà Nội đang chưa phát huy được giá trị sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai, gây thất thu ngân sách. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để tháo gỡ những điểm nghẽn đưa đất nông nghiệp công ích vào sản xuất. Điều này, không chỉ giúp tránh được lãng phí nguồn lực đất đai mà còn tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo việc làm cho người dân.
*Vẽ lại "bản đồ"
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trước thực trạng quản lý đất công ích nông nghiệp còn có những bất cập cần hướng dẫn thực hiện. Trước mắt, Sở yêu cầu cấp xã chấm dứt tình trạng các hợp tác xã nông nghiệp, thôn, xóm tại một số phường, xã quản lý và cho thuê đất nông nghiệp công ích trái quy định của pháp luật.
Các trường hợp tổ chức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64-CP năm 1993 về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp thì việc, thuê đất nông nghiệp công ích, đất công của UBND cấp xã nhưng để xảy ra vi phạm phải được tổ chức lập hồ sơ cho thuê đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định trình UBND thành phố xem xét cho thuê đất để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các trường hợp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì xem xét hướng dẫn lập hồ sơ cho thuê đất hàng năm, đồng thời tổ chức được thuê đất phải cam kết di dời khi có thông báo của UBND cấp có thẩm quyền khi thực hiện dự án theo quy hoạch. UBND cấp huyện lập hồ sơ thu hồi đất, xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Quân, đối với các trường hợp không thể tiếp tục sử dụng đất mục đích nông nghiệp thì tổng hợp báo cáo UBND thành phố xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất để sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Là địa phương có nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích như đã nêu; để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trên, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ cho biết, đang yêu cầu UBND xã, phường thực hiện việc rà soát, kiểm kê trên thực địa và hồ sơ địa chính. Đồng thời, thống kê, thiết lập hồ sơ quản lý và có biện pháp, phương án khai thác và sử dụng hiệu quả đối với diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích tại từng xã, phường. Mặt khác, thực hiện công khai đến từng thửa đất, từng vị trí đất công ích để nhân dân biết và giám sát.
UBND thị xã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với UBND xã, phường đẩy nhanh tiến độ đấu giá cho thuê đất công ích đối với các thửa đã đủ điều kiện; từng bước tháo gỡ khó khăn đối với các thửa đất còn vướng mắc về mặt bằng nhất là các ao, hồ, đầm phục vụ nuôi trồng thủy sản; các thửa đất công ích có diện tích lớn, vị trí thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp...
Đề cập đến giải pháp căn cơ quản lý đất nông nghiệp công ích trên địa bàn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ, địa phương có quỹ đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông rất lớn tuy nhiên hiện chưa khai thác được hết tiềm năng lợi thế của đất. Do đó, quận đã xây dựng Đề án quản lý đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông. Theo đó, quận sẽ vẽ lại "bản đồ" đất nông nghiệp công ích. Khu vực nào vi phạm, quận khoanh vùng lại và ghi rõ tiến độ giải tỏa vi phạm. Còn đối với những diện tích chưa có chủ, đất trống; căn cứ vào quy hoạch, quận sẽ chỉ đạo các phòng chức năng, xem xét các yếu tố để đấu giá lại cho các hộ dân được sử dụng đất. Đặc biệt, tại những khu đất nông nghiệp công ích có diện tích lớn, quận sẽ tổ chức đấu giá, xây dựng kế hoạch thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp để tạo ra giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm, quận đang chỉ đạo các phường phải đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chuyên đề về lĩnh vực quản lý đất đai, coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, hàng năm của cấp ủy các cấp. Quận chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc chấp hành pháp luật về sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; có biện pháp cụ thể xác lập quyền quản lý của chính quyền đối với phần diện tích thuộc quỹ đất công ích nhưng trước đây chưa quản lý trên thực tế. Các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ dân được thuê đất công ích khai thác và sử dụng đất hợp lý, hiệu quả để tăng nguồn thu cho người thuê, cũng như có điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, tránh để bỏ hoang, gây lãng phí.
*Khơi nguồn lực đất đai bằng chính sách
Cho rằng, quản lý đất nông nghiệp công ích là câu chuyện mang tính lịch sử dài, có thời điểm giao cấp huyện, có thời điểm trả về cấp xã đấu giá và quản lý. Theo ông Trần Quang Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) với trường hợp đặc biệt ô đất nông nghiệp công ích xen kẹt, nhỏ lẻ, vướng về mặt bằng, thanh lý tài sản… nên để các xã lấy căn cứ giá đấu giá thành công các thửa đất khác để định giá. Từ đó, giao lại cho hộ cá nhân, đơn vị sử dụng hiệu quả và đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tài chính trong quá trình thuê/thầu trước đó.
Ở góc nhìn cơ sở trực tiếp làm việc với các hộ thuê thầu, ông Vũ Phương Đông, Chủ tịch UBND phường Giang Biên (Long Biên) nêu dẫn chứng: Luật đất đai đã quy định, chính sách đã có nhưng khi áp dụng vào thực hiện thì gặp vướng mắc do thực tế khác với Luật. Do vậy, cần có hướng dẫn để tháo gỡ đối với những diện tích đất nông nghiệp công ích mà hiện nay không còn khả năng sản xuất nông nghiệp.
Còn ông Phạm Quang Thiện, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lãm (Hà Đông) nêu kiến nghị, quá trình sử dụng, người thuê thầu đã đầu tư công sức, tiền bạc tiến hành vượt lập, đắp đường, san vùng, tạo mặt bằng để canh tác hoặc lắp dựng công trình trên đất. Nguyện vọng của các hộ dân mong muốn, khi nhà nước thu hồi đất sẽ có chính sách hỗ trợ lại quá trình đầu tư từ trước đây.
Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng (Ba Vì) Lê Xuân Phú cho hay, xã có hơn 30.000 m2 đất công ích nông nghiệp xen kẹt với đất nông nghiệp giao cho người dân theo Nghị định 64-CP. Chính vì vậy, việc đo đạc đất công ích nông nghiệp đưa vào đấu giá rất khó khăn, tốn kém. Đo gộp cả 2 loạt đất thì không được. Còn nếu đo bóc tách rất khó cho đơn vị đo đạc, chi phí cũng rất lớn. Một loạt các công việc phải triển khai số tiền bỏ ra lớn chi phí thuê đơn vị đủ điều kiện theo quy định, nhưng khi thu tiền về ngân sách sau đấu giá lại rất thấp. Thu không đủ bù chi, nên chính quyền xã đang chưa biết phải làm sao đưa đất nông nghiệp công ích vào khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Trăn trở tìm hướng tháo gỡ, ông Phú đề xuất, các cấp cần có cơ chế để giao cho địa phương tự quyết đối với những ô đất nông nghiệp công ích không tổ chức đấu giá được, sau đó xã giao lại cho người dân sản xuất nông nghiệp, phát huy hiệu quả của đất.
Trên cơ sở những đề xuất, kiến nghị nêu trên, ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng nếu Hà Nội không sớm có những hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc kể trên sẽ gây ra nhiều hệ lụy trong quản lý đất đai. Trước mắt dễ nhìn thấy nhất lãng phí nguồn lực tài nguyên và thất thu ngân sách./.