Chống lãng phí: Cùng hành động: Những bài học tiết kiệm từ thế giới
Giải pháp tiết kiệm từ các nước khác bao gồm từ cấp vĩ mô như xây dựng kinh tế tuần hoàn quốc gia tới những khía cạnh đời thường như chống lãng phí thực phẩm,
Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các chính sách và mô hình chống lãng phí nhằm quản lý hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm tiền bạc và bảo vệ môi trường.
Phần Lan và kinh tế tuần hoàn cấp quốc gia
Tám năm trước, Phần Lan trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng lộ trình kinh tế tuần hoàn cấp quốc gia. Theo định nghĩa của Nghị viện châu Âu, kinh tế tuần hoàn là mô hình sản xuất và tiêu thụ bao gồm chia sẻ, cho thuê, tái sử dụng, sửa chữa, tân trang và tái chế các vật liệu, sản phẩm hiện có càng lâu, càng tốt. Bằng cách này, vòng đời của sản phẩm được kéo dài, tạo ra thêm nhiều giá trị. Trên thực tế, điều này có nghĩa là giảm chất thải đến mức tối thiểu. Khi một sản phẩm đến cuối vòng đời của nó, các vật liệu được giữ lại trong nền kinh tế nhờ tái chế.
Kể từ khi công bố lộ trình trên, chính phủ Phần Lan cũng đề ra kế hoạch chuyển đổi sang "xã hội kinh tế tuần hoàn trung hòa carbon" vào năm 2035. Chương trình đặt mục tiêu giới hạn mức tiêu thụ nguyên liệu thô sơ cấp như năm 2015 (khoảng 217 triệu tấn), đồng thời tăng gấp đôi hiệu suất sử dụng tài nguyên và tỉ lệ tuần hoàn nguyên liệu. Theo các chuyên gia, hai mục tiêu tham vọng này - đạt trung hòa carbon và tuần hoàn tài nguyên - liên kết chặt chẽ với nhau.
Hàn Quốc tính tiền rác thực phẩm
Hàn Quốc đạt được nhiều kết quả trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm. Nổi bậc là chính sách "trả phí theo lượng rác thải", theo đó người dân được yêu cầu phân loại rác thải thực phẩm riêng biệt với các loại rác khác và bỏ chúng vào một thùng rác tập trung. Để sử dụng thùng rác này, họ phải trả phí dựa trên số kg rác vứt bỏ. Theo tờ The Washington Post, một số tòa nhà cao tầng ở thủ đô Seoul có thùng rác điện tử cân đo lượng rác thải thực phẩm. Cư dân sử dụng thẻ điện tử để ghi lại lượng rác thải và bị tính phí hằng tháng dựa trên khối lượng rác vứt bỏ.
Chất thải được thu gom và xử lý thành sinh khối, phân compost hoặc thức ăn cho động vật. Theo tờ báo, khoảng 98% rác thải thực phẩm đã được tái chế ở Hàn Quốc. Ngoài ra, còn nhiều chính sách giảm lãng phí thực phẩm khác như nhà hàng phải tính phí khách hàng đối với lượng thức ăn thừa.
Trong khi đó, Thụy Điển thu hút nhiều chú ý với cuộc cách mạng tái chế: Biến rác thải thành năng lượng. Theo thống kê, khoảng 4,6 triệu tấn chất thải hộ gia đình được xử lý năm 2020, tương đương 449 kg/người/năm. Thông thường, hơn 50% chất thải hộ gia đình và các loại chất thải tương tự ở Thụy Điển được chuyển đổi thành năng lượng.
Đặc biệt, theo trang Sweden.se, một luật mới trong năm nay yêu cầu mọi người phân loại rác thải thực phẩm của mình, áp dụng cho cả hộ gia đình và doanh nghiệp. Ngoài ra, tất cả chính quyền địa phương phải cung cấp dịch vụ thu gom riêng biệt cho rác thải thực phẩm. Chất thải thực phẩm là một nguồn năng lượng tuyệt vời và được sử dụng để thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Ngân hàng thực phẩm ở châu Âu
Mỗi tuần một lần, ngân hàng thực phẩm của bà Jeannine Weyekmans và những nhà tình nguyện khác ở Laeken, thủ đô Brussels - Bỉ cung cấp đồ ăn thức uống cho khoảng 150 gia đình, bao gồm bánh mì, khoai tây chiên, đường, các loại nước sốt, rau củ, trái cây và cả nước khoáng, dầu ăn, thịt... Không như siêu thị, ở đây không phải trả tiền nhưng bù lại, lựa chọn chỉ có hạn, phụ thuộc vào nguồn quyên góp.
Có khoảng 140 ngân hàng thực phẩm như vậy ở vùng Brussels và Brabant. Ngân hàng thực phẩm cấp vùng đóng vai trò trung tâm tiếp nhận thực phẩm từ các nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu từ các siêu thị, bao gồm các sản phẩm đã quá "hạn sử dụng tốt nhất" (tức ăn không còn ngon nhưng vẫn an toàn), sau đó phân phối của các ngân hàng thực phẩm nhỏ hơn. Theo đài Deutsche Welle (DW - Đức), ngân hàng vùng Brussels và Brabant cung cấp khoảng 5 triệu kg thực phẩm cho các tổ chức phi lợi nhuận mỗi năm.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ước tính khoảng 10% tổng lượng thực phẩm có mặt trên thị trường Liên minh châu Âu (EU) có chung điểm cuối là... các bãi rác - con số cụ thể là gần 59 triệu tấn vào năm 2020. Hiện tại, Bỉ đang muốn luật hóa việc các siêu thị phải quyên góp thực phẩm vẫn còn dùng được. Không chỉ Bỉ, theo Liên đoàn Ngân hàng thực phẩm châu Âu (FEBA), nhiều nước châu Âu khác đang nghiên cứu hướng đi này. Chẳng hạn, Pháp và Cộng hòa Czech yêu cầu các nhà bán lẻ ký thỏa thuận để quyên góp cho các tổ chức hỗ trợ thực phẩm; Ý và Moldova chọn các biện pháp khuyến khích tài chính hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính; Hà Lan và Hungary thích thỏa thuận tự nguyện hơn là bắt buộc.
Bài viết tham gia diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Nhật Bản tiết kiệm năng lượng
Các hộ gia đình và doanh nghiệp Nhật Bản từng trải qua 3 tháng tiết kiệm điện vào mùa hè năm 2022 khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục - nhiều nơi chạm mốc 40 độ C.
Tuy nhiên, lo sợ các vấn đề sức khỏe do sốc nhiệt, giới chức Nhật Bản khuyến cáo người dân tiếp tục sử dụng máy lạnh, còn phần tiết kiệm điện được thực hiện thông qua các biện pháp khác như tắt bớt đèn không cần thiết. Các biện pháp này được khuyến khích thực hiện từ 17 đến 20 giờ mỗi ngày, thời điểm sản lượng điện mặt trời giảm. Chính phủ cũng triển khai hệ thống tính điểm, nếu hộ gia đình nào tham gia tiết kiệm điện sẽ được thưởng 2.000 yen (khoảng 15 USD).