Chống lãng phí: Cùng hành động!: Lãng phí trách nhiệm, chuyện không hề nhỏ
Lãng phí trách nhiệm gây nên sự trì trệ của bộ máy công quyền, làm thất thoát và suy yếu mọi nguồn lực quốc gia
Cùng với tham nhũng, lãng phí nói chung và lãng phí trách nhiệm nói riêng được xã hội xem như một "căn bệnh" đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, kìm hãm sự phát triển.
Làm suy yếu bộ máy công quyền
Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô". Bởi vì lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Trong khi đó, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên - nhất là người đứng đầu đối với lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung và cơ quan hành chính nhà nước nói riêng - được hiểu là: Những việc nên làm, phải làm, được làm với kết quả tốt. Nếu kết quả không tốt sẽ phải gánh chịu phần hậu quả bất lợi tương xứng với tính chất, mức độ của việc không hoàn thành bổn phận, nghĩa vụ.
Như vậy, lãng phí trách nhiệm là đề cập việc cán bộ, đảng viên - nhất là người đứng đầu - thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức đấu tranh, thiếu sự năng động, không dám nghĩ, không dám làm và không dám chịu trách nhiệm do nhiều nguyên nhân... gây nên những hệ lụy khôn lường đối với xã hội, đất nước. Từ đó có thể khẳng định lãng phí trách nhiệm là một dạng vi phạm đạo đức công vụ, là biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Chính vì thế, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách toàn diện, đặc biệt là bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ. Từ đây, các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức từng bước được thể chế hóa thành những quy phạm pháp luật về chuẩn mực hành vi của cán bộ, đảng viên gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành công vụ. Theo đó, hằng năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản, chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Thế nhưng, thông qua những báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương nói chung và của trung ương nói riêng, nhất là ý kiến của đại biểu Quốc hội tại nhiều kỳ họp Quốc hội đã nhận định: Mặc dù Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 đã đạt được một số kết quả nhưng tình trạng lãng phí, đặc biệt là lãng phí trách nhiệm, vẫn tồn tại trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều tầng nấc khác nhau, trong thời gian dài. Công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí chưa rõ nét; việc phát hiện xử lý lãng phí còn chậm, có lúc, có nơi chưa cương quyết; có tình trạng buông lỏng quản lý, quan liêu chưa được ngăn chặn hiệu quả. Điều đáng nói là tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí là người đứng đầu có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, không dám làm những việc cần phải làm, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để góp phần phòng chống và ngăn chặn tình trạng lãng phí nói chung, lãng phí trách nhiệm nói riêng, cần xây dựng, ban hành bộ tiêu chí đánh giá về chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ, xem đây là công cụ góp phần nhận diện, xử lý lãng phí trách nhiệm. Xây dựng quy chế xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; bổ sung quy định miễn trừ xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên có tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị "Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung".
Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc giá trị đạo đức, tiêu chuẩn hành vi trong thực thi công vụ; xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, năng lực tốt về chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy, liêm chính, chí công vô tư; làm việc với tinh thần phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương của tập thể, cá thể hóa trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Có chế tài cụ thể, nghiêm khắc để xử lý trường hợp có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích bản thân lên trên, lên trước lợi ích tập thể, cộng đồng, vì lợi ích riêng mà né tránh trách nhiệm, không tích cực thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, bê trễ công việc, đùn đẩy trách nhiệm.
Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng và giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, quần chúng nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện nghiêm chế độ công vụ.
Cuối cùng là khi phát hiện tổ chức, cá nhân để xảy ra lãng phí, cần xử lý nghiêm, thậm chí cho thôi chức vụ, điều động, chuyển đổi vị trí công tác hoặc không đưa vào quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với cán bộ, đảng viên cố tình né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm.
Bài viết tham gia diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.