Chống lãng phí của công
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 138 về việc thực hiện Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Đây là một bước đi cụ thể, làm tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ lần này có độ bao phủ rộng với quy mô trên toàn quốc, nhằm lập danh sách, đánh giá các tài sản công được hình thành qua nhiều thời kỳ, với nhiều loại tài sản khác nhau. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả tổng kiểm kê tài sản, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch tổng kiểm kê, chưa tập huấn thực hiện ban hành kế hoạch và tập huấn, báo cáo kết quả, hoàn thành trước ngày 23/12.
Công điện nêu rõ, trong quá trình kiểm kê nếu phát hiện tài sản không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả thì phải kịp thời xử lý, không chờ đến khi kết thúc tổng kiểm kê, bảo đảm tài sản công được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, với các bộ ngành, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan khác khi tinh gọn bộ máy vẫn phải thực hiện nhiệm vụ tổng kiểm kê; bàn giao các công việc đã và đang triển khai. Các đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất, chia tách, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai tiếp các công việc còn lại, bảo đảm việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính không làm ảnh hưởng. Yêu cầu của Chính phủ rất rõ ràng, vấn đề là ở khâu thực hiện.
Việc tổng kiểm kê tài sản được xem là một bước đi cụ thể nhằm ngăn chặn việc lãng phí tài sản công. Đại biểu Quốc hội Hà Nội Hoàng Văn Cường từng nhận xét, tham nhũng là làm thất thoát tài sản công chuyển thành tài sản cá nhân, nhưng lãng phí gây thất thoát cả tài sản công, tài sản của xã hội, làm mất đi lợi ích của xã hội. Nhằm ngăn chặn tình trạng lãng phí xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hàng năm Quốc hội đều yêu cầu Chính phủ báo cáo việc thực hiện luật này. Nhưng dù đã có luật thì việc thực thi trên thực tế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, vẫn còn nhiều tài sản, nguồn lực của xã hội đang lãng phí.
Ở góc độ khác, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đề cập đến vấn đề lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực của đất nước trong các “dự án trùm mền”, “công trình đắp chiếu” hiện nay. Dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng đại biểu này cho rằng con số lãng phí không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Không chỉ dừng lại ở con số, lãng phí và hệ lụy xoay quanh nó chính là tước đi cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của xã hội, của đất nước; đặc biệt là lãng phí niềm tin của dân. Hệ lụy ấy thì không đo đếm hết. Lãng phí là thế nhưng tiếc thay, nhận thức của nhiều lãnh đạo cơ quan, đơn vị lại có vẻ hời hợt. Nhiều nơi, nhiều cấp chỉ coi lãng phí như hành vi cần khắc phục chứ không có gì nghiêm trọng. Đây là quan điểm sai lầm, nó khiến cho lãng phí có mặt khắp nơi nhưng lại trở nên không đáng ngại dù đó là của cải của toàn xã hội.
Muốn khắc phục tình trạng này, có lẽ cần có chế tài đủ mạnh trong phòng chống lãng phí và phải quy rõ trách nhiệm của cá nhân, của người đứng đầu và của tổ chức để xảy ra lãng phí. Và cần xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện” thành nhiệm vụ hàng ngày, như Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu.