Chống lãng phí, cần quyết liệt ở nhiều lĩnh vực
Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu về vấn đề chống lãng phí tại phiên thảo luận tổ ở kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, diễn ra vào chiều ngày 26/10/2024.
Trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng lãng phí là một vấn đề nghiêm trọng và đáng lo ngại, gọi đây là điều mà người dân rất bức xúc. Ông đã đưa ra một số ví dụ cụ thể về các dự án lãng phí, trong đó có dự án chống ngập tại TP. HCM trị giá 10.000 tỷ đồng mà đến nay vẫn không giải quyết được tình trạng ngập lụt, hay hai bệnh viện tại Hà Nam đã đầu tư hàng chục năm nhưng chưa đưa vào sử dụng.
Tổng bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu cần phải có người chịu trách nhiệm cho các tình trạng lãng phí này, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi dự án cần phải được triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ông bày tỏ sự sốt ruột trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, với tỷ lệ không đạt 50% trong 9 tháng đầu năm 2024. Việc hàng nghìn dự án đã cấp phép nhưng đứng chờ vì các rào cản khác nhau cũng gây các lãng phí.
Nhận thức về mối nguy hại của lãng phí, nên ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 27-CT/TW, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Chỉ thị này kêu gọi các cấp ủy Đảng, các tổ chức, và cá nhân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực kinh tế, xã hội, đồng thời đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng lãng phí.
Sau đó, ngày 26/6/2024, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP triển khai chương trình hành động nhằm thực hiện chỉ thị trên, xác định rõ nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong việc cụ thể hóa và tổ chức triển khai các giải pháp. Việc thực hiện chỉ thị là cần thiết để xử lý nghiêm các hành vi lãng phí, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn bộ xã hội về thực hành tiết kiệm.
Tại Bình Thuận lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Theo Quyết định 772/QĐ-UBND tỉnh, đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho năm 2024, với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực, đồng thời thực hiện các quy định về tiết kiệm ngân sách và phòng chống tham nhũng.
Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, và các tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm cao trong việc lãnh đạo và chỉ đạo công tác này. Đặc biệt, cán bộ lãnh đạo cần gương mẫu và khuyến khích cộng đồng tham gia vào các hoạt động tiết kiệm, chống lãng phí. Tỉnh cũng thực hiện các biện pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm kiểm tra, thanh tra và giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm.
Nếu nói như Tổng Bí thư Tô Lâm thì Bình Thuận đang có hai lĩnh vực nếu tiếp tục chậm thì sẽ gây ra lãng phí lớn. Đó là giải ngân đầu tư công chậm và các dự án đầu tư chậm triển khai do vướng giá đất.
Kết quả giải ngân đầu tư công tại Bình Thuận chậm chủ yếu do ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, công tác chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài, bao gồm các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và đấu thầu vẫn chưa được thực hiện kịp thời, dẫn đến thiếu khối lượng để giải ngân. Đến thời điểm giữa tháng 10/2024, có tới 37 dự án vẫn đang trong quá trình thực hiện thủ tục đấu thầu.
Thứ hai, vướng mắc lớn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các vấn đề như xác định nguồn gốc đất, giá đất chưa thỏa thuận được với người dân, cùng với việc tái định cư có khó khăn đã khiến nhiều dự án không thể tiếp tục thi công. Cụ thể, có 14 dự án hiện tại gặp phải tình trạng này, mới chỉ giải ngân được khoảng 12,45% kế hoạch vốn.
Cuối cùng, việc thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện công tác bồi thường và giải tỏa cũng là một vấn đề đáng lưu ý, khi mà một số cơ quan chưa thực sự đồng bộ trong hoạt động. Tất cả các yếu tố này đã góp phần làm cho tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở Bình Thuận chỉ đạt khoảng 43%, thấp hơn mức trung bình cả nước.
Ở lĩnh vực đầu tư dự án, hiện tại Bình Thuận có 45 dự án chậm triển khai do chưa có bảng giá đất. Các dự án này đã có quyết định giao đất hoặc thuê đất, nhưng vẫn đang chờ xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Trong số đó, có 24 dự án thuê đất trả tiền hàng năm và 21 dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền một lần.
Việc chậm xác định giá đất ở Bình Thuận đã kéo dài hơn ba năm qua, hy vọng sắp đến sẽ được tháo gỡ nhờ Nghị định 71 (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024), và cụ thể là quy định về bảng giá đất của tỉnh. Với quy định mới, 45 dự án này sắp tới sẽ cơ bản được giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc định giá đất.
Việc quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc trên, sẽ đem lại hiệu quả cao trong công tác chống lãng phí của Bình Thuận, đúng theo yêu cầu, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.