Chống hàng giả, thực phẩm giả: Cuộc đấu tranh của toàn xã hội

Nhận định về vấn nạn thực phẩm giả, thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng liên tục bị phát hiện trong thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đây không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức kinh doanh, mà còn là nỗi lo thường trực đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hàng giả ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống

Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đặc biệt là thuốc điều trị và phòng ngừa bệnh giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm giả, thực phẩm sử dụng chất cấm, chất độc tố gây bệnh hiểm nghèo... đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, với quy mô ngày càng lớn và tính chất nghiêm trọng.

Trong đó các mặt hàng này rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả, xuất hiện ở hầu hết các phân khúc thị trường, từ chợ nông thôn đến thành thị, từ cửa hàng, cửa hiệu, từ siêu thị đến các trung tâm thương mại và nhất là trên sàn thương mại điện tử.

Nhận định về thực trạng này, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cho rằng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến tài chính, niềm tin của người tiêu dùng mà nguy hại hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm cho con người.

“Các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, làm mất uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả”, đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh.

Chia sẻ về nguyên nhân của tình trạng hàng giả, thực phẩm giả tràn lan trên thị trường, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa cho rằng sự bất cập, buông lỏng của cơ chế quản lý, trong đó không loại trừ sự tiếp tay, bao che của các lực lượng chức năng, chế tài xử lý chưa đủ mạnh để răn đe trước lợi nhuận béo bở là những yếu tố khiến tình trạng này kéo dài.

Đại biểu Lê Hữu Trí – đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Cổng TTĐTQH

Đại biểu Lê Hữu Trí – đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Cổng TTĐTQH

Nhận định cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là trách nhiệm của toàn xã hội, theo đại biểu Lê Hữu Trí cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong các nội dung dự thảo Luật được bàn luận tại kỳ họp lần này, đại biểu Lê Hữu Trí đề xuất nâng cao mức xử phạt cả hành chính và hình sự khi sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự.

Tiếp tục tăng cường sự phối hợp liên ngành bảo đảm sự đồng bộ trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhất là những lĩnh vực, mặt hàng có nguy cơ cao về hàng giả.

“Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác kiểm soát hàng giả, truy xuất nguồn gốc thông qua các công cụ blockchain, QR code, RFID, xác thực điện tử.

Chủ động bảo vệ thương hiệu bằng cách đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo mật quy trình sản xuất và tích cực phối hợp, hỗ trợ các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái”, đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh.

Lấp lỗ hổng trong hành lang pháp lý

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng nhận định vấn nạn thực phẩm giả, thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy hiểm liên quan đến chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm được sử dụng hàng ngày trong thời gian dài và ở nhiều nơi trên thị trường.

Trước thực tế hàng loạt các vụ thực phẩm tự công bố (sữa giả, thực phẩm chức năng giả, kẹo rau củ Kera...) tràn lan thị trường, khiến người tiêu dùng lạc trong ma trận, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng hành lang pháp lý đang bộc lộ nhiều lỗ hổng.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, tại Điều 4, 5, 6 quy định về thực phẩm tự công bố đã tạo thuận lợi, giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu theo quy định này, các cơ quan quản lý không kiểm nghiệm thực tế sản phẩm, chỉ kiểm soát qua hồ sơ do doanh nghiệp nộp. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp tận dụng cơ chế để hợp pháp hóa thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi.

“Khi doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn, nguy cơ sản phẩm gây hại sức khỏe, ngộ độc, bùng phát dịch bệnh thực phẩm sẽ tăng cao. Các vụ việc liên quan đến an toàn sản phẩm dinh dưỡng vừa qua là hậu quả đáng tiếc cho sự bất cập này”, đại biểu Trần Khánh Thu bày tỏ.

Đại biểu Trần Khánh Thu – đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Cổng TTĐTQH

Đại biểu Trần Khánh Thu – đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Cổng TTĐTQH

Do đó, theo đại biểu Trần Khánh Thu nhằm khắc phục những bất cập hiện hành vẫn nên giữ cơ chế tự công bố cho các sản phẩm thông thường để tạo thuận lợi, giảm thủ tục.

Tuy nhiên cần nâng cao trách nhiệm thực thi, siết chặt hậu kiểm, ứng dụng công nghệ minh bạch hóa, yêu cầu sản phẩm tự công bố phải công khai trực tuyến bắt buộc và minh bạch hồ sơ trên cổng thông tin quốc gia, dễ dàng tra cứu truy xuất nguồn gốc, tên nhà sản xuất/kinh doanh.

“Cần điều chỉnh việc đăng ký bắt buộc đối với nhóm sản phẩm có nguy cơ và có sự ảnh hưởng lớn đến các đối tượng dễ tổn thương như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi và nhiều loại thực phẩm, sản phẩm khác”, đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh.

Trước những băn khoăn liên quan đến vấn đề chỉ tiêu chất lượng không được đưa ra để quản lý thực phẩm, đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng các chỉ tiêu chất lượng thường liên quan đến giá trị kinh tế, cạnh tranh thị trường hơn là an ninh sức khỏe.

Nếu thực hiện kiểm soát toàn bộ tất cả các chỉ tiêu sẽ tốn kém, đẩy giá thành lên cao và người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu, doanh nghiệp có nguy cơ đình trệ lưu thông hàng hóa vì thiếu nguồn lực.

Tuy nhiên để không tạo kẽ hở cho hành vi gian lận, đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh cần bổ sung các biện pháp hậu kiểm định kỳ hoặc chuyên đề về chỉ tiêu chất lượng, nhất là với nhóm sản phẩm dễ gian lận hoặc ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Cơ quan quản lý hoặc bên thứ ba sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm nghiệm tính đúng đắn của chỉ tiêu chất lượng đã công bố.

Bên cạnh đó, có thể tính toán tăng chế tài đối với hành vi công bố, ghi nhãn không đúng tiêu chuẩn chất lượng.

"Nếu doanh nghiệp công bố sai về chất lượng (mạo nhận, ghi hàm lượng sai lệch) sẽ chịu chế tài nghiêm khắc bao gồm phạt tiền, yêu cầu đính chính, công khai vi phạm, tạm dừng lưu hành sản phẩm”, đại biểu Thu đề xuất.

Ngoài ra các cơ quan chức năng cần hoàn thiện “Bộ chỉ tiêu kiểm nghiệm” cụ thể cho từng nhóm thực phẩm; phần còn lại khuyến khích doanh nghiệp đảm bảo và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nâng cao tỷ lệ hài hòa các tiêu chuẩn quốc gia với Codex để thuận lợi cho thương mại và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Cập nhật phương pháp kiểm nghiệm, áp dụng các phương pháp kiểm nghiệm tiên tiến, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo độ chính xác và tin cậy.

Để bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia bên cạnh Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang được thảo luận tại kỳ họp này, đại biểu Trần Khánh Thu cũng nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát và điều chỉnh các quy định cho hợp với các luật liên quan như Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật quảng cáo.

Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung quan trọng diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, an toàn thực phẩm liên quan tới sức khỏe, tính mạng người dân. Do đó, cần thiết kế các chính sách để xử lý được các vấn đề cấp bách hiện nay mà thực tế đang đặt ra.

Cần quy định rõ một cơ quan chịu trách nhiệm chính và xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan trong quản lý an toàn thực phẩm.

Phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý nhà nước. Khẩn trương xây dựng dự án luật để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02.02.2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Chi Nguyen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chong-hang-gia-thuc-pham-gia-cuoc-dau-tranh-cua-toan-xa-hoi-10373466.html
Zalo