Chống hàng giả, thực phẩm bẩn: Cuộc chiến không của riêng ai

Hàng giả, thực phẩm bẩn không chỉ phá hoại nền kinh tế mà còn từng ngày đe dọa sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; do đó cần sự quyết liệt của cơ quan chức năng và của cả người tiêu dùng.

Là người tiêu dùng, tôi không khỏi lo lắng trước thực trạng hàng giả, thực phẩm bẩn đang ngày càng gia tăng.

Từ các loại thịt không rõ nguồn gốc, rau quả tồn dư hóa chất, đến những loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trôi nổi nhưng lại được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội…, tất cả đang khiến người tiêu dùng như sống trong "ma trận" không thể phân biệt thật - giả, sạch - bẩn.

 Ngày 17-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Ngày 17-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Nỗi lo lớn nhất là thực phẩm, thứ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của con người. Chúng ta đều biết rằng một loại thực phẩm bẩn có thể không gây tác hại ngay lập tức, nhưng có thể dẫn đến ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, nghiêm trọng hơn còn có thể là mầm mống của những căn bệnh hiểm nghèo.

Điều đáng lo là không phải ai cũng đủ hiểu biết và điều kiện để lựa chọn sản phẩm an toàn. Dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi.

Không khó để bắt gặp hình ảnh những quầy hàng bày bán sản phẩm không nhãn mác, không hạn sử dụng hay những loại thuốc được quảng bá như “thần dược” nhưng không hề có chứng nhận của cơ quan y tế. Riêng việc buôn bán trên mạng xã hội thì còn bát nháo và khó kiểm soát chất lượng hơn. Điều này cho thấy vẫn còn những lỗ hổng trong công tác kiểm soát thị trường và sự phối hợp giữa các ngành chức năng.

Tuy nhiên, theo tôi, gốc rễ của vấn đề nằm ở ý thức cộng đồng. Chúng ta vẫn còn tâm lý dễ dãi, ngại lên tiếng, thậm chí chấp nhận mua hàng trôi nổi vì “giá rẻ hơn một chút”. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng vì lợi nhuận trước mắt mà đánh đổi uy tín, sẵn sàng “bắt tay” với những đường dây hàng giả, làm ăn chụp giật, coi thường sức khỏe người tiêu dùng.

Chống hàng giả, thực phẩm bẩn không thể chỉ là nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường, công an hay y tế. Cuộc chiến này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội.

Trước hết, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, chỉ chọn mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên các thương hiệu uy tín, đặc biệt là có khả năng truy xuất được thông tin. Ngoài ra, mỗi người dân cần trở thành một “người giám sát”, dám lên tiếng, dám tố giác các hành vi vi phạm hàng giả, thực phẩm bẩn.

Về phía doanh nghiệp, đây là lúc cần thể hiện trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp chân chính nên đầu tư nhiều hơn vào công nghệ chống hàng giả, xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, đồng thời cùng liên kết để tạo nên những “vùng an toàn” về sản phẩm sạch. Có như vậy, thị trường mới được thanh lọc và niềm tin người tiêu dùng mới được phục hồi.

Pháp luật đã có các chế tài nghiêm khắc với những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194 BLHS hiện hành) có hình phạt cao nhất lên đến tử hình.

Tuy cơ quan chức năng đã đấu tranh rất quyết liệt, pháp luật đã quy định hình phạt cao nhất nhưng tình trạng vi phạm vẫn gia tăng. Cuộc chiến chống hàng giả, thực phẩm bẩn là một hành trình lâu dài và không dễ dàng. Nhưng nếu mỗi người đều góp một phần sức, từ việc nâng cao nhận thức, hành động đúng đắn cho đến việc dũng cảm lên tiếng, thì tôi tin rằng chúng ta sẽ từng bước đẩy lùi được vấn nạn này.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/chong-hang-gia-thuc-pham-ban-cuoc-chien-khong-cua-rieng-ai-post850842.html
Zalo