Chông chênh 'Vua' & 'Nữ hoàng'
Thể thao chia ra nhiều bộ môn, mỗi môn có sức hấp dẫn riêng. Bản thân mỗi người chơi cũng tùy vào khả năng, sự yêu thích và tiềm lực tài chính để theo đuổi. Tuy nhiên, có hai môn nhận về những danh xưng mỹ miều là 'Vua' bóng đá và 'Nữ hoàng' điền kinh.

CLB bóng đá Huế có nguy cơ rớt hạng. Ảnh: CLB bóng đá Huế
Bóng đá luôn có sức hút đặc biệt với tín đồ thể thao trên thế giới. Số lượng người xem lớn, tính cạnh tranh cao, thu nhập kếch xù tạo nên giá trị thương mại khó đong đếm của môn thể thao này.
Trong khi đó, điền kinh được ví như nữ hoàng bởi tính đa dạng của các nội dung: Đi bộ, chạy các cự ly, nhảy cao, nhảy xa, ném lao, ném đĩa, ném búa, đẩy tạ và nhiều môn phối hợp khác.
Song, trong suốt chiều dài phát triển của thể thao Huế, hai môn này chưa tạo sự bứt phá. Có chăng chỉ là sự phát triển theo giai đoạn ngắn, với một vài cá nhân xuất sắc ở môn bóng đá, như Lê Đức Anh Tuấn, Lê Văn Trương... Điền kinh Huế cũng chỉ có Đỗ Thị Bông, Trần Thị Yến Hoa xứng danh ngôi sao với những tấm HCV quý giá ở SEA Games.
Điểm chung dễ thấy giữa 2 môn cơ bản, có sức hút lớn này của địa phương là không có sự kế thừa và phát triển, chứ chưa nói đến câu chuyện bứt phá. Thời điểm hiện tại, bóng đá và điền kinh Huế ở một vị thế khá khiêm tốn so với cả nước.
Không thể phủ nhận những tiến bộ của bóng đá trẻ Huế trong những năm gần đây, giữa xu hướng, sự cạnh tranh gắt gao của các trung tâm, địa phương hàng đầu cả nước.
Dù vậy, đó cũng chỉ là tín hiệu tích cực hiếm hoi bởi thước đo lớn nhất cho sự phát triển của bóng đá một địa phương là đội 1. CLB bóng đá Huế đang gặp muôn trùng thử thách, khó khăn ở giải Hạng Nhất Quốc gia.
Trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ, thầy trò HLV Nguyễn Đức Dũng xếp áp chót với 5 điểm sau 7 trận đấu, hơn đội cuối bảng Đồng Nai đúng 1 điểm. Không khó để nhận ra vấn đề của đội bóng quê nhà. Đó là sự thiếu đầu tư, tiềm lực tài chính hạn chế so với các đối thủ. Trong tay HLV Đức Dũng không có cá nhân nào đủ kinh nghiệm, tài năng để làm điểm tựa.
Hàng loạt các cựu binh chia tay đội bóng. Huế bây giờ là một tập thể trẻ, với thành phần chủ yếu là các cầu thủ thế hệ Gen Z (sinh năm 2000 trở đi). Thậm chí, những gương mặt chưa bước sang tuổi 18, như Lê Xuân Đăng, Trần Đình Sửu, Nguyễn Đăng Khoa… cũng đang gánh trọng trách quá lớn trên lưng.
Hạng Nhất năm nay chỉ có 1 suất xuống hạng. Cơ hội ở lại sân chơi này với bóng đá Huế mở ra nhưng nhìn vào cục diện, có thể thấy, thầy trò HLV Đức Dũng đang “cô đơn”. Và nếu không có sự thay đổi, nguy cơ rớt hạng khá cao.
Bóng đá vốn chưa bao giờ vẽ nên bức tranh rạng rỡ trong suốt gần 20 năm, kể từ lần lên đá V.League vào năm 2007. Điền kinh cũng không khá khẩm hơn. Sau thời Đỗ Thị Bông, môn “Nữ hoàng” này ở Huế gần như bị lãng quên trên bản đồ thành tích của điền kinh nước nhà. Chỉ có duy nhất một người được nhắc đến là Trần Thị Yến Hoa. Chân chạy quê Nam Định có 3 kỳ SEA Games góp mặt với 1 HCV năm 2017 và 1 HCV năm 2019. Thời điểm này, thật khó để điểm mặt một “sao mai” đủ sức để tạo sự bứt phá trong thời gian tới.
Nhìn bóng đá và điền kinh, thấy thật chông chênh.