Chồng chất khó khăn, thị trường thép năm 2023 sẽ diễn biến ra sao?
5 tháng đầu năm 2023 sức tiêu thụ của thị trường thép gặp rất nhiều khó khăn, giảm khoảng 22,6%, dẫn tới nhiều doanh nghiệp trong ngành thua lỗ.
Để hiểu rõ hơn về cung – cầu thị trường thép trong những tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm 2023, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Công Thảo – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) về vấn đề này.
Là người có thâm niên hoạt động trong ngành thép, đồng thời trực tiếp điều hành mảng thị trường trong Tổng công ty Thép Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về cung – cầu thị trường thép 5 tháng đầu năm 2023?
Có thể thấy, quý I năm 2023, sức tiêu thụ của thị trường thép nói chung còn khả quan và được hỗ trợ bởi xu hướng giá tăng. Nhưng, ngay sau quý I trở đi, thị trường quay đầu sụt giảm mạnh cả về sản lượng tiêu thụ và giá bán. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2023, tiêu thụ thép xây dựng của Hiệp hội Thép Việt Nam chỉ được gần 4,3 triệu tấn, giảm tới 22,6% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu được 681 ngàn tấn, giảm 40,6% so cùng kỳ.
Về tôn mạ, 5 tháng đầu năm đã tiêu thụ được 1,64 triệu tấn, giảm 20,3%, trong đó xuất khẩu 861 ngàn tấn, giảm 24,1%. Đã nhiều năm theo ngành thép, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy chưa bao giờ sức tiêu thụ các sản phẩm trong ngành thép sụt giảm thê thảm như vừa qua.
Nguyên nhân tác động chính của việc sụt giảm trong ngành thép thời gian qua có 2 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, đối với sản phẩm thép tiêu thụ trong nước, do ảnh hưởng mạnh từ thị trường bất động sản đóng băng bởi các chính sách tín dụng bất động sản siết chặt; thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, lãi suất tăng cao… Thị trường dân dụng sức mua yếu trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm.
Thứ hai, đối các sản phẩm có thế mạnh phụ thuộc vào xuất khẩu cũng “bí” đầu ra do kinh tế Mỹ, châu Âu gặp khó, cũng như bất ổn về chính trị trên thế giới nên xuất khẩu gần như không khả quan.
Song song với đó, giá bán các sản phẩm thép cũng giảm sâu. Nếu như giá thép xây dựng tính đến cuối quý I/2023 (giá giao hàng tại nhà máy) dao động trung bình khoảng 16 triệu đồng/tấn, chưa bao gồm thuế VAT thì quý II đã giảm sâu với khoảng 1,8 triệu đồng/tấn, hiện quanh mức 14,2 triệu đồng/tấn, giảm trên 10% so với giai đoạn đầu năm. Những yếu tố bất lợi trên đã kéo theo tâm lý người tiêu dùng e dè, sức tiêu thụ các sản phẩm thép giảm rất mạnh, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép gặp khó, thua lỗ, nhiều doanh nghiệp còn phải dừng luân phiên và sản xuất cầm chừng.
Về phía Tổng công ty Thép Việt Nam, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu như thế nào, thưa ông?
Tổng tiêu thụ thép trong toàn Tổng công ty 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,3 triệu tấn sản phẩm các loại, giảm 30% so cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm chủ lực là thép xây dựng giảm mạnh với 31%, ước đạt trên 1 triệu tấn.
Lợi nhuận hợp nhất sau thuế quý I của Tổng công ty đạt gần 68 tỷ đồng - dù khó khăn nhưng tất cả đều phấn đấu cao độ để đạt được con số đó là rất đáng mừng. Nhưng, ngay sau đó, bước sang quý II, tiêu thụ và giá bán thép lại sụt giảm mạnh, đặc biệt dự án của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) hiện vẫn đang dừng hoạt động nên ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của VNSTEEL nói chung.
Có thể nói, đây là thời kỳ nhu cầu sụt giảm mạnh nhất trong giai đoạn phát triển sau này của ngành thép, cộng với việc giá bán suy giảm và mức độ cạnh tranh cao do nhiều dự án lớn đi vào hoạt động đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng cũng như miếng bánh thị phần của Tổng công ty trên thị trường bị thu hẹp.
Tuy nhiên, để có được con số lợi nhuận trên phải kể đến việc đóng góp tích cực của một số công ty điển hình trong tổng công ty như: Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam – VNSTEEL (thương hiệu thép/V/), Tôn Thăng Long, Thép Việt Úc,… Đặc biệt sự đóng góp của Trung tâm thương mại – Diamond Plaza - thành phố Hồ Chí Minh cũng rất đáng kể khi hàng năm đều có hiệu quả trên 150 tỷ đồng lợi nhuận. Đây chính là "gà đẻ trứng vàng” cho Tổng công ty Thép Việt Nam để giảm bớt gánh nặng nói chung.
Để vượt qua "cơn bĩ cực" của thị trường, Tổng công ty Thép Việt Nam đã song hành với các công ty con, công ty liên doanh, liên kết bằng những giải pháp gì?
Nắm bắt được thị trường khó khăn nên ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó định hướng các đơn vị duy trì tổn kho ở mức thấp nhất để giảm rủi ro khi thị trường biến động; thắt chặt chi phí, cắt giảm tất cả các khoản chi không cần thiết để hạ giá thành về mức tốt nhất. Đồng thời, Tổng công ty áp dụng chủ trương tăng cường sử dụng hàng hóa trong hệ thống nội bộ nhằm kết nối chuỗi giá trị từ thượng nguồn tới hạ nguồn, giúp tăng tính hiệu quả, ổn định sản xuất; tiếp tục bám sát thị trường để thúc đẩy tiêu thụ. Tuy vậy, trong bối cảnh nhu cầu yếu và cạnh tranh gay gắt nên kết quả đạt được của một số đơn vị trong hệ thống còn hạn chế.
Riêng hoạt động tái cơ cấu đã và đang được Tổng công ty triển khai như thế nào, thưa ông?
Hiện nay Hội đồng quản trị Tổng công ty đang quyết liệt chỉ đạo triển khai công tác tái cơ cấu theo hướng cơ cấu lại, thoái vốn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không hiệu quả, không trực tiếp liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép để tập trung vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, thương hiệu chủ lực, làm ăn có hiệu quả, đúng với thế mạnh sản xuất kinh doanh thép trên thị trường. Một số đơn vị dự kiến sẽ thoái vốn trong thời gian tới như: Công ty TNHH MTV Cung ứng nhân lực và Dịch vụ - VNSTEEL, Công ty TNHH MTV Tư vấn MDC - VNSTEEL…
Đối với Công ty Liên doanh Sản xuất Thép Vinausteel (Thép Việt Úc) - là công ty liên doanh chuyên về cán thép, mặc dù quy mô nhỏ nhưng trong những năm qua làm ăn đều có hiệu quả tốt và có thương hiệu uy tín trên thị trường. Vì vậy, sau khi hết hạn hợp đồng liên doanh, để đảm bảo sản lượng thép cung cấp ra thị trường và ổn định việc làm cho người lao động, đặc biệt nhiều người đã gắn bó từ trẻ tới nay nên Tổng công ty Thép Việt Nam đang tích cực phối hợp với các bên trong liên doanh để tiếp tục gia hạn hoạt động của Thép Việt Úc trong thời gian tới.
Ngoài ra, đối với 2 dự án là: Giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Thép Việt Trung (VTM) đang nằm trong số các dự án trọng điểm do Chính phủ chỉ đạo nên Tổng công ty vẫn đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Kinh doanh và Quản lý vốn Nhà nước (SCIC) và các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng chủ trương của các cấp, với mục tiêu sớm hoàn thành việc xử lý các tồn tại của dự án.
Với động thái tích cực từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành… vào cuộc bằng việc đưa ra các chính sách gỡ khó cho bất động sản và ngành nghề khác vượt khó, ông kỳ vọng và đánh giá thị trường thép từ nay tới cuối năm ra sao?
Với động thái tích cực, sự quan tâm từ Chính phủ, Bộ, ngành trong việc đưa ra những cơ chế, chính sách nhằm gỡ khó cho các ngành nghề, trong đó có bất động sản, chính sách nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất… tăng trưởng kinh tế sẽ có khả năng cải thiện hơn trong các tháng cuối năm, từ đó nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng trong đó có các sản phẩm thép sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách đột phá hơn đối với thị trường bất động sản thì thị trường thép vẫn chưa thể bứt phá ngay, khả năng khó khăn vẫn kéo dài hết năm 2023 bởi nhu cầu sử dụng thép vẫn còn yếu.
Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ cũng như các nước châu Âu được dự báo suy thoái kéo dài sang năm 2024; Chính trị thế giới bất ổn nên thị trưởng thép chưa thế cất cánh mang lại hiệu quả như những năm trước đây.
Dự báo thời gian tới thị trường thép vẫn còn khó khăn. Vậy, Tổng công ty Thép Việt Nam có định hướng gì cho các đơn vị trong toàn tổng công ty hướng tới phát triển sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả, thưa ông?
Phát huy những thành quả đạt được, Tổng công ty Thép Việt Nam tiếp tục định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc đưa ra các giải pháp mang tính thiết thực nhất như: bám sát thị trường, dự báo cung – cầu để tận dụng cơ hội, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh linh hoạt và hiệu quả; tiếp tục các giải pháp nhằm giảm chi phí, hạ giá thành, quản trị tốt tồn kho, luân chuyển dòng tiền; tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản trị tại các đơn vị lớn trong hệ thống như Công ty TNHH Thép Vina Kyoei Việt Nam, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên… ; triển khai công tác tái cơ cấu và tập trung cùng các Bộ, ngành sớm tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm các tồn tại của 2 dự án (Tisco2 và VTM).
Với những định hướng trên, cùng với việc quan tâm chung tay vào cuộc của Chính phủ, Bộ, ngành… trong việc khai thông các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hy vọng các doanh nghiệp ngành thép dần vượt khó đi đến thành công, khẳng định vị thế ngành công nghiệp mũi nhọn trong việc đóng góp để phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là tạo việc làm cho người lao động.