Chồng bí mật mua nhà cùng mẹ ruột ngay trước đám cưới

'Anh ta bí mật mua nhà nhưng không phải với tôi, mà với mẹ anh ta. Tôi không biết bất cứ chuyện gì cả', cô thất vọng.

Mới đây, bài đăng của một người phụ nữ 28 tuổi chia sẻ về việc cô quyết định hủy hôn với chồng sắp cưới vì anh này bí mật mua nhà cùng mẹ ruột, đang gây sốt trên khắp các trang mạng xã hội "xứ cờ hoa".

Theo tạp chí People, người phụ nữ này đã mô tả hành vi của chồng sắp cưới là "một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng". Cô cho biết, cả hai đã có 5 năm yêu nhau và đang mong chờ đám cưới sẽ diễn ra vào mùa thu này.

"Chúng tôi đều hứa với nhau là sẽ cố gắng tiết kiệm tiền để mua nhà, xây dựng tổ ấm tương lai và lo cho con cái", cô gái chia sẻ.

Tình cờ phát hiện vị hôn phu của mình đã bí mật mua nhà cùng mẹ anh ta cô gái quyết định hủy bỏ hôn ước và đám cưới. Ảnh minh họa

Tình cờ phát hiện vị hôn phu của mình đã bí mật mua nhà cùng mẹ anh ta cô gái quyết định hủy bỏ hôn ước và đám cưới. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, mới đây cô tình cờ phát hiện vị hôn phu của mình đã bí mật mua nhà cùng mẹ anh ấy.

"Anh ta bí mật mua nhà nhưng không phải với tôi, mà với mẹ anh ta. Tôi không biết bất cứ chuyện gì cả", cô thất vọng kể.

Khi bị "chất vấn" về chuyện này, phía đàng trai phản hồi là cô có thể chuyển tới nhà mới ở cùng và rằng, việc đợi cô cùng tiết kiệm để mua nhà mất quá nhiều thời gian, trong khi "góp tiền cùng mẹ sẽ giúp anh có nhà sớm hơn".

Quá sốc và tức giận trước phản ứng của vị hôn phu, cô gái quyết định hủy bỏ hôn ước và đám cưới.

Những chuyện nhất định phải bàn trước đám cưới

Tài chính

Lập kế hoạch sử dụng tiền cả hai kiếm được trong tương lai là điều rất quan trọng. Ngoài khoản chung mà cả hai cùng đóng góp mỗi tháng, mỗi người có thể cần tích lũy riêng.

Số tiền cần đóng hàng tháng là bao nhiêu - tùy vào mức lương - cần được thảo luận và thống nhất.

Ngoài ra, quyết định khi nào dùng nguồn tài chính chung cũng cần được đồng thuận trước khi cưới.

Kế hoạch tiết kiệm khi nghỉ hưu

Bạn cần lên kế hoạch tiết kiệm đủ cho hai người, bao gồm cả chi phí y tế nếu chẳng may một trong hai ốm đau.

Con cái

Không phải ai kết hôn cũng muốn có con. Hay dù cả hai đều muốn có, cũng cần thảo luận và thống nhất cách nuôi dạy con, những gì sẽ làm nếu những đứa trẻ khuyết tật, cách bạn phản ứng nếu đứa trẻ lớn lên khác những gì cha mẹ kỳ vọng.

Một số người nhất định muốn có con sau kết hôn. Vì vậy, nếu chẳng may không một trong hai không thể có con, họ cần suy tính về việc phải làm tiếp theo: nhận con nuôi, mang thai hộ, thụ tinh ống nghiệm, ly hôn để đến với người khác...

Lập kế hoạch sử dụng tiền cả hai kiếm được trong tương lai là điều rất quan trọng. Ảnh minh họa

Lập kế hoạch sử dụng tiền cả hai kiếm được trong tương lai là điều rất quan trọng. Ảnh minh họa

Quan niệm về sự không chung thủy

Chuyện này mỗi người có cách hiểu khác nhau. Ví dụ, một người nghĩ hôn phụ nữ là phản bội nhưng người kia lại cho rằng chỉ cần gặp mặt người yêu cũ đã "không chấp nhận được".

Cũng có người cho rằng vợ/chồng yêu người khác mới là phản bội. Vì vậy, trước khi kết hôn, bạn nên nói rõ quan điểm của mình để tránh hiểu lầm.

Ước mơ và kế hoạch

"Bạn sẽ ở đâu trong 5-30 năm nữa?". Điều này có vẻ giống một câu phỏng vấn xin việc, nhưng nguyện vọng về một gia đình hạnh phúc của một người có thể không phù hợp với ước muốn của vợ/chồng.

Ví dụ, chồng bạn có thể muốn dốc lòng để thành công, còn bạn chỉ muốn một cuộc sống ổn định, thu nhập vừa đủ.

Đặt câu hỏi để giúp mọi người hình dung viễn cảnh sống chung sẽ thế nào.

Thỏa thuận về cách sống

Mỗi người có những mối ác cảm riêng. Nói cho nhau biết bạn là người thế nào là lựa chọn khôn ngoan để giữ hôn nhân bền vững.

Ví dụ, một người thích ngăn nắp, trong khi vợ/chồng lại không gặp vấn đề gì nếu nhà cửa lộn xộn. Khi thỏa thuận sớm, hai người sẽ có cách ứng xử phù hợp.

Số tiền nợ

Biết về các khoản nợ của nhau có thể giúp vợ chồng lên kế hoạch giải quyết.

Đối phương sẽ cảm thấy bị phản bội khi chồng/vợ che giấu món nợ rồi kết hôn xong mới thú nhận. Hơn nữa, điều này có thể khiến họ không còn tin tưởng vào người mình yêu.

Thời gian dành cho nhau

Dù hôn nhân thường có nghĩa là sống cùng nhau, nhưng không có nghĩa phải dành mọi thời gian cho đối phương.

Vợ chồng vẫn cần có không gian, thời gian riêng. Một số người muốn có nhiều không gian riêng hơn người khác nên cần biết trước để tránh sốc khi sống chung.

Khi nào nên đi cùng nhau

Sau khi kết hôn, mọi người thường sẽ xuất hiện tại một số sự kiện cùng nhau. Nhưng đôi khi, ngay cả những người đã kết hôn cũng muốn đi chơi với bạn bè của họ mà không có vợ hoặc chồng.

Vì vậy, nên bàn với chồng/vợ vào dịp gì nên đi cùng nhau và những người nào họ nên làm quen...

Phân chia công việc

Việc nhà có thể châm ngòi cho một cuộc chiến nếu vợ/chồng quá tải khi phải làm mọi việc. Để ngôi nhà luôn bình yên, tốt nhất nên phân chia rõ ràng công việc.

Trà My (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chong-bi-mat-mua-nha-cung-me-ruot-ngay-truoc-dam-cuoi-172250401161843215.htm
Zalo