Chọn sạc đúng cách để giữ điện thoại bền, phòng tránh tai nạn

Các loại điện thoại đều có giới hạn công suất. Ngoài ra, nếu dùng cáp rẻ tiền, quá trình sạc có thể bị chậm, gián đoạn, thậm chí gây hại cho máy như đoản mạch hoặc làm hỏng pin, dễ gây chập cháy.

Ham sạc rẻ có thể làm điện thoại hỏng, chập cháy

Khoảng chiều 19/3, em V.C.H (15 tuổi, ngụ ấp An Thủy, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, Long An) đang là học sinh lớp 9, Trường THCS An Ninh, vừa tắm xong chuẩn bị thay quần áo để đến trường. Do điện thoại đang sạc pin, tay em H còn ướt nhưng vẫn cầm rút dây ra khỏi ổ cắm điện, bất ngờ bị điện giật té xuống nền gạch, sau đó đã tử vong.

Vụ việc đau lòng trên tiếp tục cho thấy mối nguy hiểm của việc không thực hiện đúng các biện pháp an toàn khi sạc pin điện thoại, đặc biệt khi sử dụng bộ sạc kém chất lượng được bán trôi nổi trên thị trường. Các chuyên gia ghi nhận các nhóm tội phạm đang ngày càng tinh vi trong việc sản xuất sản phẩm nhái để bán cả trực tuyến lẫn tại các cửa hàng.

Sử dụng sạc điện thoại không đúng chuẩn tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn.

Sử dụng sạc điện thoại không đúng chuẩn tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn.

TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng khoa Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện trong các gia đình, thói quen sử dụng thiết bị điện sai cách, không đúng hướng dẫn sử dụng của thiết bị, chính là những "sát thủ" đối với các thành viên trong nhà, nhất là đối với trẻ em.

"Tôi quan sát thấy nhiều nhà sử dụng bình đun nước siêu tốc, nhưng đa phần không rút phích cắm mà cứ để nguyên đó, trong khi công tắc điện nằm trên thân ấm chứ không nằm ở bộ phận để tiếp đất. Rất nguy hiểm nếu điện rò rỉ ra ngoài, hoặc trẻ em nghịch ngợm, chọc vào ổ điện thì nguy cơ chết người là có thể.

Hoặc thói quen cắm sạc điện thoại, sạc máy tính để đó cũng cực kỳ nguy hiểm vì đa phần các thiết bị này có lớp sơn cách điện mỏng chỉ khoảng 1 micromet đến đầu cắm sạc. Chỉ cần sơ sẩy để lớp sơn này bong ra, khả năng bị điện giật chết người từ việc sờ vào các đầu cắm sạc cũng rất lớn", TS Trần Văn Thịnh cho biết.

Theo KS điện tử Nguyễn Đăng Khải, nhiều người chưa hiểu đúng về vai trò của bộ sạc điện thoại nên có tình trạng sử dụng bất cứ loại sạc nào có thể cắm được. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều tai nạn đáng tiếc, nhẹ thì điện thoại nhanh hỏng, chai pin. Sạc giá rẻ, không tên tuổi có thể tạo sự hấp dẫn cho người dùng nhờ vào thông số như công suất lớn, thiết kế lạ... Dù vậy, để có giá thấp, chúng thường bị cắt giảm tiêu chuẩn kiểm nghiệm an toàn và chất lượng.

Trên bộ sạc, nhà sản xuất thường công bố mức sạc 5 W, 20 W, 25 W hay 45 W. Công suất (W) là lượng điện bộ sạc có thể cung cấp, cao hơn đồng nghĩa sạc nhanh hơn, nhưng chỉ bằng mức mà điện thoại có thể xử lý. Ví dụ, bộ sạc 5 W vẫn hoạt động với điện thoại hiện đại, nhưng tốc độ chậm. Một chiếc iPhone 15 có thể mất 3 tiếng để sạc đầy pin với sạc 5 W nhưng chỉ cần 95 phút với sạc 20 W.

Thận trọng với các loại sạc siêu nhanh

Theo chuyên gia, các loại điện thoại đều có giới hạn công suất. Ngoài ra, nếu dùng cáp rẻ tiền, quá trình sạc có thể bị chậm, gián đoạn, thậm chí gây hại cho máy như đoản mạch hoặc làm hỏng pin. Những loại cáp này thường có dây mỏng, gây quá nhiệt, hoặc hao mòn nhanh hơn.

Dùng cáp không phù hợp cũng khiến quá trình sạc không diễn ra như mong đợi. Đôi khi cáp đi kèm trong hộp smartphone không đạt công suất cao nhất. Để đáp ứng nhu cầu của người dùng, nhà sản xuất phụ kiện bán nhiều mẫu cáp thế hệ mới có ghi sẵn thông số công suất sạc hỗ trợ tối đa.

Chuyên gia cảnh báo, người dùng cũng nên thận trọng với tuyên bố như "siêu nhanh" hay "tối đa 200 W". Thực tế, với bộ sạc nhiều cổng, thông số này có thể chỉ đúng khi sạc với một cổng duy nhất. Nếu sạc nhiều máy cùng lúc, công suất sẽ phân bổ theo mức nhất định hoặc chia đều.

Giống như các thiết bị cầm tay có nhiều loại và kích cỡ khác nhau, các bộ sạc điện thoại cũng có một loạt các tính năng khác nhau. Do đó khi lựa chọn các sản phẩm này người tiêu dùng nên lưu ý tới những yếu tố như cổng sạc có đạt tiêu chuẩn hay không, công suất bao nhiêu và có phù hợp với điện thoại của mình không.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 101:2020/BTTTT về Pin lithium cho thiết bị cầm tay quy định pin phải được ghi nhãn mác rõ ràng và bền. Pin phải bao gồm các thông tin: Li hoặc Li-ion (có thể nạp lại) thứ cấp, ký hiệu pin, điện cực, ngày sản xuất, tên hoặc mã của nhà sản xuất, dung lượng danh định, điện áp danh định.

Theo KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự, khi sử dụng cần thực hiện theo đúng những quy định khuyến cáo về dung lượng, dòng nạp, thời gian nạp. Cần dùng đúng tính năng mà pin hỗ trợ cũng như dùng đúng loại đầu cắm sạc cho thiết bị.

Ghi nhớ quy tắc vàng khi sạc pin là luôn giữ pin ở mức từ 30% đến 90%. Chỉ sạc pin lại khi đã giảm xuống dưới 50%. Nếu bạn sạc trực tiếp điện thoại theo cách truyền thống thì hãy ngắt sạc khi vừa chạm đến 100%. Bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng phím tắt để đặt thông báo khi mức pin đạt đến một tỷ lệ phần trăm nhất định.

Tránh để điện thoại sập nguồn, pin cạn rồi mới sạc. Để duy trì tuổi thọ tốt nhất của pin, người dùng nên sạc điện thoại khi máy báo pin yếu dưới 20%, không nên sạc pin quá đầy. Hầu hết các dòng pin điện thoại được sử dụng phổ biến hiện nay đều là pin lithium-ion. Việc sạc đầy 100% pin và cắm sạc liên tục trong thời gian dài khi pin đã đầy sẽ không tốt cho pin. Đặc biệt với người dùng thường có thói quen cắm sạc qua đêm sẽ khiến điện tích trong pin luôn ở mức cao, lâu dần đến quá sức và tác động không tốt.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chon-sac-dung-cach-de-giu-dien-thoai-ben-phong-tranh-tai-nan-169250429113720172.htm
Zalo