Chọn ngành, chọn trường không chỉ nhìn vào điểm số
Nhiều thí sinh đang loay hoay cân nhắc chọn nguyện vọng khi điểm thi không như mong muốn. Theo chuyên gia, thí sinh cần điều chỉnh hướng đi phù hợp với thực tế và nắm bắt cơ hội trong mùa tuyển sinh năm nay.
Điểm số không quyết định tất cả
Yêu thích ngành Truyền thông đa phương tiện nhưng tới thời điểm này, em Nguyễn Thị Hà (Hải Phòng) vẫn chưa biết đặt nguyện vọng thế nào để đảm bảo cơ hội trúng tuyển. Hà cho biết, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay, em đạt 21,5 điểm theo tổ hợp xét tuyển khối D01 (Toán – Ngữ văn – Ngoại ngữ). So với điểm chuẩn năm ngoái, Hà dự đoán trúng tuyển không cao.
“Em dự kiến đăng ký từ 10 tới 15 nguyện vọng ở những trường có ngành Truyền thông đa phương tiện. Em cũng dự định thi lại vào năm sau nhưng vẫn đang mong đợi may mắn sẽ đến với em trong mùa tuyển sinh năm nay”, Hà chia sẻ.
Điểm thi không như kỳ vọng là băn khoăn của không ít thí sinh, phụ huynh trước bài toán chọn nguyện vọng thời điểm này.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới trong đó, đề thi ở môn Toán và Tiếng Anh được đánh giá là khó hơn so với năm ngoái. Từ phổ điểm thi đã được Bộ GDĐT công bố, nhiều chuyên gia, đại diện các trường đại học dự đoán, điểm chuẩn đại học năm nay sẽ giảm, đặc biệt là tổ hợp xét tuyển có môn Toán và Tiếng Anh.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Đồng Mạnh Cường - Trưởng khoa Kinh doanh, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) cho rằng, điểm số không quyết định tất cả. Điều quan trọng hơn là khả năng học tập trong tương lai, sự yêu thích với ngành nghề đã chọn, và năng lực thích nghi với sự thay đổi của người học.
Trực tiếp giảng dạy bậc đại học, TS Đồng Mạnh Cường gặp nhiều sinh viên từng có kết quả đầu vào không quá ấn tượng. Nhưng nhờ có động lực rõ ràng, kỹ năng tự học, và định hướng nghề nghiệp vững vàng, các em đã thành công và có cơ hội làm việc tại các công ty, tổ chức lớn, cả trong và ngoài nước.
Vì vậy, thay vì chỉ nhìn vào điểm số để quyết định chọn ngành, chọn trường, TS Đồng Mạnh Cường cho rằng: “Các em nên đặt ra câu hỏi: Thực sự hứng thú với lĩnh vực nào?, có thể làm việc lâu dài với ngành đó không?, ngành đó đang thay đổi theo hướng nào?... Những câu hỏi này có thể giúp các em lựa chọn sáng suốt và bền vững hơn”.
Tiêu chí chọn ngành, chọn trường
PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC tư vấn, thí sinh chọn ngành, trường học nên dựa vào 3 tiêu chí.
Thứ nhất, thí sinh nên xem mình muốn gì, phù hợp với ngành nào. Đây là tiêu chí quan trọng nhất.
Thứ hai, chọn các ngành học đang được Nhà nước quan tâm, đầu tư như lĩnh vực STEM. Từ nay đến 2030, mục tiêu mỗi năm đào tạo 80.000 kỹ sư STEM. Hay như khối ngành bán dẫn, có đề án đào tạo 50.000 kỹ sư cử nhân. Đây là những chiến lược lớn của Nhà nước đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC tư vấn cho thí sinh. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Thứ ba, chọn những trường, ngành nghề có sự gắn kết học thuật với thực tiễn, làm sao để sinh viên học trên ghế nhà trường, thu hẹp khoảng cách với doanh nghiệp. Những trường đào tạo theo mô hình này, thường có học kỳ sinh viên học ngay tại doanh nghiệp.
Khi sinh viên đến doanh nghiệp làm, các em hình dung chân dung người làm việc trong tương lai cần gì, từ đó, các em hoàn thiện kỹ năng, trường đại học tiếp tục giảng dạy cho các em kiến thức. Sau khi ra trường, các em bắt kịp ngay thị trường lao động.
PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng cho hay, Trường Đại học CMC đang đào tạo 17 chương trình đào tạo, trong đó có ngành Khoa học máy tính, tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI). Năm nay, trường mở ngành mới thu hút thí sinh, đáp ứng nhu cầu của xã hội, như các ngành: Kỹ thuật phần mềm – truyền thông tích hợp AI; Marketing số - đưa công nghệ số; Logistic và chuỗi cung ứng; Đồ họa game; Robot thông minh.
Từ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, PGS. TS Nguyễn Việt Hà - Trưởng phòng Quan hệ công chúng doanh nghiệp, Phụ trách công tác tuyển sinh của Trường Đại học Mỏ - Địa chất dự đoán điểm chuẩn vào các ngành của trường năm 2025 sẽ tương đương hoặc giảm hơn so với năm 2024 (tùy từng ngành). Tuy nhiên, mức giảm không nhiều.
Một số ngành như: Kinh tế, công nghệ thông tin của Trường Đại học Mỏ - Địa chất chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên 300-400 sinh viên. Đây cũng là lý do khiến điểm chuẩn có thể giảm hơn so với năm trước. PGS, TS Nguyễn Việt Hà khuyên thí sinh, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển cần tham khảo điểm chuẩn các ngành đào tạo năm ngoái.