Nâng cao chuyên môn, sẵn sàng đón năm học mới

Thực hiện quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm học 2025-2026, ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên trong dịp hè để đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt, trong bối cảnh Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã hoàn tất chu trình và tiếp tục triển khai gắn với chuyển đổi chính quyền hai cấp tại địa phương, việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên là một nhiệm vụ then chốt, quyết định chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh trong năm học mới.

Lớp bồi dưỡng Module 9 về hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho giáo viên cốt cán cấp trung học phổ thông

Lớp bồi dưỡng Module 9 về hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho giáo viên cốt cán cấp trung học phổ thông

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt khi ngành giáo dục đã triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với tất cả các khối lớp. Để tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả trong bối cảnh mới đòi hỏi giáo viên phải có sự bứt phá về phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, tiếp cận, cũng như năng lực sư phạm đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Công tác bồi dưỡng giúp giáo viên trên cơ sở nắm vững những yêu cầu đổi mới để tiếp tục áp dụng hiệu quả vào quá trình giảng dạy thực tế tại các nhà trường.

Năm nay, nội dung bồi dưỡng giáo viên toàn tỉnh trong dịp hè là Module 9 “Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh tiểu học/THCS/THPT”. Cụ thể, giáo viên sẽ được bồi dưỡng các chuyên đề gồm: Vai trò của công nghệ thông tin (CNTT), học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh; Các phần mềm và thiết bị công nghệ hỗ trợ hoạt động dạy học và giáo dục học sinh; Ứng dụng CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học và giáo dục học sinh. Để công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả cao, Sở GD&ĐT đã phối hợp Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên xây dựng tài liệu và tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên. Ngoài các chuyên đề bồi dưỡng thuộc Module 9, Sở GD&ĐT bồi dưỡng thêm chuyên đề về “Khai thác, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục tại nhà trường” cho 34 lớp với gần 2000 giáo viên cốt cán các cấp trên địa bàn toàn tỉnh. Theo Kế hoạch, trong hè này Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức 253 lớp tập huấn, dự kiến tiếp cận tới gần 13.000 cán bộ quản lý và giáo viên ở cả ba cấp học: tiểu học, THCS và THPT.

Là giảng viên chính tại lớp bồi dưỡng cho các giáo viên cấp THPT về hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp trong khóa bồi dưỡng Module 9 do Sở GD&ĐT Lạng Sơn tổ chức, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng Bộ môn Khoa học Giáo dục, Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên cho biết: thông qua chương trình bồi dưỡng, chúng tôi hướng tới nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho đội ngũ giáo viên cấp THPT tại tỉnh Lạng Sơn.

Qua bồi dưỡng Module 9, đội ngũ giáo viên của tỉnh Lạng Sơn đã được nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng CNTT, khai thác, sử dụng học liệu số, trí tuệ nhân tạo trong dạy học và giáo dục học sinh để từ đó tạo nên giờ học trực quan, sinh động hơn. Học sinh sẽ được khuyến khích chủ động khám phá kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo thông qua các hoạt động học tập đa dạng trên môi trường số. CNTT cũng giúp giáo viên tiết kiệm thời gian trong công tác quản lý, đánh giá, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối, trao đổi thông tin giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Cô Trương Thị Lộng Ngọc, giáo viên môn Ngữ văn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Lộc Bình (xã Lộc Bình) cho biết: bên cạnh việc chủ động tự học, tự rèn luyện, chúng tôi được tham gia nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm nhằm giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.

Tại các lớp bồi dưỡng, giáo viên đã có cơ hội trao đổi trực tiếp với giảng viên để được giải đáp các thắc mắc về cách cải thiện hiệu quả giảng dạy và giáo dục học sinh. Đồng thời, được thảo luận về các khó khăn, thuận lợi cũng như chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy các môn học với đồng nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, trong suốt quá trình học, các giáo viên đã có thời gian nghiên cứu cá nhân, làm việc nhóm, thực hành sử dụng các công cụ hiện đại để xây dựng bài giảng có nội dung sâu sắc, hình thức tổ chức có sức thu hút với học sinh hơn.

Cô Vũ Thùy Liên, giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (phường Kỳ Lừa) bày tỏ: kỳ nghỉ hè là dịp chúng tôi có nhiều thời gian hơn để đào sâu chuyên môn, cơ hội để nhìn nhận lại cả một quá trình dạy học đã qua để rút kinh nghiệm cho năm học mới. Hơn thế, chúng tôi mong muốn được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng kiến thức mới để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, rèn luyện kỹ năng công dân số, qua đó, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Các giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng hè do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức

Các giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng hè do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức

Để Chương trình GDPT 2018 thực sự đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao, vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán là vô cùng quan trọng. Họ không chỉ là những người trực tiếp truyền đạt kiến thức mà còn là những “hạt nhân” lan tỏa tinh thần đổi mới, hỗ trợ đồng nghiệp cùng nhau phát triển. Sau khi tham gia bồi dưỡng cấp tỉnh, các đồng chí là giáo viên cốt cán cấp tiểu học, THCS, THPT sẽ tiếp tục bồi dưỡng lại cho 100% giáo viên tại đơn vị công tác, đảm bảo 100% giáo viên tham gia giảng dạy năm học 2025-2026 đều được bồi dưỡng đầy đủ.

Thông qua công tác bồi dưỡng, ngành giáo dục Lạng Sơn tiếp tục khẳng định quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Đội ngũ giáo viên toàn tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh trong năm học 2025-2026, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện của nền giáo dục và đào tạo trong thời kỳ chuyển đổi số, góp phần vào sự phát triển chung của ngành giáo dục.

Khánh Chi

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nang-cao-chuyen-mon-san-sang-don-nam-hoc-moi-5053874.html
Zalo