Chọn hàng cho quý cuối năm
Dòng tiền đang có xu hướng tìm kiếm nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ các chính sách vĩ mô và nhóm ngành hưởng lợi từ đà phục hồi của nền kinh tế.
Môi trường vĩ mô thuận lợi hơn
Nhận định được ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra, dòng tiền sẽ tìm kiếm nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngành hưởng lợi từ đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.
Phân tích về ảnh hưởng của việc Fed quyết định hạ lãi suất 0,5%/năm trong kỳ họp diễn ra giữa tuần qua, ông Minh cho rằng, động thái này của Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ góp phần ổn định lại tỷ giá USD/VND - mối quan tâm lớn của nền kinh tế trong nửa đầu năm nay. Với việc tỷ giá USD/VND hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất thấp cho tới giữa năm sau.
Tác động lớn thứ hai của câu chuyện này, theo ông Minh, là góp phần cải thiện định giá chứng khoán.
Lãi suất USD giảm sẽ thúc đẩy dòng tiền đầu tư trên toàn cầu quay lại thị trường Đông Nam Á nhiều hơn, trong đó có Việt Nam. Đông Nam Á đang được xem là công xưởng sản xuất của thế giới nên các nền kinh tế trong khu vực này sẽ được hưởng lợi đầu tiên khi Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tác động thứ ba đến với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của kinh tế Mỹ, châu Âu - đây là các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam. Sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng của thị trường này sẽ giúp các quốc gia phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu như Việt Nam hưởng lợi.
“Mặc dù cơn bão Yagi và lũ quét diễn ra ở khu vực phía Bắc vừa qua gây ảnh hưởng đến nền kinh tế với những thiệt hại lớn nhưng nền kinh tế kỳ vọng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hơn 6% nhờ xuất siêu, thu hút FDI và đẩy mạnh đầu tư công”, ông Minh nêu quan điểm.
Giới phân tích tin rằng, thời gian tới, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế duy trì quán tính tăng tốt.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý III. Giới phân tích đặt kỳ vọng nhóm cổ phiếu trụ, vốn hóa lớn có thể dẫn dắt cho nhịp tăng điểm của thị trường tới đây.
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), về mặt định giá, mức P/E hiện tại của VN-Index khoảng 15 lần, ngang mức trung bình hai năm qua. Nhìn về bức tranh trung và dài hạn, việc tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho hoạt động sản xuất, công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng trong nước lần lượt hồi phục.
Trong 3 - 6 tháng tới, nhóm cổ phiếu tài chính có triển vọng tăng trưởng nhưng khi nền kinh tế phục hồi rõ hơn thì những cổ phiếu sản xuất, tiêu dùng sẽ có đà tăng trưởng dài hạn, bền vững hơn.
Ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ thị trường phản ứng tiêu cực đối với các mối lo ngại về tình hình xung đột leo thang ở Trung Đông, rủi ro suy thoái Mỹ và suy giảm tiêu dùng tại Trung Quốc.
Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đưa ra hai kịch bản đối với thị trường chứng khoán thời gian này, với kịch bản tích cực VN-Index vượt lên 1.300 điểm kiểm nghiệm lại và bắt đầu xu thế tăng mới và kịch bản trung tính là VN-Index điều chỉnh ở vùng 1.220 điểm và tìm kiếm lực tăng.
Gọi tên nhóm cổ phiếu triển vọng
Cổ phiếu nhóm nào cho triển vọng tích cực trước các biến động vĩ mô này? Từ góc nhìn của ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, khi mặt bằng lãi suất thấp, hai nhóm được hưởng lợi lớn nhất là ngân hàng và chứng khoán. Ngoài nhóm tài chính ra, các ngành bán lẻ, tiêu dùng sản xuất thực phẩm, bất động sản, với tỷ lệ đòn bẩy tài chính thường ở mức cao cũng hưởng lợi trực tiếp khi mặt bằng lãi suất giảm.
Khuyến nghị về chiến lược đầu tư, ông Minh cho rằng, với những nhà đầu tư ngắn hạn, cổ phiếu tài chính nên là lựa chọn đầu tiên, bởi nhóm này có phản ứng nhạy nhất với biến động lãi suất. Nhưng nếu đi theo chiến lược đầu tư dài hạn, nhà đầu tư vẫn nên quan tâm đến nhóm sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng và nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế phục hồi là công nghệ.
“Trong 3 - 6 tháng tới, nhóm cổ phiếu tài chính có triển vọng tăng trưởng nhưng khi nền kinh tế phục hồi rõ hơn thì những cổ phiếu sản xuất, tiêu dùng sẽ có đà tăng trưởng dài hạn, bền vững hơn”, ông Minh nhận định.
Thực tế, ngân hàng là nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền tích cực trong tuần qua, ghi nhận mức phục hồi vượt trội so với các nhóm khác.
Ngoài câu chuyện Fed hạ lãi suất thì các nhóm này còn được hưởng lợi từ kỳ vọng mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán lên nhóm mới nổi của FTSE đến gần hơn khi một trong những “nút thắt” của tiến trình này là quy định ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) với nhà đầu tư nước đã được gỡ bỏ trong tuần qua.
Theo giới chuyên gia, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi, dòng vốn ngoại có thể quay trở lại mạnh mẽ, giúp chứng khoán Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn, trong đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm ngân hàng là tâm điểm thu hút dòng tiền ngoại.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán TPS cho biết, chỉ số P/E của toàn ngành ngân hàng ở mức 9,07 lần vào ngày 10/9/2024, thấp hơn mức trung bình trong vòng 5 năm qua (10,8 lần) và đã phục hồi đáng kể từ mức đáy trong vòng 1 năm qua (8,6 lần). Mức P/E hiện tại vẫn còn dư địa để phục hồi trong năm nay.
Còn chỉ số P/B toàn ngành ngân hàng đang ở mức 1,46 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm qua là 1,8 lần và ở gần mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại (là 1,43 lần). Do đó, cổ phiếu ngành này còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng khi nhu cầu tín dụng có dấu hiệu quay trở lại.
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam quan tâm tới ba nhóm, gồm ngân hàng, bất động sản, dược.
Đây là ba nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, có tiềm năng tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế trên đà hồi phục. Với riêng nhóm dược, AzFin nhận định, nhu cầu tiêu dùng thuốc tăng mỗi năm 10% là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngành này.
Trong khi đó, KBSV khuyến nghị đầu tư các nhóm ngành hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi như ngân hàng, bán lẻ; nhóm hưởng lợi từ bước tiến nâng hạng thị trường là chứng khoán; nhóm hưởng lợi từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là bất động sản khu công nghiệp, hưởng lợi từ tăng tốc đầu tư công (xây lắp hạ tầng, vật liệu xây dựng)…
KBSV cho rằng, thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn sẽ mở ra cơ hội giải ngân tốt cho các nhà đầu tư chưa có vị thế, hoặc gia tăng tỷ trọng cho các nhà đầu tư đã nắm giữ.