Chôn giấu vũ khí lúc tập kết

Lúc ta chuyển quân tập kết, tôi là Tỉnh ủy viên Bạc Liêu. Các anh nói: “Ta chuẩn bị chiến tranh nên phải tìm cách chôn giấu vũ khí để lại”. Tôi được Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu giao nhiệm vụ này.

Theo tôi biết, suốt quá trình chuẩn bị tập kết, ta để lại nhiều vũ khí lắm, đến hai tiểu đoàn súng. Các tiểu đoàn tập kết có gì để nấy...

Ðịa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Sông Ðốc thuộc Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách cửa sông Ông Ðốc khoảng 2 km. Ảnh tư liệu

Ðịa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Sông Ðốc thuộc Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách cửa sông Ông Ðốc khoảng 2 km. Ảnh tư liệu

Năm 1954, anh Kiệt (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) làm Bí thư Tỉnh ủy. Ảnh cùng tôi lo chôn giấu vũ khí, tôi vô thùng cho ảnh đi chôn (có thùng rất nhiều súng carbine). Các anh trong Thường vụ Tỉnh ủy cùng đi chôn, mỗi người chôn một nơi rồi vẽ sơ đồ. Anh Kiệt đi chôn thùng đầu tiên, nhưng đêm đó anh lại mượn tôi chôn giùm, còn anh thì đánh lạc hướng chủ nhà để giữ bí mật. Anh động viên chủ nhà đi xem phim, rồi nói:

- Tôi gác cho các ông làm giùm tôi!

Khi thấy chúng tôi đào mệt nhọc, ảnh khuấy nước chanh cho chúng tôi uống. Nghĩa là “chôn giùm” chớ nhiệm vụ là của ảnh. Nhưng vui nhứt là được “chôn giùm” người chôn đầu tiên!

Các anh khác mỗi người chôn một thùng tự mang đi, Bí thư xã cũng đi chôn. Ban đầu lấy thùng phuy, cắt hai đầu, cưa hai cái thùng để vũ khí vô rồi hàn kín. Nhưng kiểu này nặng quá khiêng không nổi, phải lăn đùng đùng. Tuy bên trong đầy ắp súng đạn, nhưng lăn nó vẫn “kêu”. Anh Bảy Thạng nói:

- Tôi “ớn” mấy ông rồi!

Sau ta hàn thùng tôn. Ra tiệm thiếc Cà Mau đặt hàn. Rồi lần sau ta tự hàn. Thấy chúng tôi lăng xăng, anh Châu Văn Ðặng nói:

- Anh làm sao giữ được hai năm cho tôi thôi. Thằng Ngô Ðình Diệm không thi hành Hiệp định Giơnevơ đâu!

Vũ khí của các tiểu đoàn để lại công khai, đến khi ta vô thùng ta không cho quần chúng biết. Nhờ cách vô thùng này, ta qua mặt được kẻ tò mò. Mỗi thùng chứa hai ba mươi cây, giao cho từng anh đi chôn, để lại sơ đồ như tôi đã nói. Ðó là lúc chúng tôi ở Tân Lộc, Tân Lợi... sau những ngày đình chiến.

Từ cuối năm 1959-1964, chính quyền Mỹ - Diệm đàn áp quần chúng. Ta chủ trương đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ, đến vũ trang chính trị song song, rồi dần dần đẩy mạnh vũ trang lên. Bấy giờ vũ khí ta rất ít, số để lại chẳng bao nhiêu, nên khi bắt đầu chiến tranh, ta có lấy súng địch trang bị cho ta. Ngặt “vốn” ít làm sao có “lời” nhiều được. Ta phải nhờ Trung ương chi viện.

Nhớ năm 1957, khi cần lấy súng lên, ở Tân Lộc, tôi nhờ một cơ sở đến tìm. Tôi chỉ đúng chỗ, nhưng anh ta nói: "Không phải đâu, đây là mộ của cháu tôi mà!".

Sau khi mình chôn rồi, gia đình ở gần lại đem xác con chôn lên đó. Tôi quả quyết nên bảo anh đào quanh sâu xuống tránh mộ, ta lấy lên 15 cây carbine. Thêm trường hợp khác ở vùng Cái Nứa, Ba Ðình... anh em ta chôn rồi, tên chủ ấp đến cất nhà kế bên và trồng cây dừa lên hầm súng. Năm 1959, cần đào hầm lấy súng, ta bắt cóc tên chủ ấp dời đi, đào dưới gốc dừa mới lấy được súng.

Như vậy, theo Ðảng chỉ đạo, lúc ta chuyển quân tập kết, các tỉnh khác trong toàn miền Nam cũng nhận biết rằng Mỹ - Diệm không bao giờ thi hành Hiệp định Giơnevơ, nên các đơn vị bộ đội ta phải để vũ khí lại cho các tỉnh chôn giấu như tỉnh Bạc Liêu./.

(Chuyện do đồng chí Phan Văn Nhờ (Tư Mau), Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam kể)

Nguyễn Bá lược ghi

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chon-giau-vu-khi-luc-tap-ket-a35120.html
Zalo