Chọn đúng, chọn trúng cán bộ: Mở rộng dân chủ, lắng nghe Nhân dân

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh, muốn chọn đúng, chọn trúng cán bộ, phải đánh giá, nhìn nhận phẩm chất đạo đức, năng lực cán bộ qua công việc hằng ngày, qua ứng xử ở gia đình, xã hội.

Không phải chỉ nghe lời nói hay, nhìn bề ngoài đẹp

- Thưa ông, chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến Đại hội XIV của Đảng. Tại các kỳ Đại hội Đảng, công tác cán bộ hết sức quan trọng. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144 về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đây có phải là “cẩm nang”, căn cứ để lựa chọn cán bộ?

Vấn đề đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên rất quan trọng, đặc biệt với cán bộ nòng cốt, cán bộ cấp chiến lược. Đảng ta yêu cầu cán bộ phải có đức, có tài, trong đó đức là gốc. Chúng ta đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên cho thấy đó là yêu cầu bức thiết đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Các chuẩn mực đạo đức trong Quy định 144, theo tôi, là “căn cứ, cẩm nang” trong việc lựa chọn cán bộ cho đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng lần thứ XIV. Bác Hồ từng nói: Cán bộ là gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: Công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Vì thế, công tác cán bộ, công tác nhân sự đại hội càng cần được quan tâm. Nhìn vào Quy định 144 có thể thấy được các tiêu chuẩn để lựa chọn, giới thiệu cán bộ vào cấp ủy các cấp. Điều này cũng giúp “không để lọt vào cấp ủy những cán bộ mất phẩm chất đạo đức” như mong muốn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải “chọn lọc” cán bộ. Một mặt, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để sàng lọc, phát hiện, xử lý những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; một mặt, phải tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

- Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời từng nhấn mạnh: “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, “đừng nhìn gà hóa quốc”. Theo ông, cần làm gì để không “nhìn gà hóa quốc”, “thấy đỏ tưởng là chín” ?

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng dẫn câu thơ trong Truyện Kiều về vấn đề này: Khen cho con mắt tinh đời/Anh hùng đoán giữa trần ai mới già. Muốn không “nhìn gà hóa quốc”, “thấy đỏ tưởng là chín” thì phải “có con mắt tinh đời”. Muốn thế, khi đánh giá cán bộ, không phải chỉ cứ nghe lời nói hay, bề ngoài đẹp… mà phải đánh giá thực chất bằng kết quả công việc, bằng những hành vi ứng xử ở cơ quan, gia đình, xã hội.

Một mặt, tổ chức Đảng xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề, nhưng một mặt, cũng phải phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của quần chúng nhân dân.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: PV.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: PV.

Đánh giá một con người không hề đơn giản, nên phải lắng nghe rất nhiều. Phương pháp đánh giá, cách đánh giá, nhận xét cán bộ cũng rất quan trọng. Dù chúng ta đã nói nhiều, nhưng khâu đánh giá cán bộ vẫn là việc khó.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - tấm gương về đạo đức cách mạng, sự liêm chính, giản dị… cũng từng nói, cứ hỏi dân là dân biết hết đấy. Nghĩa là chúng ta phải lắng nghe, xem xét một cách cầu thị, thấu đáo.

Như vừa qua, nhiều cán bộ bị xử lý trách nhiệm liên quan những vi phạm ở giai đoạn trước, thì có thể với những trường hợp này, do chúng ta chưa lắng nghe đủ các ý kiến nhận xét, rồi việc thẩm định cũng chưa chuẩn, dẫn tới dù có vi phạm, sai phạm nhưng vẫn được đề bạt, bổ nhiệm.

Vì thế, trong đánh giá cán bộ, việc mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của Nhân dân, lắng nghe, xử lý các thông tin liên quan là hết sức cần thiết.

Chọn đúng, trúng cán bộ

- Thưa ông, làm sao để chọn đúng, chọn trúng cán bộ, bởi theo như Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nhận định, thời gian vừa qua, trong công tác cán bộ, có những trường hợp “đúng quy trình” nhưng không “chọn đúng, chọn trúng” được cán bộ?

Tôi nghĩ rằng, chọn đúng và chọn trúng cán bộ cũng gần như nhau. Nghĩa là làm sao để vừa đúng quy trình, vừa chọn đúng người. Khi đã như vậy thì cũng có nghĩa là trúng.

Qua các kỳ đại hội, đến nay, chúng ta đã hoàn thiện dần các quy định của Đảng về quy trình công tác cán bộ, từ 3 bước đến 5 bước, qua rất nhiều khâu đánh giá, cho ý kiến… Nhưng tại sao vẫn có những trường hợp không đúng, không trúng. Như tôi nói ở trên, trong quá trình thực hiện, phải thực sự phát huy dân chủ. Trong quá trình này, có vấn đề, ý kiến gì liên quan đến nhân sự, dù nhỏ nhất cũng phải lắng nghe.

Phải làm thế nào để cán bộ, đảng viên nói lên đúng tiếng nói của họ. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, là dân biết cả, nhưng làm thế nào để nghe dân nói. Người dân biết nhưng không nói, hoặc dân nói nhưng không đến tai, hoặc đến tai lại không được tiếp thu, xử lý. Thế thì phải mở rộng nhiều kênh lắng nghe. Khi cởi mở như vậy, sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến về nhân sự, qua đó có thể sàng lọc, xử lý, sẽ chọn đúng, chọn trúng cán bộ.

Tôi phải nói thêm, có những trường hợp quy trình đúng nhưng không “chọn đúng, chọn trúng” cán bộ. Quy trình không có tội, nhưng trong khi thực hiện quy trình đó có thể không khách quan. Quan trọng là làm sao để hạn chế, tránh những tiêu cực, không khách quan.

Tôi nghĩ rằng, cũng cần phải có biện pháp, quy định nào đó đối với những trường hợp con cái, người nhà của lãnh đạo để đảm bảo chính xác, khách quan. Nhiều trường hợp đã xảy ra ở một số địa phương, gây ra dư luận rất xấu, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân.

Quy định 144 đã nêu rất rõ các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới của cán bộ, đảng viên, trong đó có việc cán bộ, đảng viên cần xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Những người liêm chính, chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm… mang lại hiệu quả công việc tốt chắc chắn sẽ được đánh giá rất cao. Cuối cùng, đánh giá cán bộ vẫn ở hiệu quả công việc. Công việc anh làm kết quả ra sao, có tác động, lợi ích gì cho dân, cho nước. Đó là mục đích cuối cùng hướng đến của đạo đức cách mạng - là vì dân vì nước.

- Như ông nói ở trên, rõ ràng, tiêu chí đầu tiên để đánh giá, quy hoạch cán bộ là hiệu quả công việc. Chúng ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, liệu có gây tâm lý e ngại, khiến cán bộ không năng nổ làm việc không, thưa ông?

Thời gian vừa qua, có một bộ phận cán bộ, đảng viên có tâm lý như vậy. Nhiều nhiệm vụ, công việc đáng lẽ cán bộ, công chức phải làm, nhưng không có nhiều biến chuyển. Trước tình trạng này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Chính phủ cũng ban hành Nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, chúng ta không sợ không có người làm, không sợ thiếu cán bộ. Vấn đề là chúng ta xử lý đúng. Những người nếu dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì không vấn đề gì. Cơ chế bảo vệ những người như vậy. Thậm chí, khi chưa có những quy định nêu trên, họ vẫn được bảo vệ. Dù văn bản luật này, luật khác có sự vênh nhau, cán bộ làm theo quy định, dù có sai, nhưng không “xơ múi” gì, không tư lợi, động cơ trong sáng thì không sao cả.

Cán bộ làm việc với “động cơ trong sáng” thì không sợ gì cả. Chỉ những cán bộ tư lợi mới phải sợ. Những trường hợp bị xử lý vừa qua đều “có vấn đề cả”, đều có liên quan đến tiền nong, vì cái riêng chứ không vì cái chung.

- Xin cảm ơn ông!

Trường Phong (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chon-dung-chon-trung-can-bo-mo-rong-dan-chu-lang-nghe-nhan-dan-post1666562.tpo
Zalo