Chọn 'biết đủ' để chiến thắng thị trường
Lời khuyên không hiểu, không biết thì đừng nên đầu tư - người viết đồng ý. Nhưng người viết quan sát thấy một nghịch lý rằng, hiểu nhiều quá, biết nhiều quá đôi lúc cũng không phải là tốt.

Nhà đầu tư nên cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, đồng thời tích lũy kinh nghiệm qua thời gian
1. Một câu chuyện kể lại từ một nhà đầu tư lão luyện có gần 2 thập kỷ tham gia thị trường chứng khoán, với 10 tỷ đồng vốn ban đầu đã làm nên 300 tỷ đồng chỉ sau 2 năm. Nhà đầu tư này kể, có một người bạn thân tốt nghiệp Đại học Harvard về nước tham gia thị trường chứng khoán vào năm 2005. Người bạn đó phụ trách quản lý một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam thời kỳ đấy, nhưng sau khủng hoảng thị trường chứng khoán 2009 đã quyết định nghỉ hưu sớm, từ giã thị trường và nói với nhà đầu tư khi đó là “tay mơ”: “May là cậu chả biết gì, chả hiểu gì nên tồn tại được ở thị trường này. Điếc không sợ súng, còn mình biết nhiều quá, chủ quan quá nên phải rời đi”.
Với những quan điểm kiên định về sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2008, cựu sinh viên Harvard đặt cược “full” danh mục cổ phiếu cho quỹ đầu tư, nhưng biến động thị trường đã mang lại cái kết đắng cho bản thân và cả quỹ đầu tư - nằm trong nhóm bị thị trường đào thải khốc liệt.
2. Xác định đầu tư ngắn hạn hay dài hạn, lựa chọn phương pháp định giá doanh nghiệp trong từng ngành nghề, cập nhập kết quả kinh doanh cũng như thông tin vĩ mô có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, thậm chí tiếp cận cán bộ, nhân viên đang làm việc tại doanh nghiệp nhằm có thêm thông tin… là công việc của những nhà đầu tư muốn kiếm lời từ thị trường chứng khoán.
Vậy bao nhiêu thông tin sẽ là đủ trước khi đưa ra quyết định mua hoặc bán cổ phiếu? Không có một câu trả lời tuyệt đối!
Trong hành trình đầu tư, người viết đã gặp rất nhiều chuyên viên phân tích của các công ty chứng khoán. Đa số hiểu doanh nghiệp, biết thông tin nội bộ, nắm vững định giá, nhưng khuyến nghị đầu tư của không ít người lại có vấn đề. Người viết nhận ra điều này sau thời gian dài tiếp xúc, làm quen và được họ chia sẻ danh mục đầu tư. Ước tính, có đến 9/10 phân tích, khuyến nghị đầu tư mà chuyên viên phân tích đưa ra không giống danh mục của bản thân họ.
Như vậy, khuyến nghị một đằng, mua bán một nẻo! Phải chăng, vì công việc nên phải đưa ra khuyến nghị, còn nhà đầu tư mua bán theo có kết quả như thế nào không phải là trách nhiệm của người phân tích?
Sau khi biết được sự thực trớ trêu đó, nhiều báo cáo phân tích được công bố công khai trên trang web của công ty chứng khoán được người viết gọi là “khuyến nghị để đấy cho vui”.
Mùa đại hội cổ đông là mùa hội tụ thông tin về doanh nghiệp xuyên suốt một năm, thông tin cập nhập từ ban lãnh đạo, từ báo cáo tài chính…, nhưng nhà đầu tư nên nhớ, nhiều khi phải “điếc” một tai và lắng nghe, tìm hiểu bằng tai còn lại.
3. Người viết từng gặp người lao động của nhiều doanh nghiệp, nhất là những vị trí quản lý cấp cao, đặc biệt là cán bộ kiểm toán nội bộ. Vì lý do bảo mật, họ không tiết lộ thông tin không được phép công bố, nhưng vô tình cho biết một số vấn đề về doanh nghiệp mà dù người khác nhận ra cũng không dễ tận dụng được trong việc đầu tư cổ phiếu.
Chẳng hạn, cán bộ kiểm toán nội bộ của một doanh nghiệp từng kể về khó khăn khi xử lý những tồn đọng từ người lãnh đạo tiền nhiệm và không hiểu sao báo cáo tài chính vẫn có được số liệu đẹp nên không dám mua cổ phiếu, dù giá đang ở mức hấp dẫn.
Sau khi nghe kể vậy, người viết quyết định đặt lệnh mua một lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp mà chị cán bộ kiểm toán nội bộ đang làm việc và vài tháng sau ghi nhận mức lãi lên tới trên 50%.
Khi thấy giá cổ phiếu tăng cao trái ngược với dự báo, chị kiểm toán nội bộ có chia sẻ với người viết rằng, “Bụt chùa nhà không thiêng”, biết nhiều quá chưa chắc đã tốt!
4. Thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia, với tâm lý, khả năng tiếp cận thông tin và phân tích còn yếu, nên giá cổ phiếu biến động là tổng hòa của yếu tố lý trí (lập luận, phân tích) và tâm lý. Khi thấy thị trường biến động mạnh, họ thường đưa ra những quyết định giao dịch vội vàng, theo tâm lý đám đông.
Bỏ lý trí, bỏ phân tích và tìm hiểu doanh nghiệp mà cứ theo tâm lý lao vào mua bán thì sớm hay muộn cũng đối mặt với thua lỗ, trừ một số ít người gặp may. Nhưng lý trí quá, tìm hiểu sâu quá mà bỏ đi tâm lý, bỏ đi cảm xúc và chút liều lĩnh thì nhà đầu tư có thể bỏ lỡ cơ hội, để lại trong lòng nỗi tiếc nuối - trong trường hợp này, người viết cho rằng, nhà đầu tư nên chuyển sang làm nghề phân tích sẽ thích hợp hơn.
Có những thông tin về doanh nghiệp rất quan trọng, sẽ phản ánh trực tiếp vào giá cổ phiếu, nhưng với sự leo thang của cuộc chiến tranh thương mại gần đây, điều này đôi khi không chính xác, vì thị trường chung bị ảnh hưởng khiến giá hầu hết cổ phiếu có diễn biến cùng chiều, dù thông tin đó là tốt hay xấu đối với doanh nghiệp.
Cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, đồng thời tích lũy kinh nghiệm qua thời gian là lời khuyên của người viết, nhưng chắc chắn phải có thêm một chút liều và chấp nhận rủi ro.
Không nên “điếc không sợ súng” mà lao vào thị trường chứng khoán, nhưng cũng đừng thấy khẩu súng mà bỏ chạy, quên không tìm hiểu xem trong đó có đạn hay không.