Chơi vơi bóng đá miền Trung, miền Nam
Bảng xếp hạng của V-League 2024-2025 đến hiện tại phản ảnh đúng 'bản đồ bóng đá' Việt Nam khi mà các đội bóng phía Bắc nằm ở nửa trên, phần còn lại là các làng cầu từ Đà Nẵng đổ vào, cùng với SLNA. Chắc chắn sẽ có một đội bóng trong nửa cuối này rớt hạng, trong khi đó ở giải hạng nhất vừa có thêm một đội bóng phía Bắc thăng hạng V-League mùa sau. Nghĩa là bóng đá miền Trung và miền Nam giảm về chất lẫn số lượng.
Lần gần nhất các khu vực này có nhà vô địch quốc gia là vào năm 2017, với sự đăng quang của Quảng Nam, tiền thân của đội bóng đang đối diện với nguy cơ xuống hạng mùa này.

Trận đấu giữa Quảng Nam (trái) và SLNA ở V-League 2024-2025. Ảnh: P.MINH
Đây là một sự sa sút đáng buồn. V-League ra đời năm 2001, đến năm 2012 cũng chỉ mới có một đội phía Bắc vô địch (Hà Nội T&T năm 2010). Nhưng từ năm 2013 đến nay, làng cầu miền Trung, miền Nam chỉ có thêm 3 lần vô địch (Bình Dương năm 2014 và 2015, Quảng Nam năm 2017). Đáng nói hơn là đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ngôi vị vô địch sẽ đổi vị trí địa lý.
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng cứ nhìn vào danh sách các đội tuyển quốc gia, nhất là những lứa U, tỷ lệ các cầu thủ trẻ trưởng thành ở miền Trung và miền Nam chỉ chiếm chưa đến 20% có thể hiểu. Ví dụ ở đợt tập trung U22 Việt Nam gần nhất, chỉ có 4 cầu thủ từ Đà Nẵng trở vào, con số này ở đội U19 là 6, còn ở đội tuyển U17 Việt Nam vừa dự U17 châu Á chỉ có 3 cầu thủ. Rõ ràng, điểm yếu lớn nhất của bóng đá miền Trung và miền Nam chính là khâu đào tạo trẻ.
Còn nhớ hồi năm 2014, khi lứa U19 của HA.GL tỏa sáng, các CLB phía Nam cung cấp cho các tuyến U quốc gia khoảng 60-70% lực lượng. Mặc dù khá đông cầu thủ có gốc gác ở phía Bắc nhưng ít ra hệ thống đào tạo của làng cầu phía Nam vẫn còn tốt. Nhưng bây giờ thì gần như chỉ còn Bà Rịa - Vũng Tàu với học viện Juventus là duy trì hoạt động đào tạo tài năng, một loạt “lò” trẻ nổi tiếng như Đà Nẵng, Đồng Tháp, Gia Lai… đều dần mai một.
Không có cầu thủ được đào tạo tại chỗ sẽ rất khó làm bóng đá chuyên nghiệp lâu dài. Những cầu thủ giỏi có xu hướng chọn các đội bóng trả lương cao - hiện bóng đá phía Bắc rất mạnh ở điểm này. Ngay đội bóng hạng nhất là Ninh Bình cũng đủ tiềm lực để lôi kéo các tuyển thủ quốc gia như Nguyễn Hoàng Đức, Đặng Văn Lâm. Trong khi đó, phần lớn các đội miền Trung và miền Nam đều ở tình trạng “chạy ăn từng bữa”, không đủ tài chính để tham gia thị trường chuyển nhượng.
Sự sa sút của bóng đá miền Trung và miền Nam có thể không ảnh hưởng đến đội tuyển quốc gia nhưng chắc chắn tác động lớn đến niềm đam mê, phong trào bóng đá ở các địa phương. Minh chứng là bóng đá đồng bằng sông Cửu Long, từ khi không còn đội đá V-League, số lượng các đội ở giải hạng nhất, hạng nhì cũng giảm dần và còn thê thảm hơn ở các giải U.
Từ chỗ trong bán kính 100km có đến 5-6 đội bóng, đi đâu cũng gặp sân bóng đá, đến nay miền Tây không còn khả năng đào tạo cầu thủ, không tổ chức sự kiện bóng đá quốc gia nào, kể các giải U, suốt 10 năm qua. Trong khi một số tỉnh miền núi phía Bắc xây sân mới to đẹp, những sân bóng một thời lừng lẫy như Long Xuyên, Cần Thơ, Mỹ Tho, Vĩnh Long… cái thì chuẩn bị phá bỏ, cái thì xuống cấp chỉ giữ được mặt cỏ. Không còn bầu không khí đỉnh cao, phong trào bóng đá rồi cũng sẽ nhạt dần...