Choáng váng giá vàng: Nhà đầu tư có nên 'nhảy' vào?
Vàng, USD, bất động sản đều tăng, trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục đi xuống. Nhiều nhà đầu tư như 'ngồi trên chảo lửa'.
Vàng phi mã: kẻ cười người khóc
Thị trường tài chính những ngày gần đây chứng kiến sự “náo loạn” của kim loại quý màu vàng. Đỉnh điểm ngày 16/4, được xem là một ngày “chói lọi” của vàng khi tăng tới 8 triệu đồng mỗi lượng.
Bảng điện tử của các doanh nghiệp liên tục câp nhật, giá sau cao hơn giá trước. Mốc giá 116,5 triệu đồng nhanh chóng bị một số thương hiệu vàng “vượt mặt” lúc cuối giờ chiều. Thế nhưng chưa dừng lại ở đó, giá vàng ngày 17/4 lại tiếp tục tăng dựng đứng ngay khi mở cửa, với mức tăng tiếp từ 2,5 – 5 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư cân nhắc rủi ro khi “đu đỉnh” vàng.
Đến cuối giờ chiều, giá vàng đã lên tới 121 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, so với lúc kết phiên 31/12/2024, khi giá vàng miếng tại SJC đóng cửa ở mức 82,2-84,2 triệu đồng/lượng (bán ra), thì tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng hơn 36 triệu đồng/lượng, mức tăng lên tới hơn 40% chỉ trong vòng 3,5 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư “ôm” vàng từ đầu năm tới nay đã được hưởng lãi hơn 140%/năm – một mức lợi nhuận không tưởng, chưa từng diễn ra trên thị trường vàng.
Với những người “ôm” vàng, đây quả là cơ hội ngàn năm có một. Anh Trần Huy (Hà Nội) cho biết, từ nhiều năm nay, anh luôn giữ một thói quen không đổi là mỗi tháng nhận lương, anh lại trích tiền để mua 1 chỉ vàng. Đến bây giờ, “ống bơ” của anh có hơn 100 chiếc nhẫn vàng. Chưa kể, lúc giá vàng ở mức 74 triệu đồng/lượng, anh đã dồn tiền mua được 5 cây. Thậm chí, khi giá vàng lên 91 triệu đồng, anh đã trích 1/3 số tiền bán đất mua “đuổi” thêm 12 cây vàng. Với số vốn “dắt lưng” này, anh có thể yên tâm ngồi nhìn số tiền của mình mỗi ngày một sinh lợi.
Tuy nhiên, anh Huy chỉ là số ít, với nhiều người, việc giá vàng tăng đang là cú sốc lớn. Chị Thúy Liên, một nhà đầu tư chứng khoán cho biết vợ chồng chị tích cóp được 2 tỷ tiền nhàn rỗi. Số tiền này lúc đầu chị dự định sẽ đầu tư bất động sản, nhưng khi thấy giá đất tăng quá cao, 2 tỷ tiền mặt của chị còn không mua nổi nửa căn chung cư hạng thường, chị quyết định đầu tư 500 triệu đồng vào chứng khoán.
Số còn lại, chị dự kiến gửi tiết kiệm một nửa, còn một nửa sẽ mua vàng, theo lời khuyên của các chuyên gia là “bỏ trứng vào nhiều giỏ” để chia rủi ro. Thế nhưng, sau mấy ngày chen lấn xếp hàng mua vàng không được, chị nản nên đã từ bỏ. Thế rồi “vận đen” ập đến khi chứng khoán liên tục lao dốc vì những thông tin thuế quan của Mỹ, số tiền đầu tư chứng khoán của chị nhanh chóng “bay” mất 1/3. Trong khi chứng khoán “thất bát” thì giá vàng lại tăng phi mã khiến cho số tiền gửi tiết kiệm của chị ngày càng mất giá.
“Mấy ngày nay, cứ mở bảng điện tử nhìn giá vàng, ruột tôi nóng như có lửa đốt. Vàng thì không mua được, USD thì không được mua, bất động sản thì quá tầm với, chứng khoán giảm mạnh, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm ngày càng “hẻo”. Cứ đà này, với 2 tỷ tiền mặt, trước đây tôi cũng tự cho mình là “có của ăn của để”, nhưng giờ nguy cơ sẽ sớm bị nghèo hóa mất”, chị Thúy Liên lo lắng.
Mua vàng tăng nóng, coi chừng “bỏng tay”
Tâm lý fomo (sợ bỏ lỡ cơ hội) đang khiến nhiều người lo lắng khi thị trường tài chính liên tục biến động, đặc biệt là sự “khủng bố” của giá vàng. Không mua vào thì sợ bỏ lỡ cơ hội, mua vào thì sợ rủi ro. Vậy có nên mua vàng lúc này? Theo phân tích của chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng tăng vượt mọi dự báo, không có tiền lệ, chủ yếu xuất phát từ khủng hoảng thương mại toàn cầu, các nhà đầu tư ngày càng tìm nơi trú ẩn trong vàng. Giá vàng trong nước cũng trong xu hướng tăng, nhưng ngoài tác động từ giá vàng thế giới còn do nguồn cung khan hiếm.
Cùng với tâm lý mua trữ vàng của người Việt đã đẩy giá vàng lên cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá vàng “cao ngất ngưởng”, và còn có nhiều yếu tố đẩy giá, song các nhà đầu tư sẽ có giai đoạn chốt lời. "Giá vàng đang neo rất cao. Từ thời điểm này, việc chốt lời của nhà đầu tư có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đồng nghĩa với việc giá vàng có thể rơi bất cứ lúc nào", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm, chuyên gia đầu tư Phan Dũng Khánh dự báo giá vàng trong nước vẫn trong xu hướng tăng. Nỗi lo thương chiến là một phần hỗ trợ vàng tăng giá, nhưng nhà đầu tư lo lắng nhiều hơn là chiến tranh tiền tệ như Trung Quốc và nhiều nước khác phải liên tục hạ giá tiền tệ, thậm chí USD-Index đã giảm về dưới mức 100 điểm và nhiều đồng tiền khác cũng giảm nhanh hơn.
Trong bối cảnh giá vàng biến động khôn lường, ông Khánh khuyến nghị người có nhu cầu mua vàng cần hết sức cân nhắc, bởi việc mua với giá đỉnh sẽ khiến nguy cơ lỗ tăng cao. “Không có gì là tăng giá mãi mãi”, ông Khánh cảnh báo. Vị chuyên gia này cũng khuyên nhà đầu tư hãy mua bằng “tiền tươi thóc thật”, không dùng đòn bẩy tài chính, và với những người ưa an toàn thì nên chọn vàng miếng SJC bởi đó là thương hiệu vàng quốc gia, có vị thế hơn, có thể bán bất kỳ tại nơi nào kinh doanh vàng, còn vàng nhẫn thường vẫn chỉ “mua đâu bán đó”.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị người đã mua vàng ở vùng giá thấp, có thể giữ thêm một khoảng thời gian nữa, hoặc có thể mua thêm vàng với tỷ lệ nhỏ. Trường hợp người hoàn toàn chưa có vàng hoặc đã bán và muốn mua mới ở thời điểm này thì nên cân nhắc, bởi sẽ gặp rủi ro khá cao vì giá vàng đang ở đỉnh và có thể đi ngang hoặc giảm giá trong nhiều năm. Do đó, không nên dành tất cả tiền để mua vàng mà cần phân bổ vào những tài sản khác như gửi tiết kiệm, bất động sản, chứng khoán…
Một vấn đề đáng chú ý đó là hiện nay, lợi dụng tình trạng khan hiếm vàng và tâm lý muốn mua vàng bằng được của nhiều người, tình trạng gian lận mua bán vàng lại tái diễn. Trên những trang mạng, các đối tượng lập thành hội nhóm, sử dụng tài khoản ẩn danh đăng tin bán vàng với giá “sang tay” thường thấp hơn từ 1-3 triệu đồng/lượng so với giá các thương hiệu niêm yết. Đã có trường hợp 1 khách hàng ở Bắc Ninh mua vỉ vàng nhẫn tròn trơn có trọng lượng 1 chỉ, loại Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, với giá giao dịch rẻ hơn thị trường 70.000 đồng/chỉ song không nhận bất kỳ giấy tờ đảm bảo nào. Khi người này đến bán vàng thì mới phát hiện ra đây là vàng kém chất lượng và bị làm giả thương hiệu.
Đáng nói, ngoài việc giao dịch trên mạng, tình trạng mua bán vàng “chợ đen” còn diễn ra ngay tại các cửa hàng lớn. Trước thực tế này, các chuyên gia khuyến nghị người dân cần cẩn trọng hơn với hoạt động giao dịch kiểu này. Bởi công nghệ làm vàng giả, vàng nhái hiện rất tinh vi, khi mua, bán không kiểm tra kỹ dễ gặp rủi ro.