Cho ý kiến kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2024

Sáng 6/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương liên quan để nghe và cho ý kiến kế hoạch thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) năm 2024 và nạo vét lòng dẫn, bãi bồi sông Vệ đoạn qua xã Đức Lợi (Mộ Đức).

Thực hiện chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 191 sản phẩm đạt OCOP (17 sản phẩm 4 sao và 174 sản phẩm 3 sao) của 69 chủ thể, gồm: 13 doanh nghiệp, 12 HTX và 44 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh. Công tác xúc tiến thương mại, kết nối và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP được đẩy mạnh, cụ thể: Hơn 225 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; 130 sản phẩm OCOP của tỉnh lên Sàn giao dịch thương mại điện tử tại địa chỉ www.quangngaitrade.gov.vn; xây dựng 13 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó có 7 điểm xã hội hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 100 sản phẩm đạt OCOP từ 3 - 5 sao, trong đó có từ 4 - 6 sản phẩm đạt 4 sao, 1 - 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao cấp trung ương. Kinh phí thực hiện trên 5,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 1,4 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu, các sở, ngành, địa phương rà soát và đánh giá tiềm năng, giá trị, sức tiêu thụ của các sản phẩm OCOP hiện có. Qua đó, tập trung hỗ trợ những chủ thể đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất, xây dựng và cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc; nhất là các sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 4 sao cấp tỉnh và 5 sao cấp Trung ương, sản phẩm được thị trường tiêu thụ mạnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP trên những nền tảng xã hội, gắn với hình thành các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm OCOP. Công tác hỗ trợ chủ thể phải đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, có sự thống nhất trong quản lý nhà nước cũng như kinh phí thực hiện, nhằm phát huy sức mạnh và nâng cao hiệu quả, giá trị của sản phẩm OCOP.

Đối với nội dung nạo vét lòng dẫn, bãi bồi sông Vệ đoạn qua xã Đức Lợi (Mộ Đức), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với UBND huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá cụ thể, chi tiết tác động cũng như mức độ ảnh hưởng của việc nạo vét lòng dẫn, bãi bồi sông Vệ đến dòng chảy, môi trường cũng như hoạt động sản xuất của người dân; đồng thời làm rõ danh mục, khối lượng những loại vật liệu có thể được tận thu trong quá trình nạo vét.

Trên cơ sở đó xây dựng và lập sơ bộ các phương án, trình UBND tỉnh xem xét và cho ý kiến, trong đó lưu ý trình tự thực hiện hồ sơ, thủ tục phải đúng quy trình, quy định. Mục tiêu cao nhất của việc nạo vét khơi thông luồng lạch sông Vệ là đảm bảo tàu thuyền ra vào cửa Lở an toàn, thuận lợi, cũng như tăng khả năng tiêu thoát lũ phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

Tin, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/thoi-su/202403/cho-y-kien-ke-hoach-thuc-hien-chuong-trinh-ocop-nam-2024-0651c5e/
Zalo