Chờ 'sóng' báo cáo tài chính quý III đẩy VN-Index vượt qua mốc kháng cự mạnh
Dòng tiền của thị trường vẫn khá kém, biểu hiện qua thanh khoản và độ rộng duy trì ở vùng khá thấp. Dù vậy, các chuyên gia đều cho rằng thị trường vẫn đang hướng tới mốc 1.300 điểm và nhiều khả năng có thể chinh phục vùng kháng cự này.
Thị trường chứng khoán tuần 7-11/10 ghi nhận sắc xanh tích cực, tuy nhiên thanh khoản tiếp tục rơi vào tình trạng suy yếu khi giảm sút gần 20% so với tuần trước.
Thanh khoản hạn chế đà tăng
Chuyên gia lý giải hiện tượng này là do việc VN-Index tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng thận trọng trước mùa báo cáo tài chính quý III.
Theo chuyên gia phân tích Trần Đình Minh, với diễn biến như vậy, VN-Index chưa đủ điều kiện để chinh phục mốc 1.300 điểm nhanh chóng. Điều tiên quyết để thị trường tăng mạnh trong dài hạn chính là thanh khoản. Ví dụ như năm 2022 và các giai đoạn trước, yếu tố thanh khoản và điểm số thị trường tăng dài hạn luôn đi đôi với nhau.
Ông Minh cho biết, mốc 1.300 vừa là kháng cự về tâm lý nhưng cũng là khu vực kháng cự rất mạnh của chỉ số. Trên đồ thị tuần, nhà đầu tư có thể dễ nhận thấy chỉ số có 3 tuần thử thách với không dưới 4 lần nỗ lực vượt kháng cự nhưng chưa thành công.
Mặc dù dòng tiền chưa trở lại mạnh mẽ, nhưng sự luân chuyển đã tích cực hơn, nhiều mã, ngành tăng giá trong giai đoạn đón nhận thông tin kết quả kinh doanh quý III đang bắt đầu diễn ra.
Thực tế, thị trường đã có sự lan tỏa dòng tiền giữa các nhóm ngành, không chỉ tập trung vào cổ phiếu ngân hàng mà còn chảy vào các nhóm vốn hóa lớn như bất động sản, chứng khoán, thép, hàng hóa.
Điều nổi bật là một vài cổ phiếu nhóm bất động sản và hàng hóa như PDR, DXG, GMD, VHC… đã không thủng đáy mà có những phiên hồi phục khá tích cực. Đây là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ VN-Index có thể vượt mốc 1.300 điểm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng sự kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý III sẽ giúp nhiều cổ phiếu luân phiên nhau tăng bất chấp biến động của VN-Index.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco, về mặt thông tin hỗ trợ, việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bước vào chu kỳ hạ lãi suất giúp tăng thêm dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam, cộng hưởng cùng dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý III/2024 của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục duy trì trạng thái tích cực, là các động lực quan trọng giúp chỉ số hồi phục tốt từ ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
“Với quy mô thanh khoản của thị trường đang có dấu hiệu cải thiện trong thời gian gần đây cùng nền kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước tích cực, xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn sẽ được bảo toàn”, ông Khoa phân tích.
Lợi nhuận quý III nhiều khả quan
Hiện tại, giới phân tích đang kỳ vọng bức tranh lợi nhuận toàn thị trường quý III sẽ duy trì tích cực, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng của nền kinh tế trong quý vừa qua và mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái. Nếu kết quả kinh doanh quý III/2024 của nhiều doanh nghiệp tích cực thì đó có thể sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường tăng điểm.
“Dựa trên số liệu kinh tế trong tháng 7 và tháng 8, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng về một mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III khả quan”, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho hay.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, động lực tăng trưởng lợi nhuận quý III năm nay tới từ hoạt động thương mại quốc tế có nhiều khởi sắc, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp tiết kiệm chi phí lãi vay, nguồn vốn tăng cao ở quy mô thị trường so với cùng kỳ tạo cơ sở cải thiện năng lực hoạt động và công suất sản xuất.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MB (MBS) dự phóng, trong quý III/2024, lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức tăng trưởng 19,5% so với cùng kỳ.
Danh sách 54 doanh nghiệp được MBS theo dõi cho thấy nhiều doanh nghiệp được dự phóng tăng trưởng lợi nhuận đột biến như Thế giới Di động (MWG), Dabaco (DBC), PVS, Đô thị Kinh Bắc (KBC), Đầu tư và phát triển công nghiệp (BCM), VRG (GVR), Đầu tư Nam Long (NLG), Thép Nam Kim (NKG), Đạm Cà Mau (DCM), Dầu khí Nhơn Trạch (NT2), PC1 Group (PC1), Vietjet (VJC), Vietnam Airlines (HVN). Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp dự báo có lợi nhuận tăng trưởng âm trong quý này, điển hình như Cảng hàng không ACV (ACV), Gelex (GEX), Hoa Sen Group (HSG), Nhà Khang Điền (KDH), Đất Xanh Group (DXG), Phát Đạt (PDR), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), VIB, OCB.
Ngân hàng là nhóm được chuyên gia MBS kỳ vọng tiếp tục tăng lợi nhuận tích cực trong quý III. Trong đó, Eximbank (EIB) dự kiến có thể đạt mức tăng trưởng 70% nhờ mức nền so sánh thấp; HDBank (HDB) và LPBank (LPB) dự phóng ghi nhận lợi nhuận tăng lần lượt 44% và 41% so với cùng kỳ. Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm chi phối, Vietinbank (CTG) và BIDV (BID) được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 40% và 20% so với cùng kỳ.
Nhìn tổng quan bức tranh kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp niêm yết, ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Kim Group cho rằng, nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng trong quý này. Tuy vậy, ngay trong nhóm này, có thể chia thành 2 nhóm.
Nhóm đầu tiên là các doanh nghiệp tăng trưởng do nền quý III năm ngoái thấp, tiêu biểu là ngành bán lẻ, với đại diện là Digiworld (DGW), Thế giới Di động. Hay như nhóm phân bón, mà tiêu biểu là Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ (DPM) dự kiến báo lãi quý III tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ do nền so sánh năm ngoái thấp, giá phân bón phục hồi thời gian qua và dự kiến tiếp tục đi lên trong quý IV/2024. Nhóm dệt may cũng có khả năng tiếp tục hồi phục so với nền thấp cùng kỳ năm trước, tiêu biểu là Dệt may TNG (TNG), Dệt may Thành Công (TCM)…
Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng trên mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái. Tiêu biểu là nhóm ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng tập trung cho vay doanh nghiệp sẽ có sự tăng trưởng mạnh như HDBank, LPBank, Techcombank (TCB)… Nhóm bất động sản khu công nghiệp, với các cổ phiếu tiêu biểu như SVRG Corp (SIP), Idico (IDC)… sẽ có sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.