Cho rằng ĐT Việt Nam thắng nhờ cầu thủ nhập tịch, vậy ĐT Thái Lan thì sao?

Cầu thủ Nguyễn Xuân Son đã ghi cả hai bàn thắng trong trận Chung kết lượt đi AFF Cup 2024, giúp ĐT Việt Nam giành chiến thắng quan trọng. Sau trận đấu, người hâm mộ ĐT Thái Lan nhận xét rằng ĐT Việt Nam dựa vào cầu thủ nhập tịch nên mới vượt được ĐT Thái Lan. Vậy thực ra ĐT Thái Lan có cầu thủ nhập tịch không, ít nhất là ở AFF Cup năm nay?

Trận Chung kết lượt đi AFF Cup 2024 đã khép lại với tỷ số 2-1 nghiêng về phía ĐT Việt Nam. Kết quả này chắc chắn khiến các cầu thủ ĐT Việt Nam tự tin hơn rất nhiều khi làm khách trên sân nhà của ĐT Thái Lan vào Chủ Nhật tới, 5/1.

Rafaelson Nguyễn Xuân Son là cầu thủ ghi cả hai bàn thắng cho ĐT Việt Nam. Cho nên, cũng không khó hiểu khi mà sau thất bại, cổ động viên ĐT Thái Lan bình luận rằng ĐT Việt Nam phải nhờ đến một cầu thủ nhập tịch mới có thể vượt qua ĐT Thái Lan.

Ngay cả HLV Masatada Ishii của ĐT Thái Lan cũng nói, việc ĐT Việt Nam có hay không có Nguyễn Xuân Son là cả một sự khác biệt.

Nguyễn Xuân Son đang là ngôi sao sáng trong đội hình ĐT Việt Nam. Ảnh: Trọng Tài/ TPO.

Nguyễn Xuân Son đang là ngôi sao sáng trong đội hình ĐT Việt Nam. Ảnh: Trọng Tài/ TPO.

Vậy ĐT Thái Lan có cầu thủ nhập tịch không?

Một số trang thể thao của nước ta viết rằng ĐT Thái Lan không thiếu cầu thủ nhập tịch. Khán giả nếu đọc tên một số cầu thủ trong đội hình ĐT Thái Lan cũng sẽ thấy không phải là những cái tên thuần Thái, chẳng hạn Patrik Gustavsson, Ben Davis, William Weidersjö...

Theo trang Seasiagoal, ở AFF Cup 2024, còn có những cái tên “không thuần Thái” khác là Jonathan Khemdee, James Beresford, Nicholas Mickelson.

Tuy nhiên, cả 6 cầu thủ trên đều có bố hoặc mẹ là người Thái hoặc gốc Thái, dù họ có thể sinh ra ở nước ngoài. Lâu nay, CĐV Thái Lan thường tự hào về việc ĐT Thái Lan dựa vào các cầu thủ phát triển trong nước hoặc có nguồn gốc Thái.

Các cầu thủ này thực ra đều có gốc Thái Lan. Ảnh: Seasiagoal.

Các cầu thủ này thực ra đều có gốc Thái Lan. Ảnh: Seasiagoal.

Theo trang Mainstand của Thái Lan thì một lý do khiến ĐT Thái Lan không có cầu thủ nhập tịch (mà không có nguồn gốc Thái Lan) là do luật hiện tại của Thái khiến việc nhập tịch như vậy là cực kỳ khó khăn. Để thay đổi quốc tịch, cầu thủ phải đáp ứng nhiều điều kiện, bao gồm những yếu tố như huyết thống, nơi sinh hoặc hôn nhân và nhiều yếu tố khác.

Tuy nhiên, việc nhập tịch cầu thủ để họ thi đấu cho ĐTQG đang trở nên ngày càng phổ biến, nhất là ở châu Á, để ĐTQG có những thành công nhất định trong khi vẫn phát triển cầu thủ nội địa. Từ những năm 1990, Nhật Bản đã là nước châu Á đầu tiên nhập tịch các cầu thủ từ Brazil để họ thi đấu cho ĐTQG. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn đào tạo cầu thủ trong nước và giờ thì họ đang là đội tuyển số 1 châu Á, theo bảng xếp hạng FIFA.

Việc nhập tịch cầu thủ để họ thi đấu cho ĐTQG là một xu hướng ở châu Á. Ảnh: TPO.

Việc nhập tịch cầu thủ để họ thi đấu cho ĐTQG là một xu hướng ở châu Á. Ảnh: TPO.

Vậy nên việc có cầu thủ nhập tịch trong đội hình ĐTQG là điều rất bình thường, đặc biệt là khi cầu thủ đó, ngoài đáp ứng các quy định theo đúng luật, còn yêu mến và gắn bó với đất nước mình đang sống như trường hợp của Nguyễn Xuân Son của ĐT Việt Nam.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/cho-rang-dt-viet-nam-thang-nho-cau-thu-nhap-tich-vay-dt-thai-lan-thi-sao-post1706506.tpo
Zalo