Chợ quê mùa nước nổi
Mùa nước nổi về không chỉ mang phù sa bồi đắp cho đồng ruộng tốt tươi, mà còn đem theo biết bao sản vật từ thiên nhiên, như: Cá, tôm, cua, ốc, rau đồng… Thế nên, mùa nước nổi còn là mùa làm ăn, mùa sinh lợi. Người dân có nhiều cách khai thác nguồn lợi thủy sản, đưa về buổi chợ quê bình dị.
Chợ cá Tha La ở ấp Cây Châm (TP. Châu Đốc) được nhiều người biết đến với tên gọi “chợ âm phủ,” “chợ ma”, vì hoạt động về đêm (khoảng 3 giờ đến gần 6 giờ sáng). Cá, tôm của người dân sau một đêm giăng câu, thả lưới mang ra bán cho mối lái để cung cấp ra các chợ trong, ngoài tỉnh. Nơi đây còn bán nhiều sản vật khác của mùa lũ, như: Cua, ốc, rau muống đồng, bông súng ma (bông súng đồng), bông điên điển, rau nhút…
Chợ Kênh Ruột là điểm tập kết cá mùa lũ nhộn nhịp bậc nhất của huyện đầu nguồn An Phú. Chợ được nhóm họp ngay trên khu vực đồng nước mênh mông của xã Phú Hội, tạo nên nét đặc trưng miền Tây. Nhiều người khấm khá lên cũng nhờ phiên chợ đặc biệt này.
Cầm trên tay hơn 1,2 triệu đồng tiền bán 20kg cá lóc, cá rô đồng, cá linh và một mớ tôm sông - thành quả sau 1 đêm dầm mình dưới nước đặt lú, anh Hái (xã Nhơn Hội) chia sẻ: “Mấy năm nay lũ thất thường, nên năm nào lũ lớn là phải tranh thủ làm ăn. Nhờ “bà cậu” nên tôi có thu nhập lai rai trong mấy tháng lũ. Cái chợ trên sông này giúp tôi có tiền lo cho gia đình, nuôi con ăn học…”.
Trên bờ, ngoài chợ trung tâm xã, hầu như xã nào cũng có 2 - 3 nhóm họp chợ vãng lai, những thau cá đồng được người dân bày bán ngay trước nhà. Ngoài ra, còn có xe đẩy chất đầy thịt, cá, rau củ quả… như “chợ di động”. Người dân không cần đi đâu xa, vẫn có thể mua được thức ăn tươi ngon cho bữa cơm hàng ngày.
Sáng sớm, tôi ghé chợ biên giới Vĩnh Hội Đông để cảm nhận không khí nhộn nhịp của phiên chợ mùa lũ. Con cua đồng còn sống, con cá còn giãy đành đạch, bó rau đồng non múp tươi ngon… Đon đả giới thiệu mâm cá linh đang nhảy xoi xói của mình, chị Thu xởi lởi: “Mua cá linh về kho lạt, nấu lẩu mắm anh ơi. Cá này bao ngon luôn. Nướng chấm mắm me hay kho mía thì cũng ngon hết ý”. Thấy đàn ông đi chợ, chị Thu còn nhiệt tình bày cho cách chế biến mấy món ăn… Người miền Tây là vậy, họ rất nhiệt tình, mến khách!
“Đầu mùa lũ nhiều cá, còn khi lũ nhiều thì cá ít, do cá di chuyển khắp đồng trống. Ít hôm nữa là tới mùa cá ra sông, lúc đó nước trên đồng rút xuống nên cá nhiều lắm. Đây là đợt khai thác cuối cùng của mùa lũ, bà con tranh thủ kiếm thêm thu nhập” - anh Hữu (xã Phú Hữu) cho biết.
Chị Dệt, chủ vựa cua đồng có tiếng ở xã Phú Hội cho biết, cơ sở thu mua mỗi ngày khoảng 3 tấn cua đồng. Cua đồng loại ngon giá khoảng 25.000 đồng/kg, bằng mọi năm. Mấy anh thanh niên vác bao cua đổ ra khay để lựa, chị em phụ nữ thì ngồi phân loại, xé cua… “Cua được phân ra 3 loại: Loại xé (bóc bỏ phần mai, yếm), loại bán ra các tỉnh xa và cua bán tại chợ. Cua ngày càng ít dần, bà con đặt lọp cua bỏ nghề đi làm ăn nơi khác. Chỉ còn số ít bám trụ, thu hoạch cầm chừng” - chị Dệt chia sẻ.
Mùa này về vùng đầu nguồn, chỉ vài chục ngàn đồng là có ngay bữa ăn ngon lành, nồi canh chua cá linh với vài món mặn, món xào… đậm đà hương vị miền Tây sông nước. Cá, tôm, rau đồng… được bán với giá rất bình dân. Nhưng đây lại là “đặc sản” cho người thành phố muốn tìm về với đồng ruộng, thiên nhiên! Còn gì sung sướng bằng khi được thiên nhiên ban tặng đặc sản “sạch”. Ngoài cá linh, còn có vô vàn món ngon từ sản vật mùa lũ, như: Lươn, rắn, ốc, ếch, cua đồng… được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, say lòng thực khách.
Cũng là những phiên chợ, nhưng không ồn ào như cảnh chợ búa nơi phố thị bon chen, chợ quê mùa nước nổi man mác chút “hương đồng, gió nội”, vẫn giữ được cái chân chất “hồn quê” trong câu mời chào, trả giá thuận mua, vừa bán. Nếu như ở chốn đô thành, nhịp sống luôn gấp gáp, thì bà con vùng thôn quê vẫn cứ bình lặng, lai rai. Chợ quê là một phần của lịch sử, văn hóa của những ngôi làng, nơi mà người con xa quê đều muốn tìm đến để gặp lại miền ký ức thuở nào. Để rồi, nét đẹp bình dị ấy sẽ bừng dậy các giác quan, ký ức về chợ quê là hình ảnh thân thương khó phai nhòa…