Chợ Ninh Hiệp bán hàng giả nhiều năm, đoàn kiểm tra tới thì đồng loạt đóng cửa

Tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến người tiêu dùng là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Sáng 23-5, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) nêu thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bán tràn lan. Điển hình là các vụ việc về sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả bị phát hiện thời gian qua.

Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương. Ảnh: Phạm Thắng

Theo bà Thái Thu Xương, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, được biết chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) bán hàng giả, hàng nhái suốt nhiều năm. Tuy nhiên, gần đây khi có các đoàn kiểm tra tới thì cả chợ đồng loạt đóng cửa.

Vị đại biểu đoàn Hậu Giang đặt vấn đề vai trò của cơ quan quản lý thị trường như thế nào khi cả khu chợ bán công khai hàng giả, hàng nhái như vậy. Bà Thái Thu Xương đề nghị cần tăng cường kiểm tra, tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan được giao nhiệm vụ để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) bày tỏ lo ngại về tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay.

Theo ông, tình trạng này gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính; ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin đối với môi trường kinh doanh số.

Đại biểu Tuấn đã phân tích TMĐT mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong hoạt động kinh doanh thời gian qua. Với tốc độ tăng trưởng TMĐT nhanh nhất Đông Nam Á, là kênh bán hàng dễ dàng tiếp cận trực tiếp cùng lúc với nhiều người tiêu dùng mà không cần phải đầu tư cửa hàng.

Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT vẫn ở mức cao, đặc biệt trong các ngành hàng như thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng….

"Có nhiều doanh nghiệp bức xúc kêu rằng, họ liên tục bị làm giả thương hiệu và sản phẩm trên sàn TMĐT Shopee, Tiktok Shop. Thậm chí, có tình trạng gian thương lợi dụng khuyến mãi để tiêu thụ hàng kém chất lượng"- ông Tuấn nói và cho biết có rất nhiều hàng hóa nhập khẩu giá rẻ bán online tràn vào Việt Nam.

Mặt khác, theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương, năm 2024 vừa qua lượng khách hàng mua trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống giảm hơn 30% tại các đô thị lớn. Các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa nhỏ dần mất khách vì không có chương trình khuyến mãi linh hoạt như TMĐT. Tình trạng ế ẩm tại các chợ truyền thống xảy ra ở các chợ lớn như An Đông, Tân Bình (TP HCM).

Đối với người tiêu dùng, khi mua phải hàng nhái, không được bảo vệ quyền lợi đầy đủ, dẫn đến tâm lý nghi ngờ, dè dặt với mua sắm online. Do vậy, theo ông Tuấn, nếu không siết chặt quản lý, môi trường TMĐT sẽ mất dần tính minh bạch, bền vững và ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất trong nước

Trước thực trạng đó, vị đại biểu đoàn Trà Vinh đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành quy định với các nội dung chặt chẽ hơn như "bắt buộc các sàn TMĐT phải xác thực danh tính người bán" bằng mã số thuế, căn cước công dân và chịu trách nhiệm liên đới nếu để hàng giả tồn tại quá 24 giờ sau khi có cảnh báo.

Bên cạnh đó, cần có hình thức xử lý mức phạt cao đối với các sàn TMĐT cố tình cho tồn tại các gian hàng có hàng hóa vi phạm, nhưng gian hàng đó vẫn tồn tại bằng vỏ bọc mới.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Chính phủ thí điểm bộ cơ chế kiểm soát hàng giả online tại 3 ngành hàng trọng điểm gồm mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm chức năng trong năm 2025, áp dụng trên các sàn TMĐT lớn như Tiki, Shopee, Tiktok Shop. Sau đó, tổng kết để áp dụng đại trà từ năm 2026 trở đi.

Minh Chiến - Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cho-ninh-hiep-ban-hang-gia-nhieu-nam-doan-kiem-tra-toi-thi-dong-loat-dong-cua-196250523111154194.htm
Zalo