Dịp Tết Nguyên đán truyền thống, trong gia đình người Việt dù giàu hay nghèo đều có cặp bánh chưng cúng gia tiên. Bánh chưng luôn được đặt vị trí trang trọng trên bàn thờ trong 3 ngày Tết. Mâm cơm ngày Tết cũng không thể thiếu đĩa bánh chưng xanh màu lá dong.
Vào những ngày cận Tết gần như chợ nào cũng bán lá dong gói bánh chưng. Nhưng chợ lá dong góc phố trước cửa ga Trần Quý Cáp lại có nét riêng, lá dong được bán quanh năm.
Những ngày giáp Tết, khu chợ tấp nập, nhộn nhịp khi người dân đổ về đây để mua lá dong, lạt gói bánh.
Cùng với những nguyên liệu đỗ xanh, gạo nếp thì lá dong, lạt là những thành phần nguyên liệu không thể thiếu để gói bánh chưng. Vào những ngày cận Tết cổ truyền khu chợ này luôn tấp nập kẻ bán, người mua.
Lá gói bánh chưng ở chợ phố ga Trần Quý Cáp chủ yếu là lá dong rừng từ Bắc Hà (Lào Cai).
Theo những người bán, lá dong rừng gói bánh chưng luộc rền khi bóc bánh cho màu xanh đẹp mắt không nhạt màu như lá dong trồng.
Chợ lá dong gói bánh chưng ở khu vực phố ga Trần Quý Cáp từ thời bao cấp là một hình ảnh quen thuộc, gắn liền với không khí Tết truyền thống của người Hà Nội.
Các sạp hàng bày bán từng bó lá dong xanh mướt, lạt giang buộc bánh được chẻ mỏng. Người mua, người bán rộn ràng, từ những gia đình truyền thống cho đến các tiểu thương đến lấy hàng về bán lại.
Người bán khéo léo lựa chọn từng chiếc lá đẹp, dày dặn, không rách, cắt bỏ cuống để gói những chiếc bánh vuông vắn.
Bà Nguyễn Thị Mùi một tiểu thương bán lá dong vốn là một nhân viên ngành đường sắt cho biết: "Nhà tôi ngay phố Nguyễn Như Đổ, gia đình đông người khó khăn nên bán lá dong để có thêm thu nhập. Buôn bán đến nay cũng đã hơn 20 năm rồi. Còn chợ lá dong phố ga Trần Quý Cáp có từ thời bao cấp, lá dong rừng theo tàu từ Lào Cai về đây buôn bán ngay trước cửa ga hình thành nên chợ lá dong lâu đời nơi đây.
"Tết năm nay, giá lá dong cũng như năm ngoái 120.000 đồng/ trăm lá. Dù cuộc sống hiện đại bận rộn, nhiều người chọn đặt mua bánh chưng sẵn, nhưng cũng không ít gia đình vẫn giữ thói quen đến chợ phố ga để chọn lá tự tay gói bánh theo nét cổ truyền Tết Nguyên đán" - bà Mùi nói.
Đ.Hưng/VOV.VN