Chờ 'đơn hàng' đào tạo nhân lực hàng không

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần tới trên 13 ngàn lao động khi đi vào hoạt động từ năm 2026, thế nhưng đến nay phần lớn các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhận được 'đơn hàng' đào tạo nào. Với tính trạng 'đói đơn hàng' đào tạo nhân lực hàng không như hiện nay, liệu khi sân bay đi vào hoạt động, người lao động tại Đồng Nai có thực sự được ưu tiên bố trí vào làm việc tại dự án này?

Lãnh đạo Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) tham quan điều kiện cơ sở vật chất đào tạo ngành hàng không tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Ảnh: C.Nghĩa

Lãnh đạo Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) tham quan điều kiện cơ sở vật chất đào tạo ngành hàng không tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Ảnh: C.Nghĩa

Đến nay, chỉ duy nhất Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) là cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đã nhận được “đơn hàng” đào tạo nhân lực hàng không. Trường không chỉ hợp tác với một đơn vị, mà tới 3 đơn vị là: Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) và Hãng hàng không Vietjet Air.

Hiện đã có một số ngành đào tạo liên quan đến hàng không đã được Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 và các đơn vị ký kết tiến hành tuyển sinh, đào tạo như: bảo trì thiết bị cơ điện - cơ khí, cơ điện tử, logistics lĩnh vực hàng không, phục vụ cảng hàng không. Nhiều sinh viên trúng tuyển vào các ngành đào tạo tại trường tỏ ra tin tưởng vào đầu ra nhờ quy trình hợp tác đào tạo của nhà trường với các đơn vị hàng không uy tín.

Tuy nhiên, thực tế phần lớn các trường còn lại mới chỉ được mời nghe về con số nhân lực sẽ cần dùng khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động mà chưa có thêm thông tin về các nhân lực cụ thể ra sao. Hay làm thế nào để có thể trở thành đối tác hợp tác đào tạo và cung cấp nhân lực cho dự án sân bay lớn nhất Việt Nam này.

Theo đại diện một số trường đại học, cao đẳng, để mở ngành đào tạo hàng không sẽ phải đáp ứng nhiều thủ tục, giấy phép. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, trang thiết bị phục vụ đào tạo… Hơn nữa, lĩnh vực đào tạo nhân lực hàng không khá rộng nên các trường cần có sự hợp tác với đơn vị sử dụng nhân lực hàng không thì mới xác định được ngành đào tạo cụ thể và các bước đầu tư ra sao cả về con người lẫn cơ sở vật chất.

Thành Nam

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202410/cho-don-hang-dao-tao-nhan-luc-hang-khong-d12089c/
Zalo