Cho đi là còn mãi

Nhiều cuộc đời bất hạnh, gặp nghịch cảnh, éo le trong cuộc sống đã được hỗ trợ, vươn lên từ sự đóng góp tích cực của những người làm công tác thiện nguyện. Qua việc làm của mình, họ đã lan tỏa những giá trị đẹp với thông điệp 'cho đi là còn mãi'.

Sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ

Hơn 10 năm làm công tác thiện nguyện, anh Trần Lương Thăng (47 tuổi), ở Khu phố 1, phường Đông Lương, TP. Đông Hà không nhớ hết bao nhiêu địa chỉ mà mình đã kết nối với các tổ chức, cá nhân hảo tâm để hỗ trợ. Anh Thăng tâm sự, cách đây 10 năm, gia đình anh gặp biến cố lớn, vợ anh qua đời vì bạo bệnh, để lại cho anh hai đứa con thơ. Sau biến cố, anh cảm thấy cuộc sống quá vô thường và tìm đến công việc thiện nguyện để vơi đi niềm đau, đồng thời mong muốn phát tâm, mang đến niềm vui cho những người gặp nghịch cảnh như mình.

Các thành viên Hội Thiện nguyện thành phố Đông Hà thực hiện chương trình “Đông ấm vùng cao” năm 2024 tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa -Ảnh: NVCC

Các thành viên Hội Thiện nguyện thành phố Đông Hà thực hiện chương trình “Đông ấm vùng cao” năm 2024 tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa -Ảnh: NVCC

Với công việc thường ngày là tài xế xe dịch vụ, anh đã thực hiện miễn phí các chuyến xe chở hàng cứu trợ đến vùng sâu, vùng xa, những nơi gặp thiên tai, đồng thời thực hiện chuyến xe 0 đồng đưa bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đi về bệnh viện.

Trong hành trình chuyến xe 0 đồng, anh Thăng vẫn không quên được hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Liên (hơn 60 tuổi), ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh. Bà Liên bị bệnh u sợi thần kinh bẩm sinh từ nhỏ, toàn thân nổi sần cục, bọng thịt che đi đôi mắt. Hằng năm, anh Thăng đều đặn chở bà Liên vào Bệnh viện Trung ương Huế để phẫu thuật vùng mắt mới có thể mở mắt, nhìn cảnh vật xung quanh. Cảm thông với hoàn cảnh của bà Liên, anh Thăng vẫn duy trì chuyến xe 0 đồng đến nay.

Từ chuyến xe 0 đồng, nhiều nhà hảo tâm đã kết nối với anh Thăng để hỗ trợ tiền xăng xe và hỗ trợ trực tiếp những hoàn cảnh được anh giúp đỡ. Từ đó, anh Thăng đã kết nối với nhiều nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài hỗ trợ hàng trăm trường hợp gặp nghịch cảnh như bệnh tật hiểm nghèo, học sinh mồ côi, tai nạn, rủi ro trong cuộc sống.

Chỉ trong tháng 12/2024, anh Thăng kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 10 địa chỉ, trong số đó phải kể đến trường hợp của chị Ngô Thị Hồng Thủy (48 tuổi), ở thôn Thuận Chánh An, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng. Chồng chị Thủy mất khi đứa con đầu lòng mới được 9 tháng tuổi, một mình chị gồng gánh nuôi con khiến chị kiệt sức, nhất là khi con trai Ngô Quốc Thịnh (sinh năm 2011) vào lớp 1.

Chị Thủy đã bảy năm mắc bệnh ung thư tủy sống khiến cuộc sống thêm khó khăn, cháu Thịnh nhiều lần phải tính chuyện bỏ học để chăm mẹ. Qua kết nối của anh Thăng, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ gia đình chị Thủy số tiền gần 60 triệu đồng để giúp chị chữa bệnh, cháu Thịnh tiếp tục được đến trường.

Ngoài kết nối, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, anh Thăng còn đứng ra kêu gọi, vận động hỗ trợ các em nhỏ tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa; cứu trợ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm cứu nạn...

Đặc biệt, hiện nay, anh Thăng đã kết nối hỗ trợ chi phí học tập cho 6 trường hợp là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến khi trưởng thành. Cống hiến là thế nhưng anh Thăng chỉ khiêm tốn nói: “Công lớn là tấm lòng của các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Họ mới là người hỗ trợ trực tiếp cho các hoàn cảnh khó khăn, đồng thời là nguồn động lực để mình tiếp tục hành trình thiện nguyện”.

Chắp cánh ước mơ

Cuối năm 2024, Hội Thiện nguyện thành phố Đông Hà kỷ niệm 10 năm thành lập. Hội có 20 thành viên là các bạn trẻ, phần lớn tuổi đời trên dưới 30. Các thành viên đều kinh doanh nhỏ, lao động tự do nhưng có tấm lòng bao dung, muốn chia sẻ khó khăn với cộng đồng.

Chị Trần Thị Thùy Linh (31 tuổi), hội trưởng chia sẻ: “Hội Thiện nguyện thành phố Đông Hà được thành lập ban đầu chỉ với mục đích quyên góp kinh phí trong hội viên để nấu cháo cấp phát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thấy việc làm ý nghĩa, nhiều người đã ủng hộ kinh phí để thực hiện thêm nhiều chương trình ý nghĩa khác”.

Anh Trần Lương Thăng (người ngồi ở giữa) cùng các nhà hảo tâm trao tiền hỗ trợ gia đình chị Ngô Thị Hồng Thủy, ở thôn Thuận Chánh An, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng -Ảnh: NVCC

Anh Trần Lương Thăng (người ngồi ở giữa) cùng các nhà hảo tâm trao tiền hỗ trợ gia đình chị Ngô Thị Hồng Thủy, ở thôn Thuận Chánh An, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng -Ảnh: NVCC

Theo chị Linh, hiện nay Hội Thiện nguyện thành phố Đông Hà đang thực hiện đều đặn 4 hoạt động chính gồm: “Nồi cháo tình thương”, “Đông ấm vùng cao”, “Vui tết Trung thu” và “Tết vì người nghèo”. “Nồi cháo tình thương” ban đầu các thành viên trong nhóm đóng góp từ 50 - 100 nghìn đồng/người để nấu khoảng 100 suất cháo, cấp phát cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến nay, hoạt động này được duy trì đều đặn mỗi tháng 2 lần, mỗi lần nấu và cấp phát từ 500 - 600 suất cháo miễn phí.

Đối với chương trình “Đông ấm vùng cao” và “Vui tết Trung thu” được thực hiện mỗi năm một lần ở hầu hết các bản làng hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Mỗi chương trình kêu gọi, vận động từ 40 - 50 triệu đồng, hỗ trợ nhu yếu phẩm, áo quần, dụng cụ học tập... cho các gia đình, học sinh vùng cao có hoàn cảnh khó khăn. Anh Lê Thọ Minh (32 tuổi), thành viên Hội Thiện nguyện thành phố Đông Hà cho biết, nguồn lực để thực hiện các chương trình thông qua nền tảng mạng xã hội để vận động quyên góp, người nhiều 1 triệu đồng, người ít 100 - 200 nghìn đồng để tạo quỹ thực hiện.

Ngoài các chương trình kể trên, những năm trở lại đây, Hội Thiện nguyện thành phố Đông Hà còn thực hiện chương trình “Tết vì người nghèo”, mỗi năm hỗ trợ cho khoảng 50 trường hợp trên địa bàn TP. Đông Hà, mỗi suất trị giá từ 400 - 500 nghìn đồng.

Đặc biệt, hội đã tích cực vận động, kêu gọi hỗ trợ những trường hợp không may gặp nghịch cảnh, khó khăn đột xuất. Từ khi thực hiện hoạt động này, hội đã kêu gọi hỗ trợ cho khoảng 10 trường hợp. Trường hợp mới nhất là cháu H.V.D. (13 tuổi), ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa hoàn cảnh khó khăn, cha mất sớm.

Ngày 21/9/2024, cháu không may bị tai nạn nghiêm trọng dẫn đến bị suy đa tạng, chấn thương gan độ IV, phải lọc máu, gia đình không có điều kiện chạy chữa. Nhận thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Hội Thiện nguyện thành phố Đông Hà đã kêu gọi kinh phí hỗ trợ gia đình hơn 23 triệu đồng.

Có mặt ngay khi người đi đường cần

Hoạt động của nhóm S.O.S Đông Hà là một câu chuyện làm lay động lòng người, bởi công việc của họ lắm nỗi vất vả, đòi hỏi sự tận tụy hết mình. Anh Nguyễn Hoài Nghĩa (38 tuổi), ở Khu phố 4, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà là nhóm trưởng nhóm S.O.S Đông Hà cho biết, công việc chính của nhóm là hỗ trợ những người đi mô tô, xe máy vào đêm khuya khi xe bị hỏng, giúp họ về nhà an toàn.

Đây là công việc khá đặc thù và “không giống ai”, vì vậy rất ít tình nguyện viên muốn tham gia. Nhóm được thành lập từ tháng 7/2022 với 5 thành viên, trong đó ngoài 4 thành viên trẻ tuổi gồm Nguyễn Hoài Nghĩa, Nguyễn Tuấn và 2 anh em ruột: Võ Quang Hoàn, Võ Quang Trung còn có 1 thành viên đã ngoài 60 tuổi là bác Trần Ngọc Thuận.

Thành viên nhóm S.0.S Đông Hà hỗ trợ một học sinh bị hư xe máy trên đường về nhà -Ảnh: NVCC

Thành viên nhóm S.0.S Đông Hà hỗ trợ một học sinh bị hư xe máy trên đường về nhà -Ảnh: NVCC

Công việc của nhóm là hỗ trợ sửa chữa mô tô, xe máy bị hư hỏng nhẹ, đồng thời thay săm, IC, buji, tặng xăng miễn phí; hỗ trợ mua lốp với giá gốc; trường hợp xe bị hư hỏng nặng thì giúp đẩy xe về nhà hoặc cất giữ xe và giúp người đi đường về nhà an toàn. Nhiều nhà hảo tâm thấy công việc của nhóm có ích cho cộng đồng đã hỗ trợ kinh phí để nhóm mua sắm thêm đồ nghề, trang thiết bị; một số trường hợp được hỗ trợ sửa xe trước đó cũng chung tay hỗ trợ kinh phí.

Đặc biệt, mới đây có hai nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho nhóm 5 bộ đồ nghề, 1 bình điện, 50 cái săm... để giúp nhóm hoạt động tốt hơn. Thời gian hoạt động của nhóm từ 19 giờ - 24 giờ, địa bàn hoạt động chủ yếu ở TP. Đông Hà và các vùng giáp ranh thành phố. Hoạt động hỗ trợ thông qua đường dây nóng của nhóm gồm các số điện thoại 0844.499.799 và 0946.956.369. “Có khi đang chở vợ con đi chơi, nghe máy liền đến hỗ trợ, chồng ngồi sửa xe, vợ và con ngồi đợi là chuyện bình thường”, anh Võ Quang Hoàn vui vẻ kể.

Từ khi thành lập đến nay, nhóm S.O.S Đông Hà đã hỗ trợ hàng trăm trường hợp xe bị hư hỏng dọc đường trong đêm tối. Có khi là một anh shipper đang đi giao hàng, một cháu gái trên đường đi học trở về nhà, một người lái xe ôm đang chở khách, một người khách ở tỉnh xa di chuyển đường dài qua địa bàn thành phố... “Điều đáng quý là hầu hết các thành viên trong nhóm đều chật vật mưu sinh. Ban ngày, họ là thợ sửa xe máy, thợ sơn, thợ cơ khí, người giao hàng, nhưng khi đêm đến họ mặc trang phục của nhóm S.O.S Đông Hà sẵn sàng nhận cuộc gọi, chạy đến để hỗ trợ”, anh Nghĩa chia sẻ.

Công việc hỗ trợ người đi đường cũng lắm buồn vui. Ngày lại ngày, các thành viên trong nhóm vẫn âm thầm, miệt mài với công việc hỗ trợ người đi đường. Bởi họ hiểu rằng, ở đâu đó trong đêm tối vẫn còn rất nhiều người cần họ hỗ trợ, xã hội vẫn có rất nhiều người ghi nhận, đánh giá cao công việc âm thầm, lặng lẽ và có ích cho đời của nhóm S.O.S Đông Hà.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cho-di-la-con-mai-191434.htm
Zalo