Chợ đầu mối mới: Không gian- tầm nhìn- chiến lược

Giữa trung tâm Đà Nẵng, một ngôi chợ gồng gánh luồng nông sản khổng lồ suốt gần 20 năm đang dần lạc nhịp giữa nhịp sống mới. Việc di dời chợ đầu mối Hòa Cường không chỉ để giải tỏa ách tắc mà là bước chuyển để thành phố kiến tạo một hạ tầng thương mại văn minh và bền vững hơn.

Chợ đầu mối Hòa Cường hiện tại.

Chợ đầu mối Hòa Cường hiện tại.

Chợ đầu mối Hòa Cường (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) nơi được xem là điểm trung chuyển nông sản lớn nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên, sau gần hai thập kỷ vận hành, đang đứng trước nhu cầu di dời mang tính tất yếu.

Được đưa vào khai thác từ năm 2005, chợ hiện chỉ rộng 2ha, trong khi mỗi ngày phải gánh khối lượng hàng hóa bình quân hơn 400 tấn. Áp lực quá tải kéo dài nhiều năm khiến hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, từ nền chợ, mái lợp cho đến hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Theo ghi nhận, các tiểu thương nhiều lần phản ánh về tình trạng mái dột, đường nội bộ xuống cấp, thoát nước kém khiến mùa mưa ngập lụt, mùa nắng thì nóng nực và bốc mùi.

Hệ thống phòng cháy chữa cháy lạc hậu cũng trở thành nỗi lo thường trực, nhất là trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ cháy chợ trên cả nước thời gian qua. Một số hộ kinh doanh phải tự trang bị bình cứu hỏa, lắp thêm đèn chiếu sáng vì hệ thống điện trong chợ quá cũ.

Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất vẫn là tình trạng quá tải kéo dài khiến hoạt động kinh doanh rơi vào cảnh tạm bợ, chật chội và không an toàn.

Không chỉ là vấn đề kỹ thuật bên trong, sự tồn tại của một chợ đầu mối ngay trung tâm thành phố với lượng xe tải, container ra vào liên tục đang trở thành lực cản cho bài toán hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông.

Ông Trần Văn Bốn (trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) cho biết: “Tôi đến lấy hàng rau củ ở chợ này đã hơn 15 năm. Mỗi sáng phải chen chúc giữa xe tải lớn, người mua kẻ bán đông nghịt, thấy rất bất tiện. Nhiều lần suýt va quẹt vì đường vào chợ nhỏ, hạ tầng xuống cấp mà hàng hóa thì ngày một nhiều. Tôi chỉ mong sớm có nơi mới khang trang, rộng rãi hơn để việc mua bán đỡ vất vả”.

Một số người dân khác cho rằng, việc quy hoạch lại chợ đầu mối ra khỏi trung tâm là hợp lý trong bối cảnh thành phố đang hướng đến đô thị thông minh, xanh và văn minh hơn.

Chợ đầu mối Hòa Cường đưa vào khai thác từ năm 2005.

Chợ đầu mối Hòa Cường đưa vào khai thác từ năm 2005.

Chị Nguyễn Thị Thu Hạnh (trú phường An Khê, quận Thanh Khê) chia sẻ: “Tôi làm công việc giao hàng nông sản nên thường xuyên ra vào chợ Hòa Cường. Điều tôi thấy lo nhất là hệ thống phòng cháy nhìn rất sơ sài mà hàng hóa thì chất cao, dễ cháy. Vừa sợ cho mình, vừa thấy nguy cho cả chợ. Nếu có chợ mới ở nơi thông thoáng, được đầu tư bài bản thì chắc chắn sẽ yên tâm hơn rất nhiều”.

Trong bối cảnh đó, dự án chợ đầu mối Hòa Phước được kỳ vọng là lời giải căn cơ. Theo quyết định số 3255/QĐ-UBND ngày 30/6/2023 của UBND huyện Hòa Vang, quy hoạch chi tiết 1:500 đã được điều chỉnh với tổng diện tích hơn 30,9ha, đặt tại xã Hòa Phước- nơi có đủ không gian để mở rộng và tổ chức lại mô hình giao thương một cách bài bản, hiện đại. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng được giao làm chủ đầu tư.

Ngày 20/5, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nguyễn Hữu Nhật đã công bố mời thầu gói thầu xây lắp công trình thuộc dự án chợ đầu mối Hòa Phước, với giá trị hơn 45 tỷ đồng. Gói thầu này nằm trong tổng mức đầu tư của dự án là hơn 272 tỷ đồng, với thời gian thi công không quá 240 ngày kể từ khi khởi công.

Không chỉ là một công trình thương mại, chợ đầu mối Hòa Phước được kỳ vọng tạo ra quỹ đất sạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, thu hút nhà đầu tư xây dựng một khu chợ đầu mối quy mô và hiện đại bậc nhất Đà Nẵng.

Dự án không chỉ phục vụ tái cấu trúc mạng lưới chợ đầu mối của thành phố mà còn góp phần giải quyết các bài toán về hạ tầng giao thông, thoát nước cho khu vực phía thượng lưu.

Tuyến cống đấu nối ra Quốc lộ 1A cũng được tích hợp trong dự án, hứa hẹn cải thiện hệ thống kỹ thuật đô thị, giảm ngập úng và tăng hiệu quả sử dụng đất sau tái định cư.

Đây cũng là một phần trong chiến lược phát triển dài hạn của thành phố nhằm đưa các hoạt động thương mại quy mô lớn ra khỏi lõi đô thị để giảm áp lực dân sinh và tạo không gian sống tốt hơn cho người dân nội thành.

Tình trạng chợ đầu mối Hòa Cường hiện nay mái dột, đường nội bộ xuống cấp, thoát nước kém khiến mùa mưa ngập lụt, mùa nắng thì nóng nực và bốc mùi.

Tình trạng chợ đầu mối Hòa Cường hiện nay mái dột, đường nội bộ xuống cấp, thoát nước kém khiến mùa mưa ngập lụt, mùa nắng thì nóng nực và bốc mùi.

Điểm đáng chú ý trong quy hoạch chợ mới là định hướng xây dựng một trung tâm logistics nông sản tích hợp. Không chỉ đơn thuần là nơi mua bán, chợ Hòa Phước sẽ có thêm các khu chức năng như khu bảo quản lạnh, xử lý sau thu hoạch, kiểm định chất lượng nông sản, khu phân phối hàng hóa tự động...

Hệ thống giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, đường gom cũng sẽ được thiết kế khoa học để phục vụ cho lượng xe tải lớn ra vào mỗi ngày mà không ảnh hưởng đến cư dân xung quanh.

Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải và rác thải sẽ được đầu tư đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và an toàn thực phẩm, điều mà chợ Hòa Cường hiện nay không còn đáp ứng được.

Nhiều tiểu thương, dù còn tiếc nuối với một địa điểm đã gắn bó hơn 20 năm, nhưng cũng hiểu rằng việc thay đổi là cần thiết.

“Chợ Hòa Cường giúp chúng tôi làm ăn bao nhiêu năm nay, nhưng thực tế thì không còn phù hợp nữa. Dời đi nơi khác, nếu quy hoạch bài bản, chợ khang trang, sạch sẽ thì tiểu thương cũng yên tâm buôn bán, khách hàng cũng thoải mái hơn”, một tiểu thương kinh doanh rau quả bày tỏ.

Được đưa vào khai thác từ năm 2005, chợ hiện chỉ rộng 2ha, trong khi mỗi ngày phải gánh khối lượng hàng hóa bình quân hơn 400 tấn.

Được đưa vào khai thác từ năm 2005, chợ hiện chỉ rộng 2ha, trong khi mỗi ngày phải gánh khối lượng hàng hóa bình quân hơn 400 tấn.

Về lâu dài, chợ đầu mối Hòa Phước sẽ trở thành trung tâm tập kết, trung chuyển và phân phối hàng hóa nông sản không chỉ cho Đà Nẵng mà còn cả các tỉnh trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Việc di dời chợ Hòa Cường không đơn thuần là chuyển vị trí một điểm giao thương mà còn là bước đi mang tính chiến lược trong việc quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại, cải thiện chất lượng sống, giảm tải giao thông và định hình một diện mạo đô thị hợp lý, bền vững cho Đà Nẵng trong tương lai gần.

Khi một cánh cửa cũ sắp khép lại cũng là lúc một cánh cửa mới mở ra. Từ chợ Hòa Cường đến Hòa Phước không chỉ là một cuộc di dời về địa lý mà là cuộc chuyển mình của tư duy quản trị đô thị.

Đó là lựa chọn hướng đến tương lai, đặt lợi ích chung của cộng đồng lên trên sự quen thuộc, để Đà Nẵng không chỉ là thành phố đáng sống mà còn là thành phố đáng đầu tư và phát triển bền vững.

Trâm Trần

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/cho-dau-moi-moi-khong-gian-tam-nhin-chien-luoc-479458.html
Zalo