Chợ Cồn đìu hiu ngày cận Tết
Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng không khí mua sắm tại các chợ truyền thống và siêu thị ở Đà Nẵng năm nay có phần sụt giảm so với những năm trước.
Tại chợ Cồn, quận Hải Châu, một trong những khu chợ sầm uất của thành phố Đà Nẵng, tiểu thương bày bán đầy đủ các mặt hàng đặc sản Tết như bánh chưng, mứt, các loại gia vị, nhưng các gian hàng ít người ghé thăm.
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ một gian hàng bánh kẹo, chia sẻ: "Mỗi năm vào thời điểm này, khách đến mua hàng rất đông, nhưng năm nay số lượng khách giảm rõ rệt. Không khí Tết không còn náo nhiệt như trước nữa".
Cùng quan điểm, anh Hồ Văn Thành, cho biết, những năm trước, đến gần Tết là quầy hàng nào cũng đông nghịt khách. Năm nay, dù đã sát đến ngày 23 tháng Chạp nhưng số lượng khách không nhiều. Hoặc, khách đến mua số lượng hàng cũng không như kỳ vọng.
Theo các tiểu thương, nhiều khách hàng giờ đây chỉ mua vừa đủ cho nhu cầu, không tích trữ như trước đây. Anh Nguyễn Hữu Khánh, tiểu thương chợ Hàn cho rằng, khách hàng chọn mua những mặt hàng cần thiết như mứt, bánh chưng, bánh tét… Hàng cao cấp như đồ khô, đặc sản không còn được ưa chuộng.
Điều này không chỉ diễn ra tại chợ truyền thống mà còn lan rộng đến các siêu thị, cửa hàng tạp hóa lớn. Dù các đơn vị bán lẻ đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, nhưng lượng khách đến mua sắm vẫn chưa đạt được kỳ vọng.
Thói quen mua sắm người dân đã thay đổi
Ngoài ra, nhiều tiểu thương cũng nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến sức mua giảm là do sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân. Theo chị Nguyễn Thị Thảo, một tiểu thương ở chợ Hòa Cường: "Ngày nay, mọi người không còn chạy đua mua sắm những món đồ cao cấp, xa xỉ nữa mà thay vào đó họ chỉ mua sắm những thứ cần thiết, những món ăn, quà Tết đơn giản để đón năm mới với tâm lý tiết kiệm".
Khảo sát của Người Đưa Tin cho thấy, người dân Đà Nẵng năm nay chủ yếu ưu tiên những món quà Tết dễ thương, có giá trị vừa phải, hoặc các sản phẩm từ nông sản sạch, gần gũi với đời sống.
Chị Trần Thị Thanh, một người dân sống tại quận Liên Chiểu, cho biết: "Tôi cảm thấy Tết năm nay ít phải chi tiêu hơn so với các năm trước. Gia đình tôi không còn quan trọng việc mua sắm nhiều mà tập trung vào những gì cần thiết cho mâm cỗ ngày Tết. Cùng với đó, tôi cũng chú trọng vào việc mua những sản phẩm an toàn, sạch sẽ để bảo vệ sức khỏe".
Bên cạnh đó, nhiều người dân Đà Nẵng cũng hạn chế các buổi tiệc tùng, du lịch xa nhà như các năm trước. Thay vào đó, họ tổ chức một cái Tết đơn giản trong gia đình, dành thời gian bên người thân, giảm thiểu các chi phí không cần thiết.
Chị Hoài Thư, người dân sống tại quận Cẩm Lệ, chia sẻ: "Gia đình tôi quyết định ăn Tết giản dị, chỉ mua những thứ thực sự cần thiết như bánh chưng, thịt, hoa quả. Tôi nghĩ việc để nặng nề mua sắm là không còn phù hợp".
Trong khi đó, anh Nguyễn Quang Huy, nhân viên văn phòng, cho rằng, do áp lực kinh tế nên cắt giảm hầu hết chi tiêu không cần thiết cho Tết. Ngay cả chuyện quà cáp cũng được lược giản.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, cư trú tại quận Liên Chiểu, chia sẻ, những năm trước, chị thường mua sắm áo quần mới cho cả gia đình. Tuy nhiên, năm nay, chị chỉ mua cho con trai một bộ đồ mới, còn hai vợ chồng vẫn sử dụng lại những bộ quần áo cũ.
Chị cho rằng hiện nay không còn quá quan trọng việc phải mua sắm áo quần mới cho dịp Tết. Việc mua sắm có thể thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Thay vì mua sắm, chị dùng số tiền này để hỗ trợ cho cha mẹ ở quê.
Ngày 19/1, theo đại diện Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, đơn vị đã làm việc, trao đổi, đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn về việc chuẩn bị dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2025. Qua tổng hợp, các doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ các loại hàng hóa đa dạng phong phú, đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: gạo, nếp các loại, thịt các loại, đồ khô, đóng hộp, bánh kẹo mứt hạt dưa, rau, củ quả… dự kiến khoảng 2.812 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; quảng bá, giới thiệu sản phẩm; khuyến mại, kích cầu mua sắm, thành phố Đà Nẵng còn tổ chức bán hàng bình ổn thị trương dịp Tết Nguyên đán 2025.
Sở cũng Vận động các siêu thị, doanh nghiệp, đơn vị phân phối trên địa bàn tổ chức các điểm, gian hàng bình ổn tại địa điểm kinh doanh của đơn vị với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…; đồng thời, tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường trong dịp Tết.
Mặt hàng bình ổn là nhu yếu phẩm, thực phẩm, bánh kẹo Tết, đồ gia dụng, quần áo... Đơn vị thực hiện siêu thị MM Mega Market Đà Nẵng, siêu thị Go!, siêu thị Coopmart Đà Nẵng, siêu thị Coopmart Sơn Trà, Danavimart…