Cho chữ đầu năm mới - nghề kiếm bộn tiền

Ngoài việc được thỏa sức với niềm đam mê cho chữ đầu năm mới, nhiều 'ông đồ' cũng có thể thu về bạc triệu mỗi ngày.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, hình ảnh các ông đồ “bày mực tàu giấy đỏ” trở nên phổ biến và gần gũi bởi từ lâu phong tục xin chữ và cho chữ đã là nét đẹp văn hóa của người Việt, thể hiện sự trân trọng đối với tri thức, đồng thời cũng là gửi gắm ước nguyện trong những con chữ đầu năm mới.

Tục lệ xin chữ đầu năm là một nét văn hóa đẹp của người Việt, thể hiện tinh thần hiếu học và gửi gắm những mong ước tốt lành trong năm mới. (Ảnh: Hà Phương/VOV.VN)

Tục lệ xin chữ đầu năm là một nét văn hóa đẹp của người Việt, thể hiện tinh thần hiếu học và gửi gắm những mong ước tốt lành trong năm mới. (Ảnh: Hà Phương/VOV.VN)

Một số địa điểm xin chữ nổi tiếng đó là “phố ông đồ” ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM (Quận 1, TP.HCM), Đền Trần-Chùa Tháp (Nam Định),… Tại đây, vào những ngày đầu tiên của năm mới luôn đông kín người đến xin chữ, trong đó có rất nhiều sinh viên, học sinh.

“Lễ” xin chữ không còn nhỏ như xưa

Khi xưa, khi muốn xin chữ vào đầu năm mới thì người đi xin chữ thường chuẩn bị một cái “lễ” nhỏ như: Trầu cau, chè thuốc,... để đến nhà thầy đồ xin chữ. Đặc biệt, thầy đồ phải là những người hay chữ, những nhà nho có tiếng trong vùng. Người đi xin chữ của thầy đồ hy vọng một năm mới may mắn, bình an, tài lộc, học hành tiến bộ, thi cử đỗ đạt, sự nghiệp vững vàng, thành công trong năm mới.

Truyền thống xin chữ tốt đẹp này được duy trì và phát triển cho đến ngày nay, dù cách xin chữ có khác đi đôi chút. Thầy đồ trên phố hiện đại không chỉ gồm những người có tuổi, những ông đồ có tiếng, mà cả những ông đồ rất trẻ tuổi cũng cũng tham gia vào "dịch vụ" cho chữ ngày xuân. “Lễ” để xin chữ ngày nay cũng khác xưa rất nhiều, thường là bằng tiền mặt, hoặc chuyển khoản. Và chữ cũng được định giá, từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn đồng/chữ tùy thuộc vào người viết, cũng như chất liệu giấy, mực, trang trí…

Có những chữ có giá đến 150.000 - 200.000 đồng/chữ, và người xin chữ hiếm khi mặc cả vì họ tin rằng phải thoải mái, hào phóng thì chữ mới "linh". Tính sơ sơ, mỗi ông đồ có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ việc cho chữ trong những ngày đầu năm mới.

Một điều đáng lưu ý nữa là trình độ của các ông đồ cũng có sự chênh lệch đáng kể. Có những ông rất chuyên nghiệp, chữ viết đẹp và bay bổng, song cũng có những ông đồ chỉ biết "chép" chữ, có sẵn một tập chữ in sẵn, khách chỉ chữ nào thì cứ theo đó mà viết. Chữ viết theo lối đại tự mà nét mực ngắt quãng chỗ đậm chỗ nhạt, rồi dùng bút tô đi tô lại.

Biến tướng thành mua – bán chữ

Ở một vài nơi, nhất là ở các nơi lễ hội, đình, đền, chùa, miếu, phủ…, thì việc cho chữ diễn ra tựa như kinh doanh theo "mùa vụ", việc xin – cho chữ bị biến tướng thành mua – bán chữ. Người đi xin chữ - mua chữ cứ như đi sắm hàng Tết vậy.

Theo chia sẻ của một ông đồ ở Đền Trần-Chùa Tháp (Nam Định), dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, nhiều người xin chữ “An”, “Tài”, “Phúc”, “Lộc”, "Trí Tuệ", “Đăng Khoa”,… hay những câu đối mang ý nghĩa cầu chúc một năm mới an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, cuộc sống bình an. "Thông thường, giá của mỗi chữ là 150.000 đồng/chữ, nhưng với những người kinh phí hạn chế thì có thể chỉ lấy 100.000 đồng/chữ", ông đồ nói.

Chị Hà Vy, một người dân đi xin chữ ở Đền Trần-Chùa Tháp chia sẻ, chữ như một biểu tượng để con người theo đó sống đẹp theo ước vọng mình đã gửi gắm vào từng nét chữ. “Hầu như năm nào tôi cũng đi xin chữ, mỗi năm xin một chữ khác nhau để đặt niềm tin và cầu mong ước vọng của mình đạt được trong năm đó. Mấy năm nay chữ đắt hơn và hiện tượng “bán” chữ trở nên khá phổ biến. Do đó, tôi cũng hạn chế dần, tìm đến những thầy đồ thực sự uy tín và có danh tiếng thì mới xin, chứ không đi mua chữ”, chị Vy bày tỏ.

Viết chữ-cho chữ-xin chữ là một phong tục văn hóa truyền thống tốt đẹp được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhưng khi chữ trở thành “hàng hóa” thì nét đẹp truyền thống bị phai mờ, làm mất đi vẻ thiêng liêng vốn có.

Người viết nếu không có tâm, có tài thực sự mà chỉ viết chữ để kinh doanh, trục lợi thì sẽ mất dần đi ý nghĩa cao quý của chữ, giảm đi sự kính trọng của người xin chữ. Còn đối với người đi xin chữ, nếu chỉ xem chữ như một món đồ trang trí ngày Tết, không hiểu được ý nghĩa cao quý của chữ thì có lẽ nét đẹp văn hóa truyền thống này chẳng mấy sẽ phôi pha.

Độc giả có thể tham khảo một số chữ dưới đây:

- Người đi làm: Chữ Đạt tượng trưng cho sự thành đạt trong công việc, mong muốn năm mới sẽ đạt được mục tiêu, thăng tiến trong sự nghiệp.

- Người đi học, sĩ tử: Những chữ như Trí, Tài, Nhẫn, Thành, Cát, Phúc, Học, Đỗ, Đăng Khoa đều mang ý nghĩa cầu chúc học hành tấn tới, đỗ đạt cao, thi cử thành công và trí tuệ phát triển.

- Người làm nghề kinh doanh, buôn bán: Ngoài Lộc, Tín, Phát Tài, còn có thể xin những chữ như Vượng, Đạt, Hòa, Khởi, Cát Tường, Đắc để cầu mong sự phát triển mạnh mẽ, thuận lợi trong công việc, cũng như sự thành công trong mọi lĩnh vực.

- Chữ xin cho gia đình: Những chữ như Phúc, Lộc, Thọ, Tâm, An mang ý nghĩa cầu mong một gia đình hạnh phúc, bình an, sức khỏe dồi dào và thịnh vượng.

Ý nghĩa của một số chữ phổ biến:

Trí: Mang ý nghĩa thông minh, sáng suốt, nhanh nhạy trong học tập. Giúp người xin chữ có động lực rèn luyện tư duy, phát triển trí tuệ.

Đạt: Thể hiện sự thành công, vượt qua thử thách, đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt phù hợp với học sinh và sinh viên đang ôn thi.

Tài: Cầu mong cho người xin chữ có tài năng, học giỏi, hiểu nhanh. Chữ "Tài" giúp thúc đẩy sự sáng tạo, phát huy năng lực bản thân.

Chí: Nhắc nhở người học có ý chí kiên định, không bỏ cuộc. Thích hợp cho những ai muốn rèn luyện ý chí để đạt được thành công.

Nhẫn: Học tập là một quá trình dài, cần kiên nhẫn và nỗ lực. Chữ "Nhẫn" mang ý nghĩa giúp người học giữ vững tinh thần, không bỏ cuộc khi gặp khó khăn.

Đăng khoa: Biểu trưng cho sự học hành đỗ đạt, thành công trong thi cử.

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cho-chu-dau-nam-moi-nghe-kiem-bon-tien-post1152325.vov
Zalo