Chợ chè Trại Cài thời công nghệ số

Công nghệ thông tin phát triển, các giao dịch không dùng tiền mặt được ứng dụng phổ biến, nhưng không vì thế mà phiên chợ chè thưa vắng. Những người hành nghề thẩm định trà trực tiếp đông hơn người bán. Mọi giao dịch được thực hiện qua điện thoại, khi khách hàng ở đầu máy bên kia trả lời 'chốt nhé' là sản phẩm chè nhanh chóng được xếp lên thùng xe tải chuyển đi.

Người thẩm trà tại chợ phiên Trại Cài tập trung đánh giá chất lượng để định giá sản phẩm.

Người thẩm trà tại chợ phiên Trại Cài tập trung đánh giá chất lượng để định giá sản phẩm.

Những âm thanh “chép chép” kèm theo lời bình phẩm, định giá vọng ra từ loa điện thoại thông minh kết nối trực tuyến với các khách hàng ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Đồng Nai, Tây Ninh… khiến phiên chợ chè Trại Cài, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) luôn sôi động. Chợ chè Trại Cài đã được hình thành từ hơn ba mươi năm trước, như "định vị" cho vùng chè Trại Cài nổi tiếng của huyện. Chợ họp vào các ngày 2, 5, 7, 10, 12, 15, 17, 20, 22, 25, 27, 30 âm lịch hàng tháng, đông nhất là phiên chính vào các ngày 10 và 15. Từ đây, trà đặc sản của các xã Minh Lập, Hòa Bình (Đồng Hỷ); Tức Tranh, Phú Đô (Phú Lương) đến được với những người uống trà trong và ngoài tỉnh. Và vì thế, sản phẩm chè xuất xứ từ chợ Trại Cài ngày càng được nhiều người biết tiếng.

Trong quán trà mạn cuối chợ, ông Dương Văn Khánh, chủ quán luôn tay rót nước sôi vào các phích cho giới thẩm trà rót ra chén nhỏ pha trực tiếp để thẩm các mã chè vừa bốc ra từ bịch ni lông do người dân mang đến chào hàng, lúc nào cũng sôi nổi lời bình phẩm, định giá. Ông Khánh bảo: “Rượu khà, trà chép”, không nếm trực tiếp thì làm sao mà phân loại được. Mỗi thợ thẩm trà đều cầm theo 2 cái chén nhỏ, đến bao trà nào là nhúp lấy một ít thả vào chén rồi rót nước sôi và đậy chén còn lại lên giữ nhiệt ít phút. Sau khi trà đã ngấm nước, hương thơm bốc ra là lúc thợ thẩm trà tập trung cao độ đánh giá chất lượng bằng tất cả kinh nghiệm của mình để đưa ra quyết định chốt đơn hàng.

Đối diện quán nhà ông Khánh là Hợp tác xã (HTX) chè Sáo Thịnh cũng tấp nập người bán, mua. Giám đốc HTX Dương Quang Thịnh chia sẻ: Công nghệ hiện đại đến đâu cũng không thay thế được cách thẩm trà và chợ chè truyền thống. Với mỗi hộ làm chè, đồi chè nguyên liệu, giống chè… đã cho ra sản phẩm có chất lượng khác nhau, bên cạnh đó, làm chè và uống trà là cả một nghệ thuật, nên thẩm trà là phải trực tiếp bằng các giác quan, cảm nhận tinh tế.

Giờ đây, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động mua bán, người làm chè tự tin cung cấp quy trình chăm sóc và chế biến bằng video theo nhật ký sản xuất, còn người mua ủy quyền cho thợ thẩm trà livestream để đưa ra quyết định chốt đơn hàng theo mẫu được thẩm định trong mỗi chén trà. So với trước đây, khi công nghệ thông tin chưa phát triển thì lượng hàng bán ra tăng hơn gấp 2-3 lần và được chuyển đi nhanh hơn.

Trà sau thẩm định được gom lại và giao dịch trực tuyến qua điện thoại di động.

Trà sau thẩm định được gom lại và giao dịch trực tuyến qua điện thoại di động.

Cũng theo ông Thịnh, mỗi phiên chợ (họp từ 7 giờ đến 10 giờ) có tới hơn 10 tấn chè búp khô của vùng Trại Cài theo chân những người buôn tỏa đi khắp nơi, cả các tỉnh miền Trung, Nam. Mỗi năm, vùng chè Trại Cài cung cấp cho thị trường gần 700 tấn chè búp khô.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 chợ chuyên kinh doanh chè, thuộc các xã: Phúc Trìu, Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên), Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), La Bằng, Minh Tiến (Đại Từ)… có vai trò như một sàn thương mại kết hợp trực tuyến và trực tiếp, tiêu thụ sản phẩm cho hàng chục nghìn héc-ta chè kinh doanh tại các địa phương. Nơi đây không chỉ là chỗ mua bán chè mà còn là nơi để những người làm chè, yêu chè tụ họp thử trà và bình phẩm, để từ đó kết nối đưa chè Thái Nguyên đi xa hơn, nhanh hơn và nhiều hơn.

Ông Vũ Văn Mác, Chủ tịch UBND xã Minh Lập, chia sẻ: Vùng chè Trại Cài có khoảng 800ha chè kinh doanh (sản lượng bình quân đạt 8.000 tấn/năm), trong đó có hơn 400ha ở xã Minh Lập, 200ha ở xã Hòa Bình, còn lại nằm giáp ranh thuộc các xã Phú Đô, Tức Tranh (Phú Lương). Khi các ứng dụng công nghệ thông tin phát triển trong quá trình chuyển đổi số, cùng với hạ tầng giao thông kết nối ngày càng hoàn thiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người làm chè ngày càng phát triển.

So với năm 2020, chợ chè Trại Cài có lượng tiêu thụ tăng gấp 2 lần, phương tiện vận tải đến chợ tăng từ 20 đầu xe lên gần 50 đầu xe mỗi phiên chợ, giá trị kinh tế từ thâm canh chè bình quân cũng tăng từ 150 triệu đồng/ha/năm, lên trên 200 triệu đồng. - Ông Vũ Văn Mác

Chuyển biến mạnh mẽ nhất chính là người trồng chè đã tự biết xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, chủ động quảng cáo, kinh doanh trực tuyến và một bộ phận người làm chè đã chuyển sang làm nghề thẩm trà trực tuyến để kết nối với khách hàng từ xa. Chính vì vậy, chè Trại Cài đã trở thành thương hiệu của một vùng và có những đơn hàng với giá bán trên 1,5 triệu đồng/kg, thay vì các giao dịch bán chè búp tươi làm nguyên liệu như những năm 2020 trở về trước. Từ chuyển biến đó, những người làm chè trên địa bàn đã tập trung làm ra các sản phẩm tốt, bảo đảm an toàn và đưa thương hiệu vươn xa hơn.

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/cho-che-trai-cai-thoi-cong-nghe-so-8d50d38/
Zalo