Cho bộ đội mượn ô tô để kịp truy kích địch
Ngày 8-4-1975, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3-Sao Vàng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở tỉnh Bình Định, nhận được lệnh hành quân đánh địch tại tuyến phòng thủ Phan Rang, Ninh Thuận (thời điểm này, Sư đoàn 3 được tăng cường cho Quân đoàn 2, hình thành cánh quân Duyên Hải tiến quân vào Nam).
Với quãng đường khoảng 400km, làm sao trong 5 ngày, vừa hoàn thành phương án tác chiến, vừa tổ chức cho hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ hành quân kịp thời gian là vấn đề hết sức nan giải. Đảng ủy Trung đoàn 2 họp đề xuất biện pháp và yêu cầu các đơn vị liên hệ với địa phương, vận động các gia đình có xe đò (xe chở khách) tham gia vận chuyển bộ binh; một số xe quân sự thu được của địch chở các đơn vị hỏa lực. Về tác chiến, Đảng ủy Trung đoàn 2 xác định, Tiểu đoàn 3 là đơn vị chủ yếu đánh vào quận lỵ Du Long, bởi vậy, ưu tiên cho Tiểu đoàn 3 cơ động trước, đồng chí Lê Văn Quýt, Phó chính ủy Trung đoàn phụ trách.

Quân giải phóng tấn công thị xã Phan Rang, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu
Trước khi hành quân, Phó chính ủy Lê Văn Quýt yêu cầu văn thư in tệp “giấy chứng nhận”, đóng dấu đỏ rồi cùng tổ thông tin liên lạc đi xuống Tiểu đoàn 3. Được cán bộ địa phương tư vấn: Nếu đứng đón ở ngã ba Phú Tài (nơi giáp Đường 1 và đường vào thị xã Quy Nhơn) sẽ có nhiều xe ra vào. Phó chính ủy Lê Văn Quýt cùng cán bộ Tiểu đoàn 3 đứng chờ ở ngã ba Phú Tài, khoảng 15 phút có 3 chiếc xe đò từ Quy Nhơn (Bình Định) đi ra. Trên xe chật ních người, nóc xe cũng có người và hàng hóa, Phó chính ủy Lê Văn Quýt ra hiệu dừng xe, nói rõ ý định mượn xe và nhắn nhủ với các tài xế: Đây là thời điểm để các bác góp phần công sức cho cách mạng.
Các chủ xe nhất trí, nhưng băn khoăn vì khách đã trả tiền vé. Phó chính ủy Lê Văn Quýt đến nói chuyện với bà con: Bọn địch đã thua, chạy vào phía Nam, nhưng vẫn còn âm mưu củng cố lực lượng để quay lại nếu bộ đội không truy kích tiêu diệt chúng. Bộ đội Sư đoàn 3-Sao Vàng là con em của đồng bào Bình Định và đồng bào đã cưu mang, giúp đỡ hàng chục năm nay, khổ đau nhiều. Nhưng để không còn khổ đau nữa thì bộ đội phải tiếp tục đuổi theo địch để chiến đấu. Đề nghị bà con nhường xe cho bộ đội. Quân giải phóng có giấy chứng nhận đóng dấu đỏ, bà con giữ lấy giấy này, khi giải phóng miền Nam thì đem đến chính quyền nơi cư trú để báo công và nhận tiền thuê xe. Còn xăng, dầu thì bộ đội sẽ cấp theo yêu cầu...
Nghe tin miền Nam sắp được giải phóng, bà con rất vui mừng, đồng ý cho bộ đội mượn xe để cơ động nhanh. Nhiều người vui vẻ nói rằng: “Chúng tôi nhận giấy chứng nhận để làm kỷ niệm chứ không phải để sau này lĩnh thưởng. Bộ đội chẳng tiếc máu xương đánh giặc, chúng tôi sao nỡ đòi tiền mấy lít xăng, dầu...”.
Một lúc sau, tiếp tục có 5 chiếc xe đò, xe tải chạy từ phía Nam ra, họ cũng nhường xe cho bộ đội hành quân truy đuổi địch. Phó chính ủy Lê Văn Quýt yêu cầu liên lạc về thông báo với Tiểu đoàn 3 nhanh chóng ra vị trí lên xe hành quân. Đến 3 giờ sáng 11-4-1975, Tiểu đoàn 3 đã tới vị trí tập kết, cách mục tiêu tiến công khoảng 8km. Ít giờ sau, toàn bộ đội hình Trung đoàn 2 cũng tới vị trí quy định, nhanh chóng bước vào trận chiến đấu mới. Từ ngày 14 đến 16-4-1975, lực lượng của cánh quân Duyên Hải đã đập tan phòng tuyến Phan Rang của địch, giải phóng Ninh Thuận. Trung đoàn 2 đảm nhiệm hướng chủ yếu của Sư đoàn 3 đã bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phó tư lệnh Quân đoàn 3 kiêm Tư lệnh Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 ngụy đặc trách phòng tuyến Phan Rang; Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và nhiều sĩ quan ngụy cùng cố vấn Mỹ.
XUÂN MINH (theo cuốn "Xuân 1975-bản hùng ca toàn thắng", Nhà xuất bản Văn học, năm 2017)