Chợ Bà Hoa: Hương vị, không gian xứ Quảng giữa Sài Gòn
Xứ Quảng nói riêng và miền Trung nói chung có nhiều đặc sản từ nông sản như tỏi Lý Sơn, củ nén, trái vả; các hàng thực phẩm chế biến như mắm rò, mắm cái, mắm nêm, đường phèn, đường bát; biết bao loại bánh đa, bánh tráng, chả ram. Đa dạng hơn nữa là các loại thức ăn chế biến như bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh xèo…
Trong những buổi trà dư tửu hậu của nhóm anh em miền Tây lưu lạc ở Sài Gòn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín, gốc Cà Mau, thường tấm tắc nhắc kỷ niệm về loại đường bát mà ngày xưa ba anh đãi khách quý khi uống trà tàu. Đây là loại đường mía thủ công từ xứ Quảng xa xôi theo các ghe thương hồ về tới tận đất Tân Thành, Cà Mau. Gọi là đường bát vì đường chứa trong một cái tô, đóng lại thành khối. Mỗi lần ăn, ba anh Tín phải dùng cái cưa nhỏ, cưa khối đường ra thành miếng mỏng.
Trong ký ức của anh, vị đường bát ngọt đậm đà khác hẳn các loại đường khác. Anh cứ nghĩ là sẽ không bao giờ tìm lại được.
Năm 2007, khi đi viết phóng sự cho báo Sài Gòn Tiếp Thị, anh Trọng Tín lại phát hiện và xin cây giống ớt xanh Quảng Nam về trồng tại Sài Gòn. Anh nâng niu như báu vật và chỉ long trọng đãi bạn ruột mỗi lần tụ họp. Thoạt nhìn anh cầm trái ớt to như trái ớt sừng, thon dài, màu xanh đậm, nhai ráo rạt trong miệng ai cũng ngán. Ấy nhưng khi ăn thử, hóa ra ớt chỉ cay nhẹ nhàng, giòn rụm và mùi thơm rất lạ. Khi ăn vài lần, đã quen mùi vị, ớt xanh thành thứ rau gia vị đặc biệt không thể thiếu.
Tôi lại nhớ hồi làm báo Pháp Luật TP.HCM, mỗi lần anh em đi công tác miền Tây mua về các loại mắm cá chốt, cá trèn, mắm thái, anh Nam Đồng (Tổng biên tập) lại hùn một túi trái vả xanh non. Vả có vị chát nhẹ, lại pha vị ngọt, giòn, ăn kèm mắm sống tăng hương vị mắm lên gấp chục lần. Mỗi khi thắc mắc giữa Sài Gòn lấy đâu ra thứ trái miền Trung tươi xanh như vậy, anh cười bí hiểm: “Cứ đem mắm về đi, vả cần bao nhiêu cũng có!”. Phải mở cuộc điều tra, tốn mấy chầu nhậu tôi mới biết rằng từ lâu giữa Sài Gòn có ngôi chợ Quảng, tên tục là chợ Bà Hoa, nằm trên đường Trần Mai Ninh, gần khu ngã tư Bảy Hiền.
Chỉ là một đoạn đường, một khu nhà lồng, nhưng không chỉ xứ Quảng mà gần như tất cả đất trời, sản vật, ẩm thực của miền Trung đã tụ hội về đây. Món đường bát tưởng đã thất truyền, ở chợ này được bày khắp nơi. Bên cạnh đó là “kính thưa tất cả các loại đường phèn, đường phổi” của người xứ Quảng. Đường phèn có đủ loại màu vàng, trắng ngà và cả màu đỏ sẫm. Cùng với đường là đủ loại đậu, bắp tách hạt, các loại hương liệu nấu chè xuất xứ hàng hóa đều chính gốc miền Trung.
Nghe tôi chỉ điểm, anh Nguyễn Trọng Tín như bắt được vàng. Từ Hóc Môn, anh chạy xe ra chợ mua liền mâm đường bát và một mớ ớt xanh. Từ đó, anh sống thật với đường bát trong đời sống hàng ngày chứ không chỉ là hoài niệm ký ức khắc khoải nữa.
Tỏi Phan Rang quá phổ biến, chợ nào cũng có, nhưng tỏi Lý Sơn mua ở các chợ khác có thể bị nhầm, muốn Lý Sơn chính gốc, hãy ra đây, không thể nhầm lẫn được. Không có “gian thương” nào dám mang đồ giả ra đây múa rìu qua mắt thợ.
Củ nén, món gia vị thiết yếu cho rất nhiều món ăn miền Trung từ ướp cá biển đến thịt bò, thịt gà, cũng nhiều bạt ngàn. Với tính cẩn thận, chu đáo của người dân miền gió cát, hàng họ, trái củ đều được đãi, sảy chỉ còn những hạt chắc lẻm, no tròn bắt mắt.
Bí mật về trái vả của anh Nam Đồng cũng được "giải mã" tại đây. Không chỉ vả mà có đủ các loại rau trái từ mít non để làm món mít trộn, dưa gang cả trái nguyên lẫn thành phẩm dưa ngâm mắm, chuối tiêu, chuối mốc, chuối hột. Ngoài ra còn có chuối xanh, thân chuối, hoa chuối (bắp chuối). Bắp chuối miền Trung thon dài khác với bắp chuối miền Nam ngắn mập. Không thể thiếu các loại rau thơm mỏng mảnh như húng cây, húng lủi, tía tô mà tôi không hiểu làm cách nào có thể vận chuyển xa hàng trăm cây số vào đây vẫn tươi xanh. Nhưng tin chắc rằng đó không thể là loại rau bản địa hay hàng Đà Lạt vì khó thể qua mắt khách hàng, vốn là các bà nội trợ gốc Trung tinh tế và kỹ tính.
Khó có thể liệt kê các loại bánh đa, bánh tráng của miền Trung. Từ bánh đập Hội An, bánh đa nướng giòn ăn với mì Quảng, ram Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; bánh tráng đa dạng hơn với hai cách ăn cuộn gỏi và ăn nướng… Là dân miền Nam đi trong chợ Quảng, tôi như lạc vào thế giới khác bao la các loại bánh tráng mà chẳng phân biệt được loại nào dùng để làm gì. Cháu rể tôi, dân Phú Yên chính gốc, tủm tỉm cười chọn ngay loại bánh nướng mỏng ăn kèm bánh cuốn dày.
Nếu miền Nam là kho tàng các loại mắm đồng thì miền Trung phong phú các loại mắm biển. Mắm chua, mắm rò, mắm ruốc Huế, mắm cá cơm, mắm cái, mắm nêm... tất cả đều hội tụ về đây góp phần tạo ra bản sắc miền Trung, xứ Quảng. Và cũng từ cái chợ bé nhỏ này, hương vị xứ Quảng, miền Trung đã tỏa ra len lỏi đến từng nhà những người con xa xứ hay những thực khách từng có ký ức với sản vật miền Trung như anh bạn nhà thơ Nguyễn Trọng Tín.
Một thế giới khác của miền Trung và xứ Quảng mà người ta có thể thưởng thức ngay với đầy đủ hương vị, khẩu vị, nguyên liệu đặc trưng là các món ăn liền. Bánh xèo, bánh khoái, bánh nậm, bánh lọc, các loại chả… Tinh vi đến vậy thì không thể thiếu những món hồn quê dân dã. Có cả quầy ốc gạo. Mới sáng sớm Chủ nhật, quầy ốc gạo bà Nhẫn đông khách. Nhiều người ngồi quanh mâm ốc dùng chiếc gai nhỏ hoặc kim để khêu ruột loại ốc bé tí, chấm với nước mắm, vừa nói chuyện rổn rảng bằng giọng Quảng đặc sệt. Họ sành điệu xác nhận đây thực là ốc được gửi từ các vùng biển Sơn Trà, Mỹ Khê, Chu Lai...
Trước cá tính độc đáo của ngôi chợ Quảng này, tôi tìm hiểu thêm vì sao giữa Sài Gòn lại có khu chợ đặc sệt miền Trung? Tại sao bạn hàng và khách hàng, người mua kẻ bán, quen gọi đây là chợ Bà Hoa? Hóa ra bà Hoa là tên người có thật. Nguyên bà Hoa là phụ nữ gốc Bắc, di cư vào Nam từ năm 1954 và dừng chân định cư buôn bán ở khu vực ngã tư Bảy Hiền. Người ta không còn nhớ bà Hoa từng kinh doanh mặt hàng gì. Nhưng năm 1967, bà Hoa mua một miếng đất trũng thuộc giáo xứ Đắc Lộ, cất chợ rồi phân lô cho thuê để các tiểu thương có nơi “che mưa che nắng” yên tâm buôn bán.
Ban đầu, chợ có hình chữ nhật, 4 hướng quay mặt ra 4 con đường lớn. Khu vực Bảy Hiền, nơi tập trung nhiều cư dân gốc Quảng, chuyên kinh doanh buôn bán sợi dệt từ vùng quê Duy Xuyên đưa vào. Do chợ được xây dựng ngay trên vùng đất tập trung đông lưu dân xứ Quảng nên lâu dần hình thành nên chợ có “cá tính” của người Quảng. Và người ta cũng lấy tên bà Hoa đặt tên chợ từ đó.
Bà Nguyễn Thị Sơn, quê ở huyện Duy Xuyên, hơn 70 tuổi, bán hàng mắm, trên đường ở góc phía Bắc của chợ, kể bà đã bán ở đây từ năm 1972. “Bà Hoa mới lập chợ là tui đã ngồi bán đây rồi. Bà Hoa phúc hậu lắm, sau 1975 bà đi Mỹ nhưng lâu lâu lại về ghé thăm chợ, thăm bà con. Bà già lắm rồi, có khi cũng đã gần 90 tuổi nhưng lần về gần đây nhất còn tập trung mấy người hồi xưa chụp hình quay phim nữa. Biết ai khó khăn, bà cũng giúp cho đôi chút. Gia đình tôi đã có ba đời gắn bó làm ăn tại ngôi chợ này”.
Chợ Bà Hoa là câu chuyện thú vị, một phụ nữ miền Bắc di cư, lập ngôi chợ trên đất miền Nam cho những người con miền Trung xa xứ tụ về làm ăn sinh sống và chuyển tải hương vị, sản vật quê nhà. Một khu chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi giao lưu văn hóa vùng miền. Một ngôi chợ gắn liền với lịch sử dân tộc, mang cá tính độc đáo. Thế nhưng chẳng hiểu sao chính quyền địa phương không gọi tên thật mà cải danh nó thành chợ phường 11 - cái tên hành chính vô hồn.
Hôm rồi có dịp đi lại chợ Campuchia. Một cái chợ độc đáo khác ở đường Lê Hồng Phong (quận 10), tôi bàng hoàng khi thấy người ta đã quy hoạch xé nát hồn cốt chợ. Những quầy khô, mắm, chè Cam, bún kèn độc đáo làm ra bản sắc “chợ Miên” đã bị thu hẹp, lẫn khuất trong làn sóng những quầy hàng xiên que, trà sữa nhí nhố.
Chợ Bà Hoa liệu còn giữ bản sắc chợ Quảng, chợ miền Trung được bao lâu?
Bài và ảnh: Lê Đại Anh Kiệt