Chính trường thế giới 2024: Xáo động từ Đông sang Tây

Chính trường thế giới năm 2024 chứng kiến nhiều diễn biến nóng quan trọng từ Đông sang Tây, từ cuộc bầu cử Mỹ, vụ thiết quân luật ở Hàn Quốc, nội chiến ở Syria, đến biến động chính trường Pháp, Đức...

Năm 2024 chứng kiến nhiều biến động lớn trên chính trường thế giới, từ cuộc bầu cử Mỹ, biến động chính trường Đức và Pháp, vụ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ban bố thiết quân luật, đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Những sự kiện này đã thay đổi cục diện chính trị toàn cầu.

Bầu cử Mỹ

Cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 được coi là sự kiện chính trị nổi bật nhất năm, thu hút sự chú ý do tác động sâu rộng của nó. Đây cũng là kỳ bầu cử đánh dấu nhiều biến động lớn khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút tranh cử và chuyển giao vai trò ứng cử viên cho Phó Tổng thống Kamala Harris.

Cuộc đua giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và bà Harris diễn ra căng thẳng với nhiều thay đổi đáng chú ý về cục diện ủng hộ. Ban đầu, ngay sau khi trở thành ứng viên chính thức, bà Harris đã tạo được bước tiến tích cực, thu hẹp khoảng cách ủng hộ với ông Trump và sau đó vươn lên dẫn trước, dù cách biệt không lớn.

 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Kamala Harris. Ảnh: REUTERS

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Kamala Harris. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, tình thế tiếp tục gay cấn khi cả hai bên dốc sức tranh giành từng lá phiếu ở 7 bang chiến trường quan trọng: Pennsylvania, Georgia, Arizona, Michigan, Wisconsin, Nevada và North Carolina. Theo các cuộc thăm dò của đài CBS News cuối tháng 10, khoảng cách ủng hộ giữa ông Trump và bà Harris chỉ là 1-2%, không bên nào chiếm ưu thế rõ rệt.

Kết quả cuối cùng, ông Trump giành đủ số phiếu đại cử tri và trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2029. Sau chiến thắng của ông Trump, Phó Tổng thống Harris đã gửi lời chúc mừng, thể hiện thiện chí cho một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.

Ngoài chiến thắng trong cuộc đua tổng thống, đảng Cộng hòa cũng giành quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, củng cố quyền lực trên chính trường Mỹ.

Nội chiến Syria

Ngày 8-12, lực lượng đối lập Syria tiến vào thủ đô Damascus và tuyên bố lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, theo hãng tin Reuters. Cuộc tấn công bất ngờ do tổ chức Hồi giáo vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS, một nhánh cũ của al-Qaeda) dẫn đầu đã kết thúc tình trạng bế tắc kéo dài bốn năm giữa chính phủ al-Assad và HTS.

Chỉ trong chưa đầy 10 ngày, phe nổi dậy đã giành quyền kiểm soát các thành phố lớn như Aleppo, Hama, Homs và tiến đến thủ đô Damascus. Giới phân tích cho rằng sự thành công chưa từng có của HTS phần lớn nhờ vào việc cựu chỉ huy al-Qaeda Abu Mohammed al-Jolani đã tuyển dụng một liên minh chiến binh mạnh mẽ, theo tờ The Washington Post.

 Lực lượng đối lập Syria ăn mừng tại thủ đô Damascus (Syria) sau khi tuyên bố lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 8-12. Ảnh: REUTERS

Lực lượng đối lập Syria ăn mừng tại thủ đô Damascus (Syria) sau khi tuyên bố lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 8-12. Ảnh: REUTERS

Cuộc nổi dậy của phe đối lập diễn ra với tốc độ chóng mặt.

Ngày 30-11, phe đối lập chiếm thành phố Aleppo (tỉnh Aleppo), tiến vào trung tâm thành phố và kiểm soát sân bay quốc tế tại đây. Ngày 5-12, họ chiếm Hama sau khi vượt qua các thị trấn và cơ sở quân sự do quân chính phủ kiểm soát.

Đến ngày 7-12, phe đối lập chiếm Daraa và quân đội Syria rút khỏi Homs. Ngày 8-12, phe nổi dậy tiếp tục tiến vào Damascus, chiếm các ngoại ô và tuyên bố kiểm soát thủ đô, lật đổ chính quyền của ông al-Assad - người được cho là đã rời thủ đô vào đêm 7-12, kết thúc 25 năm cầm quyền của ông tại Syria.

Chuyên gia nhận định rằng chính biến Syria và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad có thể sẽ thay đổi bản đồ và cán cân quyền lực ở Trung Đông và xa hơn nữa.

Xáo trộn chính trường Hàn Quốc

Vào tối 3-12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật trên sóng truyền hình, cáo buộc phe đối lập “có các hoạt động chống nhà nước và âm mưu nổi loạn”, theo hãng thông tấn Yonhap.

Theo tờ The Korea Herald, đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ban bố thiết quân luật sau 44 năm kể từ vụ bùng nổ phong trào Vận động dân chủ Gwangju vào ngày 18-5-1980.

Sáng 4-12, Tổng thống Yoon tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật khẩn cấp, sau khi quốc hội Hàn Quốc bỏ phiếu kêu gọi chấm dứt tình trạng này. Mặc dù quyết định đã được dỡ bỏ, nhưng nó vẫn gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ cả đảng đối lập lẫn đảng cầm quyền, cùng làn sóng biểu tình rộng rãi yêu cầu ông Yoon từ chức.

 Người dân Hàn Quốc biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội Hàn Quốc sáng 4-12 sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố thiết quân luật. Ảnh: REUTERS

Người dân Hàn Quốc biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội Hàn Quốc sáng 4-12 sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố thiết quân luật. Ảnh: REUTERS

Chính trường Seoul tiếp tục trở nên rối ren với loạt sự kiện sau đó, bao gồm việc một số cố vấn cấp cao của ông Yoon, như Chánh văn phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia, đệ đơn từ chức. Quốc hội cũng thông qua nghị quyết luận tội tổng thống, trong khi loạt quan chức có liên quan vụ thiết quân luật bị bắt.

Hiện tại, một nhóm thực thi pháp luật chung đang điều tra vụ án thiết quân luật và đã yêu cầu Tổng thống Yoon phải ra hầu tòa. Đây là yêu cầu triệu tập thứ hai mà nhóm điều tra đã gửi đến ông Yoon sau khi ông từ chối hợp tác với lệnh triệu tập đầu tiên vào giữa tháng 12.

Ngoài ra, Văn phòng điều tra các quan chức cấp cao tham nhũng (CIO) có kế hoạch xin lệnh tòa án để giam giữ Tổng thống Yoon trong tối đa 48 giờ nếu ông tiếp tục phớt lờ lệnh triệu tập mà không có lý do chính đáng.

Hiện phải đợi phán quyết cuối cùng từ Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc chỉ còn 6/9 thành viên, điều này đồng nghĩa Tòa phải hoàn tất thủ tục bổ sung 3 thành viên nữa để bắt đầu tiến trình điều trần, xem xét liệu nghị quyết luận tội ông Yoon có hiệu lực hay không.

Tòa án Hiến pháp cho biết phiên điều trần đầu tiên trước khi các thẩm phán chính thức xem xét luận tội ông Yoon sẽ diễn ra vào ngày 27-12. Đây chỉ là thủ tục chuẩn bị, chưa phải phiên xử chính thức của Tòa án Hiến pháp.

Biến động lớn chính trường Đức

Vào ngày 16-12, chính phủ thiểu số của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, theo tờ DW.

Chính phủ của ông Scholz chỉ nhận được 207 phiếu tín nhiệm trong tổng số 733 phiếu, thấp hơn nhiều so với mức cần đạt là 367 phiếu. Trong khi đó, 394 thành viên quốc hội đã bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Scholz. Sự kiện này khiến ông Scholz mất ghế và dẫn đến quyết định tổ chức cuộc bầu cử liên bang sớm tại Đức.

 Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại phiên họp quốc hội hôm 16-12 ở Berlin (Đức). Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại phiên họp quốc hội hôm 16-12 ở Berlin (Đức). Ảnh: REUTERS

Nguyên nhân chính của sự kiện này là sự tan rã của liên minh "Đèn giao thông" (gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh) vào tháng trước. Tranh cãi về ngân sách giữa Thủ tướng Scholz và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (thuộc FDP) đã dẫn đến việc ông Scholz sa thải ông Lindner, khiến đảng FDP rút khỏi liên minh và làm mất thế đa số của chính phủ.

Theo quy định, Tổng thống Đức sẽ giải tán quốc hội trong vòng 21 ngày sau khi nhận yêu cầu từ thủ tướng, và cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong 60 ngày sau đó, dự kiến vào ngày 23-2-2025. Trong thời gian này, Thủ tướng Scholz vẫn tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước.

Cuộc bầu cử sắp tới sẽ có sự tham gia của 7 đảng lớn, trong đó hai liên minh chính trị lớn là liên minh giữa đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU) với đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) hay còn gọi là liên minh bảo thủ CDU/CSU và liên minh do SPD dẫn đầu. Dự báo, ông Friedrich Merz - lãnh đạo liên minh CDU/CSU - có thể trở thành thủ tướng mới của Đức khi sự ủng hộ dành cho liên minh này đang gia tăng.

Theo đài CNN, các vấn đề kinh tế và nhập cư, đặc biệt là tác động từ cuộc chiến ở Syria, sẽ là những chủ đề trọng tâm trong cuộc bầu cử sắp tới.

Bước chuyển đổi ở chính trường Pháp

Chính trường Pháp đã chứng kiến một bước chuyển quan trọng vào ngày 4-12, khi các nhà lập pháp thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ, theo Reuters.

Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) đã hợp tác để thông qua cuộc bỏ phiếu này, nhằm chống lại Thủ tướng Michel Barnier.

Kết quả 331 phiếu bất tín nhiệm đã dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Pháp và khiến Thủ tướng Barnier buộc phải từ chức, kết thúc nhiệm kỳ chỉ kéo dài 3 tháng.

Ngày 13-12, Tổng thống Macron đã bổ nhiệm ông Francois Bayrou làm thủ tướng mới và giao ông nhiệm vụ thành lập chính phủ.

 Thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 4-12. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 4-12. Ảnh: REUTERS

Sự sụp đổ của chính phủ Barnier đã đặt Tổng thống Macron đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi ông giải tán quốc hội vào tháng 6 và kêu gọi bầu cử sớm. Kết quả là quốc hội rơi vào tình trạng treo khi liên minh cầm quyền mất thế đa số và không có đảng nào chiếm được quyền kiểm soát, làm cho việc điều hành đất nước gặp khó khăn.

Theo hiến pháp, cuộc bầu cử quốc hội sẽ không thể tổ chức trước tháng 7-2025, do cuộc bầu cử gần nhất vừa diễn ra sáu tháng trước. Vì vậy, chính phủ mới của ông Bayrou sẽ đối mặt với những thử thách tương tự như chính phủ của ông Barnier, khi phe cánh tả và cánh hữu có thể tiếp tục ngăn cản chương trình nghị sự của chính phủ mới, đặc biệt là vấn đề ngân sách năm 2025.

Để giải quyết tình thế này, chính phủ mới của ông Bayrou cần đủ mạnh mẽ để vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội và thông qua ngân sách cho năm sau, theo hãng tin AFP.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chinh-truong-the-gioi-2024-xao-dong-tu-dong-sang-tay-post826505.html
Zalo