Chính thức ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đường bộ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 26/9/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đường bộ.
Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Để thực hiện Luật Đường bộ kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đường bộ nhằm nâng cao nhận thức về Luật Đường bộ và trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thi hành Luật Đường bộ;
Đồng thời, xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đường bộ, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả.
Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Đường bộ trên phạm vi cả nước.
Nội dung của Kế hoạch gồm: Tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Luật Đường bộ; tuyên truyền, phổ biến Luật Đường bộ; tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đường bộ; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ; Tổ chức theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thi hành Luật Đường bộ.
Theo Kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí, các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Đường bộ và các điểm mới của Luật này bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế; tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Luật Đường bộ, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật này trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ, ở trung ương, Bộ Giao thông vận tải chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ được giao tại Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 27/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn điểm c khoản 4 Điều 8, khoản 5 Điều 30 Luật Đường bộ. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chủ trì ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn khoản 4 Điều 57, khoản 1 Điều 84 Luật Đường bộ.
Luật Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. Theo đó:
Nguyên tắc hoạt động đường bộ
1. Bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, kết nối đồng bộ, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại thuận tiện của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, hội nhập quốc tế.
2. Phát triển đường bộ theo quy hoạch; sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kết nối phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, bảo đảm văn minh, hiện đại và đồng bộ.
3. Thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.
4. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ
1. Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:
a) Tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; kết nối đồng bộ các tuyến đường bộ, các phương thức vận tải khác với vận tải đường bộ;
b) Xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, đa dạng các hình thức, phương thức đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;
c) Ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án đường bộ trọng điểm kết nối vùng, khu vực, đô thị lớn, trung tâm trong nước và quốc tế; kết cấu hạ tầng đường bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới; kết cấu hạ tầng đường bộ dễ tiếp cận và bảo đảm an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương; kết cấu hạ tầng đường bộ tại các đô thị để giảm ùn tắc giao thông; các tuyến đường tuần tra biên giới, đường ven biển để phục vụ mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Phát triển hợp lý các loại hình kinh doanh vận tải; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phát triển giao thông thông minh; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và các phương tiện vận tải khác.
3. Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường bộ.