Chính sách ưu việt để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội
Ngày 28-11-2024, với 458/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2024. Việc quy định tăng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ là một trong những chính sách thu hút nguồn nhân lực phục vụ Quân đội.
Quân đội là ngành lao động đặc thù, lao động "xương máu"; đội ngũ sĩ quan Quân đội phần lớn đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, đảo phải thường xuyên, trực tiếp chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nếu tăng tuổi theo Bộ luật Lao động thì khó bảo đảm cho đội ngũ sĩ quan đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong khi đó, theo đặc thù của tổ chức biên chế và yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội, bậc quân hàm của sĩ quan phải gắn với chức vụ mà họ đảm nhiệm. Điều 13 quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như sau: Cấp úy 50 tuổi (tăng 4 tuổi); Thiếu tá 52 tuổi (tăng 4 tuổi); Trung tá 54 tuổi (tăng 3 tuổi); Thượng tá 56 tuổi (tăng 2 tuổi), Đại tá 58 tuổi (tăng 1 tuổi), riêng cấp tướng giữ nguyên 60 tuổi (tăng 5 tuổi đối với nữ).
Mục đích của tăng tuổi phục vụ tại ngũ là nhằm phát huy được năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ, bảo đảm cho đa số sĩ quan, nhất là cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng mức lương hưu tối đa 75%. Việc nâng tuổi phục vụ tại ngũ sẽ bảo đảm cho sĩ quan cấp Trung tá trở xuống nhằm giải quyết được những bất cập trong thực tiễn về chức vụ, hạn tuổi phục vụ, cấp bậc quân hàm cũng như chế độ, chính sách, tiền lương đối với đội ngũ sĩ quan. Đồng thời, thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội, cũng như tận dụng được thời gian, kinh nghiệm công tác của sĩ quan; bảo đảm cơ cấu đội ngũ, tránh dồn ứ cục bộ, dễ dẫn đến nảy sinh tâm tư trong đội ngũ sĩ quan, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Tại khoản 2, Điều 13 quy định: Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đối tượng được xem xét kéo dài bao gồm: Sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành; nhà giáo nhân dân; thầy thuốc nhân dân; nghệ sĩ nhân dân đang làm việc đúng chuyên ngành ở các nhà trường, cơ sở nghiên cứu, bệnh viện, đoàn nghệ thuật; phi công quân sự; sĩ quan đang làm nhiệm vụ chiến đấu hoặc nhiệm vụ đặc biệt và một số sĩ quan khác theo quy định của Bộ Quốc phòng. Đây là vấn đề rất cần thiết không những tận dụng, phát huy được sĩ quan có trình độ cao mà còn cổ vũ, động viên sĩ quan tích cực, chủ động trong học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ để được cống hiến, phục vụ, kéo dài thời gian tại ngũ.