Chính sách tiền tệ của Fed mang lại rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu

Các ngân hàng trung ương toàn cầu vốn xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là trụ cột ổn định hiện đang phải đối mặt với giai đoạn khó lường khi các quyết định về chính sách tiền tệ của Fed bị kéo theo những hướng xung đột và tính độc lập của ngân hàng trung ương có thể bị ảnh hưởng.

Các lựa chọn chính sách sắp tới của Fed đặt ra một vấn đề là khi các ngân hàng trung ương khác cắt giảm lãi suất để ứng phó với tình trạng tăng trưởng chậm lại, Mỹ cần chính sách tiền tệ thắt chặt để ngăn chặn lạm phát do thuế quan thúc đẩy, sự khác biệt này có thể gây căng thẳng cho thị trường và khiến việc đi vay bằng đồng đô la trở nên đắt đỏ hơn đối với các quốc gia kém phát triển nói riêng.

Một vấn đề khác là liệu Fed có thể đứng ngoài cuộc chiến chính trị trước các đợt chỉ trích của Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Fed Jerome Powell hay không.

Việc mất đi sự độc lập của Fed sẽ làm suy yếu một thể chế mà từ những năm 1980 đã trở thành một dạng tài sản công toàn cầu giúp neo giữ lạm phát vừa phải và lãi suất khiêm tốn, đồng thời đảm bảo tiền mặt tiếp tục lưu thông qua nền kinh tế toàn cầu trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 và đại dịch.

"Điều thực sự quan trọng là đảm bảo rằng các ngân hàng trung ương có thể làm những gì cần thiết để neo giữ kỳ vọng lạm phát và điều đó đòi hỏi mọi người phải hiểu và tin tưởng rằng họ sẽ phản ứng…Uy tín của các ngân hàng trung ương là điều hoàn toàn cần thiết và sự độc lập của ngân hàng trung ương là một thành phần quan trọng cho điều đó", Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.

Các ngân hàng trung ương độc lập được xem là kiểm soát lạm phát tốt hơn vì họ có thể áp dụng lãi suất cao và các điều kiện tín dụng thắt chặt ngay cả khi điều đó làm chậm tăng trưởng và tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Trong bài phát biểu vào tuần trước khi được hỏi về khả năng mất đi sự độc lập của Fed, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, mối quan hệ công việc giữa Fed và ECB là "quyết định để có một cơ sở hạ tầng tài chính vững chắc".

"Chúng tôi đã chứng minh trong quá khứ rằng chúng tôi thực sự có thể hoạt động trên cơ sở tham vấn và hiểu biết về rủi ro tài chính, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy theo cách không nao núng và không thay đổi, tôi chắc chắn vậy", bà cho biết.

Thị trường bất ổn

Tuần trước, khi ECB cắt giảm lãi suất, Tổng thống Trump đã nêu lên khả năng sa thải ông Powell vì không tiếp tục hạ lãi suất. Nhưng vào ngày 22/3, Tổng thống Trump đã nói rằng ông "không có ý định" sa thải Chủ tịch Fed.

Dù vậy, khả năng này vẫn làm thị trường vốn đã bất ổn vì các kế hoạch thuế quan lại càng thêm bất ổn, và ngay cả khi ông Powell vẫn giữ chức chủ tịch cho đến khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 5/2026, thì vẫn sẽ có một cuộc chuyển giao khi tổng thống chọn người kế nhiệm.

"Chúng ta đã có một loạt những người đứng đầu Fed thực sự ổn định, phần nào bị thu hút bởi sức nặng của chức vụ…Kỳ vọng tốt nhất là người tiếp theo sẽ đi theo con đường tương tự... Nhưng rõ ràng đây là một vấn đề căng thẳng hơn và kết quả có thể tiêu cực hơn", Ed Al-Hussainy, nhà phân tích lãi suất cấp cao của Columbia Threadneedle cho biết.

"Làm sao chúng ta không thể nghi ngờ bất kỳ ai được bổ nhiệm vào vai trò đó vào năm 2026?...Tổng thống Trump rõ ràng muốn thiết lập chính sách tiền tệ mang tính đại diện. Lịch sử tôn vinh những ngân hàng trung ương đứng lên chống lại áp lực chính trị, chứ không phải những người khuất phục. Bất kỳ ai hiểu được điều đó chắc chắn sẽ có những nghi ngại lớn", Dario Perkins, nhà phân tích vĩ mô toàn cầu của TSLombard cho biết.

Ông Powell cho biết, ông cảm thấy sự độc lập của Fed được đảm bảo theo luật pháp Mỹ và có sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng tại Quốc hội. Ngoài ra, các chương trình quan trọng như các khoản vay đô la thế chấp cho các ngân hàng trung ương khác sẽ tiếp tục hoạt động vì nó có lợi cho Mỹ để đảm bảo thị trường tài sản được bảo đảm bằng đồng đô la tiếp tục hoạt động.

Phần lớn sự chú ý của Fed đối với các vấn đề kinh tế và tài chính toàn cầu đều dựa trên những cơ sở tương tự. Trong khi các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết các quyết định của họ bắt nguồn từ các điều kiện kinh tế trong nước, thì tác động lan tỏa tiềm ẩn từ thị trường quốc tế trở lại tăng trưởng, việc làm và lạm phát của Mỹ là một phần của những quyết định chính sách.

Ngược lại, Tổng thống Trump dường như muốn tạo khoảng cách giữa nền kinh tế Mỹ và phần còn lại của thế giới, một thực tế có thể ảnh hưởng đến lựa chọn người kế nhiệm và có thể đang định hình lại thị trường tài chính thế giới.

Khi các kế hoạch áp thuế của Tổng thống Trump được triển khai, sự suy giảm đồng thời của đồng đô la và thị trường chứng khoán Mỹ cùng với sự gia tăng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ít nhất đã ám chỉ rằng tình trạng trú ẩn an toàn của Mỹ có thể đã bị ảnh hưởng.

Trong một phân tích gần đây, các nhà kinh tế của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, Mỹ đang có một "cuộc suy thoái nhỏ" vào cuối năm nay, phần lớn là do các chính sách của Nhà Trắng.

"Trong trường hợp của Mỹ, ranh giới phân chia sự yếu kém theo chu kỳ với việc thiết kế chính sách có chủ đích ngày càng trở nên mờ nhạt…Thay vì trải qua một cú sốc bên ngoài theo truyền thống... Mỹ hiện phải đối mặt với sự giảm tốc tự tạo ra nhiều hơn", Marcello Estevao, Giám đốc điều hành và nhà kinh tế trưởng của IIF cho biết.

Trong khi đó, Fed có thể bị cản trở bởi lạm phát tăng ngay cả khi nền kinh tế chậm lại, đòi hỏi phải đánh giá một cách khó khăn về việc liệu những áp lực giá đó có tự biến mất hay không.

Trong các bình luận tuần trước, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, sau những năm gần đây khi các ngân hàng trung ương liên kết để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu vượt qua đại dịch và sau đó là kiềm chế lạm phát, chính sách có thể đang ở ngã tư đường.

"Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà mọi thứ sẽ không giống nhau đối với tất cả mọi người", với một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng chậm lại và những quốc gia khác nơi "ít hàng hóa hơn, hàng hóa đắt hơn... có thể đẩy lạm phát lên cao", bà cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chinh-sach-tien-te-cua-fed-mang-lai-rui-ro-cho-nen-kinh-te-toan-cau-post368171.html
Zalo