Chính sách thuế và hải quan tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất
Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện chính sách quản lý thuế và hải quan thời gian qua giúp giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Chiều 7/11, tại Hà Nội, Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách và quản lý thuế, hải quan, logistics”.
Chính sách thuế đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan cho biết, quản lý thuế là lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong quản lý tài chính nhà nước. Quản lý thuế không chỉ đảm bảo nguồn thu để Nhà nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, mà còn có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.
PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, các ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý tại hội thảo là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để cơ quan lập pháp cân nhắc, hoàn thiện các chính sách liên quan.
Trong bối cảnh đó, chính sách thuế, hoạt động quản lý thuế, hải quan cần điều chỉnh để phối hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách quản lý nhà nước khác nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là một chủ đề rất quan trọng cần được thảo luận.
TS. Nguyễn Đình Chiến - Phó trưởng Khoa Thuế và Hải quan cho rằng, hệ thống chính sách thuế đã huy động được nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nhà nước (NSNN) phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước; đã có tác động góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý; góp phần giải quyết khó khăn, giúp sản xuất kinh doanh phục hồi, ổn định và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nền kinh tế…
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho mục tiêu phát triển kinh tế, chính sách thuế cần tiếp tục hoàn thiện để phát huy hết vai trò trong quản lý, điều tiết, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu
Đề xuất hoàn thiện chính sách thuế, TS. Nguyễn Đình Chiến cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo bao quát, quản lý, điều tiết đầy đủ các khả năng nộp thuế trong nền kinh tế, góp phần huy động nguồn thu NSNN và điều tiết nền kinh tế.
Cụ thể, đối với thuế xuất khẩu, nhập khẩu, cơ sở thuế có thể được mở rộng thông qua việc giảm các trường hợp được miễn thuế; đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT) việc mở rộng cơ sở thuế được thực hiện thông qua việc chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ không chịu thuế sang chịu thuế GTGT...
Cùng với đó, xem xét, điều chỉnh mức độ điều tiết của một số sắc thuế để phát huy hơn nữa vai trò trong quản lý, điều tiết, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Cụ thể, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), xây dựng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ để tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp này trong phát triển sản xuất kinh doanh, phù hợp với quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), cần xem xét điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng. Trong đó, tập trung vào các hàng hóa có nhiều hệ lụy đến sức khỏe nhưng hiện tại đang có mức điều tiết thấp như rượu, bia, thuốc lá.
Còn theo TS. Tôn Thu Hiền - Khoa Thuế và Hải quan, ngày 29/11/2023, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.
Theo ước tính của Tổng cục Thuế, có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó, có khoảng 90 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024.
Mặc dù đã được bổ sung, chỉnh sửa, nhưng trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam còn một số bất cập cần được hoàn thiện để đảm bảo thích ứng hơn.
Cụ thể, mức ưu đãi cao, diện ưu đãi còn rộng và dàn trải làm suy giảm nguồn thu NSNN, đồng thời dễ bị doanh nghiệp lợi dụng hưởng ưu đãi; chính sách ưu đãi thuế TNDN còn phức tạp, khó khăn cho công tác quản lý thuế; chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam chưa thực sự khuyến khích các hoạt động đầu tư thực chất, có lợi ích lâu dài; chính sách ưu đãi thuế chưa đạt được mục tiêu thu hút được các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư; chính sách ưu đãi chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với nền kinh tế số
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý tập trung thảo luận các vấn đề như: Cụ thể hóa Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2030; các khuyến nghị, đề xuất hoàn thiện các Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)...
Định hướng và các giải pháp hoàn thiện các chính sách thuế nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và góp phần tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng; chính sách và quản lý thuế, hải quan trong điều kiện phát triển nền kinh tế số.