Chính sách thuế của Mỹ: Công nghiệp ô tô Mexico loay hoay tìm hướng đi
Ngành công nghiệp ô tô Mexico bắt đầu cuốn vào vòng xoáy bất ổn sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các chính sách thuế mới, sự việc gây xáo trộn hoạt động tại nhiều nhà máy cũng như gây tâm lý lo ngại cho hàng trăm ngàn nhân công đang làm việc tại các trung tâm sản xuất ô tô lớn trên toàn quốc.

Xe đầu kéo vận chuyển ô tô trên đường cao tốc ở Nogales, Sonora, Mexico. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia Stellantis đã thông báo quyết định tạm dừng hoạt động của 2 nhà máy tại Mexico trong bối cảnh Mỹ bắt đầu áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ quốc gia Mỹ Latinh này, khiến các đơn đặt hàng từ nền kinh tế số một thế giới giảm đáng kể.
Cụ thể, Stellantis cho biết nhà máy của hãng tại thành phố Saltillo, bang miền Bắc Coahuila dự kiến đóng cửa đến ngày 13/4, trong khi nhà máy tại thành phố Toluca, bang Mexico (Estado de Mexico) sẽ đóng cửa đến ngày 4/5 tới.
Trong thông báo, Stellantis nêu rõ việc tạm thời đóng cửa 2 nhà máy trên giúp lãnh đạo tập đoàn có trụ sở chính tại Amsterdam, Hà Lan đánh giá các tác động của thuế quan đối với hoạt động kinh doanh, qua đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp trong tình hình mới.
Bình luận về quyết định này, bà Laura González Hernández – Bộ trưởng Phát triển Kinh tế chính quyền bang Mexico khẳng định việc tạm ngừng hoạt động là biện pháp phòng ngừa trong bối cảnh thuế nhập khẩu mới có hiệu lực, và điều này sẽ không ảnh hưởng đến thu nhập hay việc làm của công nhân. Chính quyền sở tại đang duy trì liên lạc chặt chẽ với Stellantis để theo sát tình hình.
Cũng liên quan đến quyết định trên của Stellantis, ông Arturo Reveles – Chủ tịch Phòng Công nghiệp (Canacintra) tại bang Coahuila cho rằng việc tập đoàn tăng lượng dự trữ xe trong kho tại thời điểm trước khi Mỹ áp thuế là nguyên nhân dẫn đến quyết định tạm thời ngừng sản xuất. Theo ông Reveles, hơn 230 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ô tô tại địa phương, bao gồm cả Stellantis, đang sử dụng khoảng 60.000 nhân công chính thức và không chính thức. Đây sẽ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp cũng như chính quyền bang.
Trong khi đó, tại bang miền Trung Puebla, nơi đặt nhà máy của hãng xe Đức Volkswagen và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tâm lý lo lắng bao trùm khi phần lớn người lao động chưa được thông tin đầy đủ về tác động thực tế của thuế quan mới.
Nhiều công nhân tại đây bày tỏ lo ngại rằng chính quyền Mỹ đang tìm cách đưa sản xuất trở lại Mỹ, đồng nghĩa với khả cắt giảm lao động tại Mexico. Dù chưa có thông báo chính thức từ Volkswagen, đại diện công đoàn nhà máy bày tỏ mong muốn lãnh đạo tập đoàn đạt được thỏa thuận thương mại phù hợp trong khuôn khổ Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).
Cùng lúc đó, tại bang Aguascalientes - một trong những trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Mexico – nơi nhà máy Nissan đang sử dụng khoảng 50.000 lao động trực tiếp và gián tiếp, chính quyền địa phương đã bắt đầu triển khai các biện pháp ứng phó nhằm bảo vệ việc làm, bao gồm việc tăng cường chuỗi cung ứng nội địa và đưa ra các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hoạt động tại nhà máy COMPAS - liên doanh giữa Daimler và Nissan- đã bắt đầu xuất hiện tình trạng đình trệ, một số dây truyền tạm ngừng sản xuất, nhiều công nhân đang tạm nghỉ cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trong khi đó, tại bang San Luis Potosí, tình hình vẫn ổn định. Các hãng như General Motors và BMW khẳng định tiếp tục duy trì sản xuất, thậm chí BMW còn đẩy mạnh kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất pin công suất cao, dự kiến tạo ra 500 việc làm chất lượng cao. Chính quyền bang khẳng định San Luis Potosí vẫn là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, bất chấp các biện pháp thuế mới.
Ngành công nghiệp ô tô Mexico - một trong những trụ cột kinh tế của quốc gia Mỹ Latinh này – đang ngày càng bộc lộ mức độ phụ thuộc sâu sắc vào thị trường Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách thương mại của Washington liên tục thay đổi và có xu hướng gia tăng tính bảo hộ.
Theo thống kê từ Bộ Kinh tế Mexico, hơn 80% sản lượng ô tô sản xuất tại Mexico được xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có hàng triệu xe mỗi năm đến từ các nhà máy của những tập đoàn đa quốc gia như General Motors, Ford, Stellantis, Volkswagen, Nissan, BMW và Toyota. Sự kết nối giữa hai nền kinh tế thông qua USMCA trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi cung ứng và sản xuất liên kết xuyên biên giới.
Tuy nhiên, chính sự lệ thuộc này khiến Mexico dễ bị tổn thương trước các quyết định chính sách từ phía Mỹ. Mỗi động thái siết chặt thuế quan, quy định về xuất xứ hàng hóa hay tiêu chuẩn môi trường từ Washington đều có thể gây tác động dây chuyền đến sản xuất, việc làm và đầu tư tại Mexico.
Nhiều chuyên gia kinh tế Mexico cho rằng nước này cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đầu tư vào phát triển chuỗi cung ứng nội địa để giảm thiểu rủi ro. Các thị trường tiềm năng như châu Âu, Nam Mỹ hoặc châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là những hướng đi cần thiết trong dài hạn.