Chính sách thúc đẩy tăng trưởng

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25 ngày 5/2/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Đây được ví như chỉ tiêu 'KPI' cụ thể của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

Việc giao chỉ tiêu như vậy hoàn toàn có cơ sở, bởi theo báo cáo của Chính phủ trình bày tại phiên họp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, năm 2024, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu (trong đó có 12 chỉ tiêu vượt). Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đạt kết quả nổi bật, cao hơn số ước thực hiện đã báo cáo Trung ương và Quốc hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trên cơ sở những gì đã đạt được trong năm 2024 đầy những khó khăn, thách thức và để tạo nền tảng vững chắc cho năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng (dự kiến vào năm 2026) thì tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên. Đây là tiền đề để chúng ta tăng tốc đạt tốc độ tăng trưởng 2 chữ số kể từ năm 2026. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng khẳng định điều này tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2025 khi phân tích: Việc đạt được mức tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 sẽ là tiền đề để hướng đến tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo, với kỳ vọng đạt mức 2 con số, tức trên 10%.

Muốn đạt kịch bản tăng trưởng nêu trên, các khu vực kinh tế cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7 - 1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%...
Cùng với đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh việc phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 - 10%, nhất là Hà Nội, TPHCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước…

Đáng lưu ý, trong năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP với 2 con số cho 16 tỉnh, thành phố. Trong đó, Bắc Giang cao nhất là 13,6%; Ninh Thuận 13%, TP Hải Phòng 12,5%; Ninh Bình và Quảng Ninh 12%; Thanh Hóa 11%... Điều này cho thấy Chính phủ đặt kỳ vọng vào những cực tăng trưởng truyền thống và một số cực tăng trưởng mới; những địa phương còn nhiều dư địa trong sản xuất công nghiệp, năng lượng, dịch vụ.

Đó là một mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng và khả thi nếu như chúng ta thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, theo như Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu, cần phải làm rõ hơn nữa các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng như giảm thuế, kích thích sản xuất đi kèm với giải pháp giảm thuế. Còn Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu lại nhấn mạnh, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế trong việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia hay việc tinh gọn bộ máy cần trở thành động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo dự kiến, hôm nay (ngày 10/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Muốn đạt được tăng trưởng kỳ vọng này, ngoài những vấn đề về thể chế, chính sách, cũng cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân có thể đầu tư vào nhiều lĩnh vực mà nhà nước không cần phải nắm giữ quá trình sản xuất, kinh doanh - đây chính là cách khơi thông đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi trong khu vực kinh tế tư nhân để phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chinh-sach-thuc-day-tang-truong-10299606.html
Zalo