Chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học
Với việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, các nhà khoa học được tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH). Đặc biệt, cơ chế tài chính thoáng, hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, ưu đãi thuế… là những động lực để rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng.

PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, trong buổi sinh hoạt chuyên môn về khoa học tại trường. Ảnh: NVCC
Đó là những nét nổi bật của Nghị định số 88/2025/NĐ-CP ngày 13-4-2025 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia (Nghị định 88).
Động lực cho nghiên cứu khoa học
Nghị định 88 có đến 12 nội dung mới hoặc quy định chi tiết hơn theo hướng có lợi cho hoạt động KHCN, ĐMST, CĐS. Chẳng hạn, Nghị định 88 quy định cho phép viên chức đơn vị sự nghiệp công lập được tham gia điều hành, làm việc tại doanh nghiệp (DN) do tổ chức KHCN công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập; quy định rõ việc không hoàn trả kinh phí từ ngân sách nhà nước trong trường hợp nhiệm vụ KHCN không đạt được kết quả cuối cùng như dự kiến nếu tuân thủ đúng quy trình. Về quản lý kết quả KHCN định kỳ, Nghị định 88 chú trọng giám sát sau nghiệm thu; bổ sung cơ chế ưu đãi thuế DN đối với hoạt động tài trợ và đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST…
Với vai trò một nhà khoa học thường xuyên thực hiện các đề tài nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, bày tỏ nhiều điều tâm đắc sau khi Nghị định 88 được ban hành.
Nghị định 88 gồm 4 chương với 33 điều, có nhiều nội dung quy định theo hướng có lợi cho nhà nghiên cứu khoa học để có thể yên tâm, mạnh dạn thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học.
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho rằng, việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu theo Nghị định 88 không chỉ mở đường cho việc đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, mà còn khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và ĐMST trong giới nghiên cứu, giúp rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng, vốn là điểm nghẽn lớn trong hệ sinh thái KHCN tại Việt Nam lâu nay.
“Cùng với đó, chính sách đầu tư mạnh vào nền tảng số quy mô quốc gia như: xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, trung tâm điều hành thông minh… là bước tiến rất đáng ghi nhận. Việc cho phép chỉ định thầu với các dự án CĐS trọng điểm nhằm đảm bảo tiến độ triển khai cho thấy sự quyết liệt trong hành động của Chính phủ. Đây là môi trường thuận lợi để các kết quả nghiên cứu KHCN được triển khai thực tế, đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực mới cho các đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực số” - ông Quỳnh cho hay.
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh cũng đánh giá rất cao quy định miễn trách nhiệm dân sự cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước khi đã tuân thủ đúng quy định nhưng kết quả không như kỳ vọng. Đây là bước đột phá về thể chế, giúp giảm áp lực cho nhà khoa học, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, nhất là trong bối cảnh nghiên cứu khoa học luôn tiềm ẩn rủi ro và không thể đảm bảo chắc chắn về kết quả.
Nghị định 88 có quy định chính sách ưu đãi thuế cho DN tài trợ nghiên cứu, cho phép tính khoản tài trợ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Đây là tín hiệu tích cực nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư cho nghiên cứu, ĐMST. Điều này tạo ra cơ chế phối hợp hiệu quả giữa nhà khoa học và DN, thúc đẩy việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản phẩm, dịch vụ cụ thể phục vụ xã hội.
Nghị định 88 quy định không tính thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của nhà khoa học, góp phần tạo thêm động lực để đội ngũ nghiên cứu yên tâm cống hiến.
Sẽ có nhiều hỗ trợ từ Quỹ Phát triển khoa học công nghệ
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 88, UBND tỉnh đã có công văn gửi các sở, ban, ngành, địa phương về việc triển khai nghị định. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và đề xuất các nhiệm vụ cụ thể, tích hợp vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện.
Theo Giám đốc Sở KHCN Tạ Quang Trường, Sở KHCN đã xây dựng đề án và có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc thành lập Quỹ Phát triển KHCN tỉnh Đồng Nai. Tờ trình đề án nêu rõ, “cơ chế tài chính về KHCN có sự đổi mới đòi hỏi tỉnh Đồng Nai phải có Quỹ Phát triển KHCN để cấp kinh phí, tài trợ, hỗ trợ, tạo cơ hội cho các nhà khoa học theo đuổi các công trình nghiên cứu và DN đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, đồng thời để sẵn sàng triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KHCN tại địa phương”.
“Quỹ hoạt động nhằm mục đích tài trợ, cấp kinh phí, cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ nâng cao năng lực KHCN của quốc gia. Hoạt động của quỹ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - ông Trường cho hay.
Quỹ hoạt động theo mô hình quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư (nhóm 1), không vì mục đích lợi nhuận, quản lý và sử dụng vốn theo các quy định pháp luật hiện hành.
Tổng nguồn vốn của quỹ là 100 tỷ đồng, được phân bổ từ ngân sách nhà nước dành cho sự nghiệp KHCN của tỉnh, vốn điều lệ được cấp lần đầu là 100 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, căn cứ vào tình hình hoạt động của quỹ, tùy theo nhu cầu, khả năng hoạt động và khả năng cân đối ngân sách tỉnh, Hội đồng Quản lý quỹ đề xuất cụ thể trình UBND tỉnh quyết định việc thay đổi quy mô vốn điều lệ của quỹ dựa vào hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, để Nghị định 88 thực sự đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, các nhà khoa học và tổ chức KHCN rất cần được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý, đặc biệt là Sở KHCN. Theo đó, Sở KHCN cần có hướng dẫn chi tiết và cụ thể về thủ tục thành lập hoặc tham gia thành lập DN KHCN nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, bao gồm các bước pháp lý, điều kiện góp vốn và cơ chế để viên chức được tham gia quản lý, điều hành DN.
Theo PGS-TS Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Miền Đông, Sở KHCN nên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo phổ biến nội dung và các chính sách mới của nghị định trên, giúp các tổ chức, cá nhân nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ, cũng như các cơ chế hỗ trợ liên quan. Đồng thời, cần phối hợp với cơ quan thuế để hướng dẫn rõ ràng về các ưu đãi thuế như: miễn thuế thu nhập cá nhân cho người thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước và việc tính khoản tài trợ nghiên cứu vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN.
Có ý kiến cho rằng, cần tạo điều kiện để các tổ chức KHCN tiếp cận và tham gia vào các dự án CĐS trọng điểm như: cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, trung tâm điều hành thông minh…, nhằm thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Cũng theo ông Song, các nhà khoa học cần một cơ chế phản hồi và hỗ trợ liên tục, thông qua các kênh thông tin chính thức để tiếp nhận và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về KHCN ở địa phương, Sở KHCN cần giữ vai trò chủ động và đồng hành, góp phần biến các chủ trương đúng đắn của Nghị định 88 thành động lực thúc đẩy KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.